Chiều 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.
Tại Tổ 13 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk và Lào Cai, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú cùng tham dự phiên thảo luận.
Về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng thuận cao với nội dung bổ sung, trong đó nhấn mạnh quy định rõ ràng, cụ thể về địa vị pháp lý của các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng đây là điểm sửa đổi phù hợp với tinh thần kết luận của Bộ Chính trị. Bà cũng đề nghị làm rõ thêm địa vị pháp lý của các hội quần chúng đang thực hiện nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong cơ cấu tổ chức chính trị hiện hành.
Phân quyền cần minh bạch, tránh chồng chéo
Thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công an, đại biểu Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) đề xuất chỉnh lý các cụm từ quy định thẩm quyền nhằm bao quát cả cá nhân và tập thể có chức năng quản lý ở trung ương và địa phương. Ông đề nghị thay “cơ quan nhà nước” bằng “cấp có thẩm quyền”, để bảo đảm tính bao quát đối với các chức danh như Thủ tướng, Bộ trưởng hay Chủ tịch UBND.
Liên quan đến cơ cấu UBND, ông đề nghị quy định rõ các thành viên ủy ban, bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, ủy viên phụ trách công an, quân sự và các ủy viên khác theo quy định của Chính phủ, nhằm đảm bảo sự đầy đủ, toàn diện trong thành phần điều hành chính quyền địa phương.

Quang cảnh thảo luận Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) nhấn mạnh, Luật mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc về phân quyền, thiếu danh mục cụ thể các lĩnh vực được phép phân quyền, khiến địa phương dễ lúng túng trong triển khai hoặc xảy ra tình trạng lạm quyền. Theo bà Lam, Chính phủ cần ban hành danh mục cụ thể, kèm cơ chế kiểm tra định kỳ và đột xuất để đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Cũng theo đại biểu này, dự thảo luật hiện có quy định UBND tỉnh được phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng chưa rõ ràng về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành loại văn bản này. Bà đề nghị rà soát để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo và không phù hợp với chủ trương đơn giản hóa hệ thống văn bản pháp quy hiện hành.

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.
Tăng trách nhiệm và bảo vệ công chức trong quản lý tài sản công
Đối với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), một trong những nội dung được quan tâm là việc tăng cường trách nhiệm trong sử dụng tài sản công. Đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) cho rằng quy định tại Điều 8 mới chỉ dừng lại ở mức độ yêu cầu công chức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước mà chưa đủ sức răn đe. Ông đề nghị bổ sung nghĩa vụ kịp thời phát hiện và báo cáo các hành vi sử dụng sai mục đích, gây thất thoát tài sản công, đồng thời phải có chế tài rõ ràng, bao gồm cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về nghĩa vụ báo cáo khi phát hiện quyết định của cấp trên sai pháp luật, nhiều đại biểu nêu thực trạng công chức còn e ngại vì lo bị trù dập hoặc ảnh hưởng đến nội bộ cơ quan. Do đó, cần có cơ chế bảo vệ công chức tố giác, như bảo mật danh tính, lưu trữ hồ sơ báo cáo, và xây dựng quy trình báo cáo minh bạch, chuẩn hóa.

ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.
Một số đại biểu cũng đề nghị đơn giản hóa các quy định liên quan đến quyền và chính sách nhà ở cho công chức bằng cách gộp chung thành một điều luật, đồng thời bổ sung quy định rõ ràng về thời hạn xem xét xếp loại và cho thôi việc nếu công chức không hoàn thành nhiệm vụ trong một năm.