
TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bên bờ sông Nhật Lệ.
Tái cơ cấu theo hướng phát triển kinh tế biển
Trong 28 tỉnh, thành phố có biển của Việt Nam, 15 địa phương có đường bờ biển dài từ 100km trở lên và 11 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Trong đó, 5 tỉnh có đường bờ biển dài nhất vùng là Khánh Hòa (370km), Bình Thuận (192km), Phú Yên (182km), Hà Tĩnh (137km), Bình Định (134km).
Do đó, bên cạnh phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung còn tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2050, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại; phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Để đạt được các mục tiêu trên, quy hoạch tập trung phát triển các ngành kinh tế biển; nâng cao năng suất và chất lượng dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển mạnh một số ngành như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip; dịch vụ tài chính, thương mại, logistic. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hình thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch.
Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của vùng. Hoàn thiện công trình kết cấu hạ tầng; đưa ra các chính sách khuyến khích người dân bám biển; xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mang lại hiệu quả trên các vùng biển có điều kiện thuận lợi, tiềm năng cao, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, phát huy tối đa lợi thế của vùng.
Với nhiều tiềm năng, vùng có nhiều yếu tố để trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước. Theo quy hoạch, nhiều tỉnh thuộc khu vực động lực phát triển du lịch quốc gia như: (1) Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An; (2) Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; (3) Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận.
Xây dựng các hành lang kinh tế
Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung định hướng phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây nhằm kết nối hiệu quả các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.
Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển tại các tỉnh trong vùng; nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác của 9 cảng hàng không hiện có trong vùng.
Trên cơ sở đó, vùng xác định sẽ tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng một số cụm liên kết ngành công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao. Nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp vào GRDP của vùng đạt khoảng 25 - 35%.
Tập trung phát triển công nghiệp dọc theo các hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với các cảng biển, các đường quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên. Mở rộng không gian phân bố công nghiệp về phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tập trung ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên; ưu tiên sản xuất năng lượng tái tạo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận; xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và Bình Thuận.
Hình thành các khu logistic theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hình thành các trung tâm logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu; phát triển các trung tâm logistic cấp vùng và quốc gia trên cơ sở hệ thống cảng biển trong vùng và các hành lang vận tải quốc tế chính. Phấn đấu đóng góp trên 6% tổng doanh thu logisctic của cả nước.
Các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi.
Trước khi công bố quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, nhiều tỉnh thuộc địa bàn cũng xác định đầu tư mạnh cho kinh tế biển. Chẳng hạn, Bình Định phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển, với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên.
Cả nước hiện giữ nguyên 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh), Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố), Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh), Tây Nguyên (5 tỉnh), Đông Nam bộ (6 tỉnh, thành phố) và Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).