Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 5/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày toàn văn dự thảo Nghị quyết, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.
Kết quả biểu quyết trên bảng điện tử cho thấy, có 452/452 đại biểu Quốc hội tán thành. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 với tỷ lệ tuyệt đối đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành.
Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Các vị đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Ảnh: Phạm Thắng.
Trước đó, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ và phiên toàn thể tại Hội trường về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tại phiên thảo luận tổ vào buổi sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sửa đổi Hiến pháp là nội dung rất quan trọng của kỳ họp lần này. Tổng Bí thư khẳng định, việc sửa đổi phải thực hiện đúng quy trình, đúng quy định, đặc biệt phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để bảo đảm tính dân chủ, toàn diện và thực chất.
Tổng Bí thư cũng đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan soạn thảo. Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, lần sửa đổi này tập trung vào một số điều cụ thể, đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt. Việc xem xét sửa đổi căn bản toàn bộ Hiến pháp chỉ nên thực hiện sau Đại hội Đảng lần thứ XIV, khi cương lĩnh và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo được xác lập rõ ràng.