Bảo tồn đa dạng sinh học biển là nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế biển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với áp lực gia tăng về môi trường, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thực trạng này đòi hỏi các biện pháp bảo vệ quyết liệt và hiệu quả hơn.

Cán bộ Viện Địa lý Nhân văn và Phát triển bền vững tham gia trồng rừng ngập mặn ở Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: VQG Xuân Thủy.
Trong bối cảnh đó, với mục tiêu nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp mới trong bảo vệ tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững, Viện Địa lý Nhân văn và Phát triển bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Đa dạng sinh học biển Việt Nam và các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học biển” từ ngày 17-18/7.
Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho việc thành lập các khu bảo tồn biển, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển…
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định và thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về “Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững”; Kế hoạch 149/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 “Triển khai chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo TS. Phạm Thị Trầm, Phó Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn và Phát triển bền vững, mặc dù đã có nhiều hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển, ven biển đã và đang được triển khai tại Việt Nam, song vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.
“Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, tăng cường năng lực cán bộ quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng và mở rộng mạng lưới khu bảo tồn biển”, TS. Phạm Thị Trầm nhấn mạnh.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo TS Phạm Thị Trầm, hạn chế lớn nhất nằm ở năng lực quản lý và giám sát, trong đó bao gồm cả yếu tố nhân lực, tài chính và công cụ kỹ thuật. Các vấn đề như ô nhiễm ven biển, khai thác hải sản trái phép, lấn chiếm không gian sinh thái bởi các hoạt động phát triển kinh tế… đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái hệ sinh thái biển.

Nhiều kinh nghiệm, mô hình hay trong bảo tồn đa dạng sinh học biển đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Gia Huy.
Bên cạnh đó, sự xung đột giữa phát triển và bảo tồn ngày càng rõ nét. Mô hình kinh tế biển chưa bền vững, chính sách bảo tồn thiếu đồng bộ, sự phối hợp giữa các bên liên quan còn hạn chế. Thông tin và nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn biển cũng là một khoảng trống lớn, trong bối cảnh áp lực từ dân số và tăng trưởng kinh tế ngày càng gia tăng.
Thực tiễn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) là một ví dụ điển hình. Ông Vũ Quốc Đạt, Phó Giám đốc Vườn cho biết, khu vực cửa sông Hồng hiện sở hữu hệ sinh thái đất ngập nước phong phú với rừng ngập mặn, bãi triều, đầm lầy và vùng nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là nơi cư trú của hàng trăm loài chim nước, trong đó có nhiều loài quý hiếm như rẽ mỏ thìa, cò thìa, vịt đầu đen…, cùng hơn 1.600 loài sinh vật khác.
Tuy nhiên, đa dạng sinh học tại đây đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng khai thác trái phép, ô nhiễm từ hoạt động nuôi tôm, nuôi ngao, xâm lấn của loài ngoại lai và tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, năng lực quản lý tại địa phương vẫn còn hạn chế về tài chính, nhân sự và quyền hạn pháp lý.
Trước thực trạng này, ông Vũ Quốc Đạt kiến nghị cần điều chỉnh quy hoạch vùng đệm, nâng cao hiệu lực pháp lý cho Ban quản lý Vườn, đồng thời thúc đẩy các mô hình sinh kế bền vững như nuôi ong, trồng nấm, phát triển du lịch sinh thái. Việc mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng cũng được xác định là giải pháp then chốt nhằm thay đổi hành vi và bảo vệ hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, mở rộng mạng lưới khu bảo tồn và đầu tư cho năng lực quản lý địa phương. Chỉ khi có sự đồng bộ từ chính sách đến thực thi, bảo tồn biển mới thực sự hiệu quả và bền vững.