
Các hãng tin PTI, UNI, ANI, Times Now và các báo lớn như The Hindu, The Hindustan Times, The Economic Times, The Indian Express, Times of India, India Writes… đều đưa tin về kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với những thỏa thuận mà hai nước đạt được trong chuyến thăm, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và dầu khí. Các báo cũng phân tích triển vọng mở rộng và phát triển quan hệ toàn diện giữa hai nước.
Cụ thể, hầu hết các báo đều cho rằng quan hệ chiến lược Việt-Ấn đã được thúc đẩy đáng kể sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngoài quyết định tăng cường mạnh mẽ quan hệ an ninh - quốc phòng và kinh tế, hai nước còn thống nhất quan điểm về vấn đề Biển Đông, cho rằng "tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở", yêu cầu các bên liên quan không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ấn Độ đồng ý thăm dò thêm 2 lô dầu khí ở Biển Đông.
Trước cam kết của Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa các lực lượng an ninh và quốc phòng, trong những bài viết trên các báo, giới phân tích cho rằng đây là một động thái rõ rệt và đầy quyết tâm của Ấn Độ nhằm thách thức các hành động phô trương quyền lực trong khu vực, nhất là tại Biển Đông. Khi đặt Việt Nam vào trung tâm chính sách châu Á-Thái Bình Dương của mình, chính phủ Ấn Độ đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng New Dehli sẽ chủ động theo đuổi và bảo vệ các quyền lợi của mình trong khu vực.
Trong bài viết của tác giả Manish Chand đăng ngày 30/10 trên báo điện tử India Writes, tác giả cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết thúc bằng những kết quả rõ ràng trong lĩnh vực quân sự và chiến lược. Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại New Delhi ngày 28/10, Thủ tướng Narendra Modi thông báo rằng Ấn Độ sẽ nhanh chóng “kích hoạt” khoản tín dụng 100 triệu USD, tạo điều kiện cho Việt Nam mua 4 tàu tuần tra hải quân của Ấn Độ nhằm góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền tại Biển Đông. Ấn Độ cũng ngỏ ý sẵn sàng cung cấp tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Việt Nam nhưng cần phải chờ đến khi New Delhi tham gia Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR).

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nâng cấp sự hiểu biết và quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó chắc chắn quan hệ hợp tác về an ninh và quốc phòng sẽ phát triển mạnh.