| Hotline: 0983.970.780

Cuộc đời kiên trung của nữ Biệt động Sài Gòn

Thứ Tư 30/04/2025 , 17:02 (GMT+7)

Chuyện tình như cổ tích của vợ chồng chiến sĩ Phạm Thị Chinh đã viết nên bản hùng ca bất tử về Biệt động Sài Gòn, được người đời ái mộ.

Một đời vì nước

Liệt sĩ Phạm Thị Chinh (1930 – 1964, bí danh Phạm Thị Phan Chính), một trong những cán bộ chiến sĩ của Biệt động Sài Gòn hoạt động ở nội thành Sài Gòn trong giai đoạn mới hình thành.

Bà Chinh cũng chính là “chìa khóa” giúp cho chồng - ông Trần Văn Lai (bí danh Năm Lai được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 2015) hoạt động dưới vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) và sau này cùng đồng đội thực hiện cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 vào hàng loạt cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy gây chấn động địa cầu. 

Liệt sĩ Phạm Thị Chinh, nữ Biệt động Sài gòn kiên trung, bất khuất. Ảnh: Trần Vũ Bình (con trai của ông Năm Lai và người vợ kế) .

Liệt sĩ Phạm Thị Chinh, nữ Biệt động Sài gòn kiên trung, bất khuất. Ảnh: Trần Vũ Bình (con trai của ông Năm Lai và người vợ kế) .

Bà Đặng Thị Tuyết Mai (sinh năm 1944, người vợ kế của ông Năm Lai) kể: “Chị Chinh quê ở làng Vẽ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là xã Xuân Đỉnh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Sinh ra trong gia đình thuộc loại danh gia vọng tộc, truyền thống nhiều đời làm quan. Chị Chinh tham gia cách mạng theo lời Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào năm 1946. Khoảng năm 1951, chị Chinh bị chính quyền thực dân bắt và đưa về bót Liễu Giai tra tấn. Không đủ bằng chứng kết án tù, sau 6 tháng bị giam cầm, chị được trả tự do”.

Năm 1953, bà Chinh được cấp trên điều vào miền Nam hoạt động và tham gia vào lực lượng Biệt động Sài Gòn dưới vỏ bọc là thợ kim hoàn của tiệm vàng Vĩnh Xuân, địa chỉ 296-298 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM. Bà còn là chủ sạp vải ở chợ Tân Định. Thậm chí có nhiều giai thoại người dân khu trung tâm quận 1, TP.HCM rỉ tai rằng, bà Chinh chính là người đứng sau các “phi vụ” buôn vàng từ Campuchia về Sài Gòn, đúng nghĩa là nhà tư sản giàu có.

“Lót ổ” trận đánh lâu dài

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết vào ngày 20/7/1954, Đảng bí mật chỉ đạo một số cán bộ chiến sĩ vào miền Nam hoạt động với vỏ bọc hợp pháp nhằm gây dựng phương án đấu tranh lâu dài. Ông Năm Lai (chủ thầu khoán Dinh Độc Lập) là một trong số đó. Thời gian đầu vào Sài Gòn, ông Năm Lai được bà Chinh đưa vào nội thành hoạt động. Chính sự gần gũi này đã khiến họ nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng.

Khi đó, dù chỉ hơn 20 tuổi nhưng bà Chinh đã được xem là nhà…“tài phiệt”, bà giúp kinh tế cho chồng hoạt động cách mạng. Năm 1962, cấp trên chỉ đạo vợ chồng bà Chinh xây dựng hầm chứa vũ khí trong nội thành Sài Gòn để phục vụ chiến đấu lâu dài. Để thực hiện, vợ chồng bà Chinh bán tài sản cá nhân là căn biệt thự số 6 – 8 đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận). Ngoài ra còn chuyển 800 ngàn đồng (tiền thời bấy giờ) vào ngân hàng nước ngoài để cấp trên trang trải.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Năm Lai (đứng) chồng bà Chinh và các Biệt động Sài Gòn trong ngày giỗ bà Chinh năm 1984. Ảnh: Trần Vũ Bình. 

Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Năm Lai (đứng) chồng bà Chinh và các Biệt động Sài Gòn trong ngày giỗ bà Chinh năm 1984. Ảnh: Trần Vũ Bình. 

Sau khi đảo chính thành công chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, chính quyền Mỹ - Ngụy có chủ trương “phóng thích” một số tù chính trị Cách mạng. Tuy nhiên yêu cầu đưa ra phải có người thân tại nội thành Sài Gòn đứng ra bảo lãnh tù nhân.

Không ngần ngại, vợ chồng bà Chinh đứng ra bảo lãnh 2 cán bộ cao cấp của Cách mạng đang bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo - vốn là 2 trong số những ngôi sao ở “địa ngục trần gian” - là ông Phan Trọng Bình (sau là Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa) và ông Phạm Quốc Sắc (sau là Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng thuộc Ban Tổ chức Trung ương). Ngày đó, hình ảnh của họ là tấm gương học tập của biết bao chiến sĩ Cách mạng.

