
Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ Ảnh: LHK.
Cuối năm 1940, đầu năm 1941, thực dân Pháp chuyển các nhà tù ở Ba Tơ, Di Lăng (Sơn Hà) nằm ở vùng rừng núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi thành “căng an trí” để đày ải, câu lưu tù chính trị đã mãn hạn.
Ba Tơ thời bấy giờ là một miền đất nổi tiếng rừng thiêng nước độc, nhiều sơn lam chướng khí. Người tù khi bị đưa đến căng an trí phải tự làm lụng nuôi thân, nhưng không được đi xa đồn kiểm soát quá 500m, mỗi ngày phải đến trình diện 2 lần.
Âm mưu của bọn thực dân là đánh gục ý chí và giết dần giết mòn thể xác các chiến sĩ cách mạng bằng đói khổ và bệnh tật. Thế nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược với ý muốn của chúng. Đến khoảng cuối năm 1941, tại căng an trí Ba Tơ, một số đảng viên cộng sản (trong đó có ông Nguyễn Đôn) bí mật lập ra Ủy ban Vận động cách mạng. Đến đầu năm 1942, tại đây hình thành một chi bộ Đảng gồm 5 đảng viên do ông Huỳnh Tấu làm Bí thư. Chi bộ làm nhiệm vụ Tỉnh ủy lâm thời, tìm cách liên lạc với cơ sở, các tỉnh bạn và cấp trên. Ủy ban Vận động Cách mạng tỉnh Quảng Ngãi cũng được thành lập (đến giữa năm 1943, đổi thành Ủy ban Vận động Cứu quốc) để lãnh đạo phong trào cứu quốc trong tỉnh.
Từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1944, lần lượt các ông Phạm Kiệt, Trương Quang Giao, Trần Quý Hai, Trần Lương bị địch đưa từ các nhà tù khác về an trí tại căng an trí Ba Tơ. Tháng 12/1944, tại một địa điểm trên suối Nước Năng, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, ông Trương Quang Giao làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và lãnh đạo Ủy ban Vận động Cứu quốc tỉnh; ông Phạm Kiệt chịu trách nhiệm về quân sự.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính, lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ngày 10/3/1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi quyết định khởi nghĩa.

Chiến sĩ du kích Ba Tơ tuyên thệ Ảnh: LHK.
Đêm 11/3/1945, đội quân khởi nghĩa do Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách chỉ huy được sự hưởng ứng của đông đảo đồng bào Kinh, Thượng chiếm Nha Kiểm lý và đồn Ba Tơ. Sáng ngày 12/3/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động Ba Tơ, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng (Ủy ban Nhân dân cách mạng Ba Tơ). Đội Du kích Ba Tơ chính thức ra mắt, là một trong những đội vũ trang tập trung thoát ly đầu tiên ở Nam Trung bộ. Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ ban hành các quyền tự do dân chủ, xóa bỏ sưu, thuế, các khoản nợ vay nặng lãi. Đội quân khởi nghĩa cùng với đồng bào làm "Lễ ăn thề", đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật và tay sai. Từ Ba Tơ, làn sóng khởi nghĩa lan nhanh đến các vùng lân cận ở Đức Phổ, Nghĩa Hành.
Cuộc khởi nghĩa tạo đà cho phong trào cách mạng Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh và có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Trung bộ, Thừa Thiên Huế.
Sau khi ra đời, từ tháng 4 đến tháng 5/1945, Đội du kích Ba Tơ hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc Hre, với núi rừng, hang động hiểm trở Tây Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Nhận thấy sự nguy hiểm của Đội du kích Ba Tơ, kẻ thù đã tìm mọi cách để tiêu diệt đội du kích đang trong thời kỳ trứng nước. Do vậy, Đội phải chịu đựng muôn vàn khó khăn gian khổ.
