Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Chủ Nhật, 29/6/2025 5:22 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có thể bị tử hình

Thứ Tư 18/06/2025 , 11:25 (GMT+7)

Ngành y tế siết chặt hành lang pháp lý bảo vệ bác sĩ, xử lý nghiêm thuốc và thực phẩm giả, đảm bảo an toàn cho người dân và đội ngũ y tế.

Tiếp tục Chương trình của Kỳ họp Quốc hội, trong thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay 18/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có phát biểu giải trình, làm rõ trước những ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn nạn hàng giả, cụ thể là thuốc giả, tình trạng bạo lực với nhân viên y tế…

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong bối cảnh ngành y tế đang đối diện nhiều áp lực, từ quá tải hệ thống đến những vụ việc xâm hại cán bộ y tế hay thuốc giả len lỏi vào thị trường, yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo vệ nhân viên y tế và đảm bảo an toàn cho người dân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quochoi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quochoi.

Nhân viên y tế cần được bảo vệ như người thi hành công vụ

Theo Bộ trưởng, một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là tình trạng nhân viên y tế bị hành hung, đe dọa trong quá trình làm nhiệm vụ. Dù Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã bổ sung quy định nghiêm cấm các hành vi xâm hại nhân viên y tế và cơ sở y tế, thực tiễn vẫn ghi nhận nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây tại Nam Định, Phú Thọ, Nghệ An…

Đơn cử như vụ việc tại Nghệ An, chỉ một bệnh nhân nhập viện nhưng có đến 6-7 người nhà đi theo, gây náo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cấp cứu.

Trong khi đó, quy trình chuyên môn của ngành y buộc bác sĩ phải ưu tiên xử lý cho những ca nguy kịch, có chỉ số sinh tồn thấp, không phân biệt người đến trước hay sau. Bà Lan cho rằng, việc thiếu hiểu biết về quy trình, một bộ phận người dân đã có phản ứng gay gắt, thậm chí vượt quá giới hạn pháp luật.

Bộ Y tế đã nhiều lần yêu cầu chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm nhân viên y tế, hạn chế để tình trạng "thỏa thuận dân sự" làm lu mờ trách nhiệm hình sự. “Chúng tôi khẳng định, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế phải được bảo vệ trong mọi trường hợp”, người đứng đầu ngành Bộ Y tế nhấn mạnh.

Không thể nhân nhượng thuốc và thực phẩm giả

Một mối nguy khác ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân là tình trạng buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Bộ trưởng Lan dẫn chứng theo số liệu từ Mỹ, tổng thiệt hại toàn cầu do hàng giả trong lĩnh vực này lên tới 600 tỷ USD mỗi năm và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy ấy.

Trong những năm qua, Bộ Y tế đã tích cực rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hiện nay việc xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự, với mức án cao nhất là tử hình.

Dù vậy, thực tiễn vẫn tồn tại những kẽ hở trong khâu kiểm tra, giám sát, đòi hỏi cần tiếp tục chấn chỉnh đội ngũ cán bộ thực thi, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ Y tế đã chủ động tham mưu Thủ tướng ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo, đồng thời trình các dự thảo luật, nghị định liên quan để tăng cường hiệu lực quản lý.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, quan điểm xuyên suốt của ngành là với thuốc và thực phẩm những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người thì mọi hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm khắc ở mức cao nhất.

Xem thêm

Bình luận mới nhất