| Hotline: 0983.970.780

Chỉ số IIP của Hà Nội tăng trưởng tích cực nửa đầu năm 2025

Chủ Nhật 06/07/2025 , 18:02 (GMT+7)

Vượt qua thách thức từ bất ổn chính trị toàn cầu và điều chỉnh thuế quan của Mỹ, nửa đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp Hà Nội tăng 5,9%.

Theo báo cáo của Chi cục Thống kê TP Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2025 tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Chỉ tính riêng tháng 6/2025, chỉ số IIP tăng 7,9%. Công nghiệp chế biến, chế tạo, ghi nhận mức tăng 4,2% so với tháng trước và 8,4% so với cùng kỳ. Một số ngành ghi dấu ấn rõ nét như sản xuất và phân phối điện tăng 15,4% so với tháng trước; cung cấp nước, xử lý rác và nước thải tăng 1,7%; khai khoáng tăng 4,7%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Hà Nội bứt phá mạnh mẽ nửa đầu 2025. Ảnh minh họa.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Hà Nội bứt phá mạnh mẽ nửa đầu 2025. Ảnh minh họa.

Trong quý II, nhờ sự bứt phá của các ngành chủ lực chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,3%. Trong đó, chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất, phân phối điện tăng 4,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 8,7%....

Đáng chú ý, nhóm chế biến, chế tạo có mức tăng mạnh: Sản xuất xe có động cơ tăng 14,4%; sản phẩm điện tử và máy vi tính tăng 13,7%; sản xuất trang phục và sản phẩm khoáng phi kim loại đều tăng trên 12%,  sản xuất máy móc, thiết bị tăng gần 24%, khoáng phi kim loại 17%, cùng với sự phục hồi của dệt may và kim loại. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số ngành giảm sút như sản xuất giấy, thiết bị điện và phương tiện vận tải.

Chỉ số tồn kho của toàn ngành chế biến, chế tạo đến cuối tháng 6/2025 giảm sâu 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tín hiệu cho thấy áp lực hàng tồn đã được giải phóng. Các ngành dược liệu, cao su - plastic và sản phẩm dệt ghi nhận mức giảm tồn kho đáng kể, trong khi nhóm thực phẩm chế biến, da - giày và đồ uống lại có sự tăng tồn kho do dự báo nhu cầu gia tăng.

Về lao động, mặc dù số lượng người lao động trong doanh nghiệp công nghiệp tăng nhẹ 0,9% so với tháng trước nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm nhẹ 0,1%, phản ánh sự điều chỉnh nhân lực trong bối cảnh cơ cấu ngành nghề có sự dịch chuyển. Đáng chú ý, khu vực ngoài nhà nước chịu sự giảm sút mạnh về lao động, trong khi doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng quy mô, nhất là trong ngành chế biến, chế tạo. Ngành khai khoáng tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm sâu lao động, lên tới hơn 31%, cho thấy xu hướng thu hẹp hoạt động trong lĩnh vực này.

Những con số tích cực trên không chỉ khẳng định sức sống của ngành công nghiệp Hà Nội trong bối cảnh nhiều khó khăn mà còn mở ra kỳ vọng về đà phát triển mạnh mẽ trong các tháng cuối năm 2025.

Xem thêm

Bình luận mới nhất