
Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của các địa phương trưng bày tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.
Tham dự hội nghị có đại diện ngành nông nghiệp và môi trường cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh, thành: Quảng Ngãi, Gia Lai, Bình Thuận, Tiền Giang và Hải Phòng.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thế Vy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định cho biết, mục tiêu của hội nghị là tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản giữa Bình Định với các tỉnh, thành; đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của các địa phương trong cả nước. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với hệ thống phân phối, cửa hàng kinh doanh của các tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thế Vy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.
Tại hội nghị nhiều sản phẩm đặc trưng, OCOP được giới thiệu, quảng bá. Đồng thời các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP; phân tích thực trạng, những thách thức đang đối mặt cũng như bày tỏ tâm tư, kỳ vọng về việc tăng cường hợp tác, kết nối chặt chẽ nhằm đưa nông sản an toàn, chất lượng của các tỉnh không chỉ đến với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Theo ông Trần Kim Dương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định, những năm qua, tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với liên kết chuỗi giá trị nông sản; chuẩn hóa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; cấp mã số vùng trồng, đảm bảo an toàn thực phẩm và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ông Trần Kim Dương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.
Đến nay, diện tích trồng trọt được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP hoặc tương đương) ở Bình Định đạt hơn 284 ha; diện tích đạt chứng nhận hữu cơ là 136 ha. Bình Định hiện có 8 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích gần 168 ha; gồm 1 mã dưa hấu, 2 mã xoài và 5 mã dừa tươi. Đối với cấp và quản lý mã số vùng trồng nội địa, Bình Định đã thực hiện cấp 25 mã số vùng trồng với diện tích gần 189 ha.
Bình Định hiện có 506 sản phẩm OCOP; trong đó, có 460 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao, 46 sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai cũng cho biết: Tỉnh Gia Lai hiện có 845.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có khoảng 75.000 ha lúa; 40.600 ha đất trồng mía; gần 80.000 ha sắn (mì); 36.000 ha rau các loại, mỗi ngày cung ứng cho thị trường cả nước khoảng 300 tấn rau và 28.000 ha đậu đỗ các loại. Đặc biệt, Gia Lai có 34.000 ha cây ăn quả, gồm: Chanh dây, sầu riêng, bơ, chuối già hương Nam Mỹ, nhãn; về cây công nghiệp Gia Lai có 106.000 ha cà phê; trong đó, có 56.000 ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; 84.000 ha cao su; 8.000 ha hồ tiêu.
Gia Lai hiện có 454 sản phẩm đạt OCOP và đang phấn đấu mỗi năm có thêm từ 80-100 sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nhưng sản lượng rất ít nên không thể xuất khẩu, chỉ có thể tiêu thụ thị trường trong nước.
"Trong thời gian tới, Gia Lai nói riêng và các tỉnh nói chung cần nỗ lực phát triển mạnh hơn mọi sản phẩm OCOP để đáp ứng thị trường xuất khẩu”, ông Đoàn Ngọc Có nhấn mạnh.

Gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng, sản phẩm Ocop của tỉnh Gia Lai. Ảnh: V.Đ.T.
Bà Trần Thị Bé Bảy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tiền Giang cũng chia sẻ về nỗ lực kết nối các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản của Tiền Giang với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ. Đồng thời cho biết, trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành ven biển đang phát triển du lịch như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Ngay tại hội nghị có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã của Tiền Giang đã trực tiếp ký kết với các doanh nghiệp của Bình Định và các tỉnh.
“Trong liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông sản điều cốt yếu là sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm thì mối liên kết mới ngày càng rộng mở và bền vững”, ông Lê Tuấn Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khu vực miền Trung (thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường-Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ.