| Hotline: 0983.970.780

Chính sách về nhà ở xã hội rất 'mơ hồ'

Thứ Bảy 10/05/2025 , 06:57 (GMT+7)

Nhà ở xã hội sẽ tạo được sự bứt phá với nhiều chính sách ưu đãi. Nhưng, theo các doanh nghiệp, chính sách mới còn chưa rõ ràng, chưa bám sát với thực tế.

Những chính sách mới về nhà ở xã hội được ban hành trong thời gian gần đã “nới lỏng” nhiều quy định, tiêu chí, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội và người dân… Tuy nhiên, cần nhanh chóng đưa các chính sách, quy định mới này vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu nhà ở rất bức thiết của nhiều người dân hiện nay.

Tháo gỡ nhiều chính sách 

Theo đánh giá của bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong bối cảnh nhu cầu nhà ở ngày càng cấp thiết, đặc biệt đối với người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng đã trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm về phát triển nhà ở xã hội, trong đó đề xuất hàng loạt giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nhà ở bức thiết của nhân dân.

Theo đó, loạt cải cách toàn diện đã được đề xuất và triển khai, từ khâu quy hoạch, thiết kế, lựa chọn nhà thầu đến xác định giá bán, giá thuê. Nhiều thủ tục hành chính rườm rà đã được cắt giảm đáng kể; trong đó, các thủ tục về đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu, phòng cháy chữa cháy… được lồng ghép và đơn giản hóa theo hướng tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chất lượng.

Với loạt giải pháp cải cách đang được triển khai, có thể nói tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn đáng kể so với quy định hiện hành. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp chủ động tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội.

Vốn tín dụng dành cho các dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều rào cản. Ảnh: Thùy Linh.

Vốn tín dụng dành cho các dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều rào cản. Ảnh: Thùy Linh.

Tuy nhiên, để phân khúc này thực sự bứt phá, lãnh đạo Bộ Xây dựng kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, năng lực tài chính cũng như chất lượng sản phẩm, để không chỉ đáp ứng tiến độ mà còn đảm bảo mục tiêu về chất lượng, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu của người dân có thu nhập trung bình, thấp.

"Hy vọng rằng cộng đồng doanh nghiệp dành sự quan tâm, coi đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là hướng đi chiến lược bền vững trong dài hạn", bà Hạnh bày tỏ và đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - tổ chức đại diện tiếng nói của doanh nghiệp - tiếp tục đồng hành cùng Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan thông qua việc đề xuất chính sách, phản ánh kịp thời vướng mắc từ thực tiễn và đóng góp các sáng kiến hiệu quả, nhằm góp phần quan trọng để thị trường nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.

Doanh nghiệp than khó

Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Vinaconex: Mong muốn Bộ Xây dựng, HH BĐS VN hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để các chính sách sớm đi vào thực tiễn. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết để thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội được triển khai nhanh. Các nghị quyết mang tính chất vĩ mô, chưa cụ thể hóa các vấn đề mang tính sát sườn đối với doanh nghiệp. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của Bộ Xây dựng, HH BĐS là đầu mối tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp. Hiện nay, độ trễ của chính sách quá dài. Các khâu làm thủ tục từ quy hoạch, đầu tư, giải phóng mặt bằng kéo dài, qua nhiều cấp dẫn đến khó khăn cho DN. 

Vấn đề thứ 2, độ chuyển tiếp của các chính sách về nhà ở xã hội rất “mơ hồ”. Đơn cử, doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội được hưởng lợi 13-15% nhưng dự án nào được hưởng 13-15% thì chưa quy định rõ? Ví dự, những dự án được phê duyệt giấy phép xây dựng từ thời điểm nào thì được hưởng phần lợi nhuận này? Các dự án đã được phê duyệt trước đó thì không được?. Sự chuyển tiếp của chính sách không minh bạch, rõ ràng, gây khó cho doanh nghiệp.

Minh chứng, nhà ở xã hội là nhà của dân, Nhà nước dành nhiều ưu đãi về chính sách đất đai, khống chế lợi nhuận của doanh nghiệp, không cho doanh nghiệp hưởng lãi nhiều. Đây là chính sách nhân văn. Nhưng quá trình thực hiện thì lại không rõ ràng. Đơn cử, chúng ta vẫn nói về gói tín dụng 120 - 145 nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn. Nhưng làm nhà ở xã hội thì đất là của Nhà nước, giao đất cho doanh nghiệp không tính tiền sử dụng đất. Doanh nghiệp không thể mang đất để thế chấp vay vốn được. Doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp thì ngân hàng mới cho vay. Dân thì chưa bỏ ra đồng nào để mua nhà thì ngân hàng không thể cho vay được. Vì vậy, doanh nghiệp muốn vay vốn phải mang “sổ đỏ” của mình đi vay. Do vậy, trong chính sách này phải thể hiện rõ, doanh nghiệp chỉ được vay gói 145 nghìn tỷ với lãi suất ưu đãi 3% hay 5% khi doanh nghiệp có đủ 50% tiền xây dựng công trình. Và ngân hàng cho vay trên 50% số tiền này. Người dân phải có 30% tiền và chỉ được vay tối đa 70% khi có hợp đồng mua bán.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam - cho biết, theo thống kê về vướng mắc khi đầu tư nhà ở xã hội thì 70% nguyên nhân về pháp lý, 30% nguyên nhân khác. Ông Hiệp cho biết, không có nhiều doanh nghiệp “hứng thú” đầu tư nhà ở xã hội vì lợi nhuận quá thấp.

“Hiện nay, nguồn vốn cho nhà ở xã hội rất dồi dào nhưng việc đưa vào khai thác, sử dụng còn hạn chế. Cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội đều gặp khó khi tiếp cận gói tín dụng. Hiện nay có hai trường hợp chủ đầu tư nhà ở xã hội. Trường hợp chủ đầu tư làm nhà ở xã hội ngay từ ban đầu sẽ dễ làm thủ tục vay, nhưng chủ đầu tư làm nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại 20% thì chưa có quy định được vay hay không. Chính vì vậy để giải quyết một nguồn vốn tín dụng cho các dự án về xã hội, cần phải rà soát lại một lần nữa, cần nới lỏng tiêu chuẩn mua nhà và cả tiêu chuẩn về tín dụng”.

Thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.Thủ tướng đã có những chỉ đạo về việc giảm tải, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vấn đề quy trình xử lý thủ tục hành chính hiện nay vẫn kéo dài, cần một cuộc cách mạng… nếu làm được điều này thì đây cũng sẽ là một trong những giải pháp thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường bất động sản hiện nay.

Xem thêm
Đầu tư dự án Khu đô thị hỗn hợp TP Nha Trang hơn 17.330 tỷ đồng

Dự án Khu đô thị hỗn hợp TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có quy mô sử dụng đất hơn 226 ha thuộc xã Vĩnh Thái và phường Phước Long, TP. Nha Trang.

Kiến nghị điều chỉnh quy hoạch khu đô thị An Phú - An Khánh

TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đối với Khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức.

Đề xuất hoạt động cho thuê căn hộ ngắn ngày tại TP.HCM

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản lấy ý kiến về đề xuất mô hình lưu trú ngắn ngày trong nhà chung cư.