Hào khí Cách mạng

Tự nhận là bà con của 2 cán bộ cao cấp nói trên, vợ chồng Bà Chinh lo chu toàn các thủ tục bảo lãnh để đưa bằng được ông Bình, ông Sắc về Sài Gòn. Do yêu cầu của Quân khu, 2 cán bộ này được lệnh rút ra Khu hoạt động. Chính quyền Mỹ - Ngụy phát hiện sự “biến mất” của 2 cán bộ Cách mạng cao cấp nói trên đã bắt giữ bà Chinh tra khảo. Những đòn tra tấn tàn bạo vẫn không khai thác được gì từ bà, nên chúng buộc phải thả bà về.

Tiệm vàng Vĩnh Xuân số 296-298 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM (màu vàng) được phục dựng, với vỏ bọc thợ Kim Hoàn, bà Chinh đã hoạt động cách mạng ở nơi đây trong một thời gian dài. Ảnh: Đình Du. 

Tiệm vàng Vĩnh Xuân số 296-298 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM (màu vàng) được phục dựng, với vỏ bọc thợ Kim Hoàn, bà Chinh đã hoạt động cách mạng ở nơi đây trong một thời gian dài. Ảnh: Đình Du. 

Với di chứng nặng nề của hai lần bà bị tra tấn và bệnh lao phổi hoành hành, mặc dù ông Năm Lai tận tình chạy chữa cho vợ, nhưng đến ngày 30/10/1964 bà Chinh đã qua đời. Nuốt nước mắt, ông Năm Lai khóc người từng “nâng khăn sửa túi” bằng bài thơ khắc lên bia mộ đầy hào khí Cách mạng:

“Nam mô Quản đức ta bà,

Độ vong Đức Chính tên là Phạm Chinh.

Hăm lăm tháng tám thọ mình,

Xuống lòng đất mẹ ngậm tình nước non.

Bắc Nam mẹ chẳng gặp con,

Bạn bè quyến thuộc đâu còn thấy Chinh.

Thôi thì em sống đảm thác linh,

Về đây nhận mộ nhập bia hình.

Sớm muộn Bắc Nam thề hiệp một,

Đừng hờn đừng tủi nữa nghe Chinh”.

Tiếp nối tiền đề vợ để lại, ông Năm lai và vợ kế là Đặng Thị Tuyết Mai bí mật khảo sát vị trí thuận lợi để mua nhà và đào hầm chứa vũ khí, rồi cùng lực lượng Biệt động Sài Gòn thực hiện các trận đánh chấn động vào hàng loạt cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy trong tết Mậu Thân 1968. “Tôi và các con vẫn luôn nặng lòng với chị Chinh, má Chinh. Chị ấy linh thiêng lắm, hay về báo mộng vô số điều tốt lành”, bà Đặng Thị Tuyết Mai chia sẻ.

Ông Năm Lai với người vợ Biệt động Sài Gòn lừng danh còn nhiều điều chưa giải mã hết. Trai anh hùng, gái thuyền quyên gặp nhau, họ nên duyên vợ chồng là lẽ thường tình. Chuyện tình của họ khiến “thiên hạ” một thời tán thán, hoan hỉ bởi sự huyền bí.

Anh Trần Vũ Bình tường tận cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của bà Chinh với phật tử khi ghé thăm Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: Đình Du.

Anh Trần Vũ Bình tường tận cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của bà Chinh với phật tử khi ghé thăm Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: Đình Du.

Được biết, khi vào miền Nam tham gia tổ chức Biệt động Sài Gòn, bà Chinh 3 lần viết thư gửi về thăm hỏi gia đình. Nhưng chiến tranh chia cắt, bà Chinh mất liên lạc với gia đình vào giữa năm 1955. Sau ngày đất nước liền một dải, gia đình mới hay tin bà Chinh đã hi sinh vào năm 1964. Năm 1984, bà Chinh được Nhà nước công nhận là liệt sĩ, tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Hệ quả đau lòng từ những đợt tra tấn của giặc, bà Phạm Thị Chinh dù nên duyên vợ chồng với ông Năm Lai cả chục năm trời nhưng cả hai vẫn không có đứa con chung nào.

Xem thêm
Hành khách ‘đoàn tàu Thống Nhất’ xúc động hội ngộ ở Đà Nẵng

Trưa 30/4, trong âm vang lời hát 'Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng', hàng trăm hành khách trên đôi tàu Thống Nhất vỡ òa xúc động hội ngộ tại ga Đà Nẵng.

Phú Thọ, vì sao người Mường ruồng bỏ nhà sàn?: [Bài 2] Cốt không hồn

Anh Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết trước năm 2000 gần như 100% người Mường trong xã đều ở nhà sàn.