Đến tháng 5/1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cử đồng chí Nguyễn Chánh làm Chính trị Ủy viên cùng với các đồng chí Phạm Kiệt và Nguyễn Đôn lãnh đạo, chỉ huy Đội du kích Ba Tơ. Chi bộ Đảng Đội du kích Ba Tơ được thành lập do đồng chí Nguyễn Chánh làm Bí thư. Lúc này, nhiều chiến sĩ cách mạng, nhiều tổ chức Đảng ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Bình đã trực tiếp liên lạc hoặc tham gia vào Đội du kích Ba Tơ.
Tháng 5/1945, Đội du kích Ba Tơ dược lệnh tiến xuống đồng bằng và chia làm hai bộ phận: Bộ phận thứ nhất đứng chân ở ba huyện phía Bắc (Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành) bộ phận thứ hai đứng chân ở ba huyện phía Nam (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa).
Bộ phận phía Bắc đóng ở phía Tây Sơn Tịnh, sau đó chuyển sang Tư Nghĩa rồi tiếp tục chia ra thành từng nhóm nhỏ từ 2 đến 3 người đi vào các thôn, xóm liên hệ với cơ sở Việt Minh vận động quần chúng, tuyển lựa hội viên cứu quốc bổ sung cho Đội du kích Ba Tơ. Từ vùng đồng bằng, bộ phận này chuyển lên lập căn cứ tại khu vực Đá Sơn (nay thuộc là xã Nghĩa Sơn), rồi lại chuyển lên vùng Tà Ót và cuối cùng chuyển về huyện Sơn Tịnh, chọn vùng Vĩnh Sơn, nay thuộc xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh.
Bộ phận đi về phía Nam lúc đầu lấy Gò Huyện - Thiết Trường dọc ven sườn đông bắc Núi Lớn, ở phía Tây Nam huyện Mộ Đức làm nơi đứng chân và hình thành chiến khu Núi Lớn. Đây là nơi tiếp giáp các huyện Nghĩa Hành ở phía bắc, huyện Đức Phổ ở phía nam, vùng rừng núi Ba Tơ, Minh Long ở phía tây; có đường liên lạc với các huyện Hoài Nhơn, An Lão của Bình Định.
Từ hai chiến khu Vĩnh Sơn và Núi Lớn, du kích Ba Tơ tiếp tục cử cán bộ đi tuyên truyền xây dựng lực lượng chính trị và quân sự ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi và cử cán bộ đi giúp các tỉnh Quảng Nam, Bình Định.
Sau một thời gian phát triển, Ban Quân sự tỉnh thành lập hai đại đội du kích tập trung. Đại đội Phan Đình Phùng ở phía Bắc đứng chân ở chiến khu Vĩnh Sơn. Đại đội Hoàng Hoa Thám ở phía nam, đứng chân tại chiến khu Núi Lớn.
Quá trình xây dựng và củng cố chiến khu đã có tác động tích cực đến việc phát triển lực lượng du kích Ba Tơ và lực lượng vũ trang ở các địa phương trong tỉnh. Ngày 14/8/1945, khi nghe phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, nhận rõ thời cơ đã tới, Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền. Từ chiến khu Vĩnh Sơn, đại đội du kích Phan Đình Phùng chia thành các cánh quân tỏa đi đánh chiếm các đồn và giải phóng các huyện Di Lăng, Sơn Hà, Bình Sơn, Sơn Tịnh; từ chiến khu Núi Lớn, đại đội du kích Hoàng Hoa Thám tiến đánh đồn Ba Tơ, Minh Long, giải phóng các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, sau đó cả hai đại đội cùng tiến về chiếm tỉnh lỵ
Ngày 16/8/1945 Cách mạng tháng Tám ở Quảng Ngãi đã giành thắng lợi. Chính quyền cách mạng được thành lập. Ngày 30/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở tỉnh lỵ Quảng Ngãi, ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình (tên gọi tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ), do đồng chí Trần Toại làm Chủ tịch.
Sự ra đời và lớn mạnh của Đội du kích Ba Tơ cũng như sự hình thành của chiến khu Núi Lớn và chiến khu Vĩnh Sơn trong thời kỳ tiến tới Cách mạng tháng Tám năm 1945 là những sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu không chỉ của quân và dân tỉnh Quảng Ngãi mà còn là của quân và dân cả nước trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập, thống nhất đất nước.