
Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 7/5 Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện, Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với giai đoạn mới.
Dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành) quy định quy định về cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), ở xã, phường, đặc khu (cấp xã).
Liên quan tới sửa đổi, bổ sung quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã, dự thảo Luật bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã; quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính của địa phương nơi cán bộ, công chức công tác để sắp xếp, bố trí vào vị trí việc làm ở cấp xã mới theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức theo hướng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính.
Theo dự thảo, công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ.
Tại khoản 2, điều 31 Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) về xếp loại đánh giá công chức quy định rõ việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đó, công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc cho thôi việc do không đáp ứng yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Điểm b, khoản 2, điều 31 nêu rõ, công chức có 2 năm liên tiếp xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc.
Kết quả xếp loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức, thông báo đến công chức được đánh giá và được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác.
Dự án Luật cũng nhấn mạnh, công tác đánh giá phải dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Thắng.
Liên quan vấn đề trên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (UBPLTP) - cơ quan thẩm tra dự án Luật cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật về đánh giá công chức theo hướng nhấn mạnh việc đánh giá theo kết quả, sản phẩm cụ thể theo từng vị trí việc làm.
Kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách và để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp hoặc cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho hay, có ý kiến đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần xây dựng tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch, định lượng được, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch.
Đồng thời, UBPLTP nhận thấy việc quy định cụ thể thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức như trong dự thảo Luật là cần thiết, vì thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức có hành vi vi phạm, làm cơ sở cho việc xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, UBTPPL đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định có liên quan về xếp loại, đánh giá và kỷ luật cán bộ, công chức để bảo đảm sự phù hợp, công bằng.