Theo tờ trình, một trong những mục tiêu trọng tâm của dự án Luật là đưa Việt Nam từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi chuyển sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây được xem là bước đi mang tính đột phá, kỳ vọng sẽ tạo ra tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long báo cáo Quốc hội sáng 6/5. Ảnh: Quochoi.vn.
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, dự án Luật hướng đến việc tạo hành lang pháp lý vững chắc để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trở thành động lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, cải thiện chất lượng sống của người dân và đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại.
Dự thảo Luật nhấn mạnh yêu cầu phát triển KH,CN&ĐMST phải hài hòa với môi trường, các giá trị đạo đức xã hội và con người; đồng thời bảo đảm sự kết nối cân bằng giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, tôn trọng tính tự chủ, sáng tạo của đội ngũ nhà khoa học, nhà công nghệ.
Với 8 chương và 83 điều, dự thảo Luật có nhiều điểm mới so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, trong đó nội dung đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được đưa vào và đứng ngang hàng với khoa học, công nghệ. Việc bổ sung các điều khoản liên quan đã làm thay đổi cơ cấu và diện mạo của dự thảo so với luật hiện hành.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc thiết kế các cơ chế hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong khối doanh nghiệp. Dự thảo đưa ra các chính sách khuyến khích thành lập tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng ngày 6/5. Ảnh: Quochoi.vn.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh và quy trình quản lý dựa trên nền tảng công nghệ. Mục tiêu là nâng cao hiệu suất, giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống. Đây là giai đoạn nhấn mạnh tính ứng dụng của khoa học và công nghệ vào thực tiễn đời sống.
Riêng về thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nội dung chủ chốt của Chương IV (gồm các điều 4, 33-39 và 65-68), dự thảo đã dành một chương riêng để thể hiện vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được trích lập nhiều hơn cho Quỹ phát triển KH,CN&ĐMST của mình, được chi đầu tư cho các hoạt động liên quan và được tính vào chi phí khấu trừ thuế, bao gồm cả các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Phó Thủ tướng khẳng định, doanh nghiệp chính là nơi chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng. Các chính sách trong dự thảo tập trung vào mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn cho KH,CN&ĐMST, tạo đòn bẩy phát triển khoa học, công nghệ trong khu vực sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng có bước tiến rõ rệt trong cải cách thủ tục hành chính, khi cắt giảm 9/11 thủ tục, đạt tỷ lệ 81% so với quy định trong Luật năm 2013.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH,CN&MT) cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng Luật của Chính phủ. Ủy ban đề nghị dự thảo cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; đồng thời thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân – lực lượng chủ chốt trong phát triển KH,CN&ĐMST.
Hồ sơ dự án Luật được đánh giá cơ bản đáp ứng yêu cầu pháp lý và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Tuy vậy, Ủy ban KH,CN&MT cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi, nhất là khả năng ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết cùng thời điểm Luật có hiệu lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quochoi.vn.
Về nội dung liên quan đến doanh nghiệp trong Chương IV, Ủy ban đánh giá đây là lực lượng chủ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn lực tài chính và nhân lực cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D), đồng thời là đầu mối đưa sản phẩm, công nghệ mới ra thị trường. Do đó, các chính sách được đưa ra là cần thiết và đúng hướng, song cần tiếp tục rà soát để bảo đảm sự đồng bộ với các quy định về đầu tư, tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng và thị trường KH,CN&ĐMST nhằm nâng cao hiệu quả thực thi trên thực tế.