| Hotline: 0983.970.780

99,21% cử tri TP Huế đồng ý việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Thứ Bảy 26/04/2025 , 12:54 (GMT+7)

TP Huế sắp xếp, tổ chức lại thành 40 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, giảm gần 70% và sau khi lấy ý kiến, tỷ lệ cử tri đồng ý đạt 99,21%.

Huế còn 40 xã, phường

Giám đốc Sở Nội vụ TP Huế - Nguyễn Văn Mạnh cho biết, từ tổng số 133 ĐVHC cấp xã hiện có (48 phường, 78 xã và 7 thị trấn), thành phố tiến hành sắp xếp để tổ chức lại thành 40 ĐVHC cấp xã (21 phường và 19 xã). Kết quả này tương ứng với việc giảm 93 đơn vị (27 phường, 59 xã và 7 thị trấn), tức giảm khoảng 69,92% tổng số ĐVHC cấp xã.

Các ĐVHC mới sau sắp xếp bảo đảm các nguyên tắc như: giảm số lượng, tăng quy mô quản lý theo tỷ lệ quy định; các đơn vị được nhập có vị trí liền kề, thuận tiện giao thông, tương đồng về điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, kinh tế - xã hội; đối với các xã ven biển hoặc miền núi, đều là địa bàn trọng điểm quốc phòng – an ninh, có khả năng phát triển kinh tế biển, đầm phá hoặc gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng văn hóa đặc thù.

“Thành phố đã thực hiện lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn 1.086 thôn, tổ dân phố của 133 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ đồng ý với việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã đạt đến 99,21% so với tổng số cử tri tham gia lấy ý kiến”, ông Mạnh thông tin.

TP Huế sắp xếp, tổ chức lại thành 40 ĐVHC cấp xã. Sau khi lấy ý kiến, tỷ lệ cử tri đồng ý đạt 99,21%. Ảnh: Văn Dinh.

TP Huế sắp xếp, tổ chức lại thành 40 ĐVHC cấp xã. Sau khi lấy ý kiến, tỷ lệ cử tri đồng ý đạt 99,21%. Ảnh: Văn Dinh.

Tính đến ngày 1/4/2025, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn TP Huế là 23.073 người, trong khi biên chế được giao là 23.764 người, tức vẫn còn 691 biên chế chưa sử dụng.

Theo TP Huế, trước mắt, thành phố sẽ giữ nguyên số lượng biên chế công chức cấp huyện, cấp xã hiện có để bố trí làm việc tại các ĐVHC mới. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện có lộ trình, đảm bảo đúng quy định và không gây xáo trộn lớn.

Dự kiến, mỗi ĐVHC cấp xã sau sắp xếp sẽ có bình quân khoảng 32 biên chế, chưa bao gồm khối Đảng, đoàn thể.

Vì sao đặt tên xã A Lưới từ 1 đến 5?

Trong số 40 ĐVHC cấp xã sau khi sắp xếp, có nhiều tên gọi địa giới hành chính mới được đặt tên. Đặc biệt, 5 xã mới ở huyện A Lưới được đặt tên theo số thứ tự là A Lưới từ 1 đến 5. Điều này dẫn đến việc một số cử tri A Lưới băn khoăn về tên gọi.

Ông Hồ Đàm Giang - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay, sau khi đưa ra phương án đặt tên 5 xã sau sắp xếp là A Lưới từ 1 đến 5, huyện đã tiến hành lấy ý kiến người dân và đạt được sự đồng thuận cao với hơn 96%.

“A Lưới xác định nếu đặt tên theo tên sông, tên suối, tên bản làng hiện nay thì rất dài, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương là ngắn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào tiềm thức của dân. Đặc biệt các tên gọi này rất khó khăn trong việc số hóa, không thể đồng bộ. Trong khi cái tên A Lưới đã đi vào lịch sử, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến”, ông Giang nói.

Huyện A Lưới sẽ sắp xếp còn 5 xã, đặt tên theo số thứ tự (A Lưới 1 đến 5). Ảnh: Văn Dinh.

Huyện A Lưới sẽ sắp xếp còn 5 xã, đặt tên theo số thứ tự (A Lưới 1 đến 5). Ảnh: Văn Dinh.

Theo Chủ tịch UBND TP Huế - Nguyễn Văn Phương, việc đặt tên ĐVHC mới chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, bởi trong quá trình sáp nhập, một tên gọi khó có thể bao quát đầy đủ tất cả các vùng, khu vực được nhập lại. Tại Huế, nhiều địa phương đã lựa chọn được những tên gọi mang đặc trưng văn hóa, lịch sử, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Riêng huyện A Lưới là vùng đất giàu truyền thống, mang bản sắc riêng biệt, không thể có cái tên nào thay thế được “A Lưới”, tên gọi này niềm tự hào của người dân nơi đây.

“Khi địa phương đề xuất phương án đặt tên theo số thứ tự (từ A Lưới 1 đến A Lưới 5), đó là sự lựa chọn mang tính đại diện cao, đảm bảo tính nhận diện, dễ tiếp cận trong công tác quản lý hành chính, số hóa dữ liệu, đồng thời vẫn giữ được tên A Lưới thân thuộc. Một số ý kiến mong muốn có thể bổ sung thêm yếu tố địa danh vào tên gọi để phản ánh đặc trưng từng vùng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc đặt tên ĐVHC đã được thực hiện rất chặt chẽ, công khai, dân chủ; quy trình lấy ý kiến được tổ chức kỹ lưỡng từ cơ sở, với sự tham gia tích cực của HĐND xã”, ông Phương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phương, A Lưới có trục giao thông rõ ràng, rành mạch. Việc đặt tên theo thứ tự như đề xuất sẽ thuận lợi cho quản lý và người dân trong tiếp cận thông tin hành chính...

Huyện miền núi A Lưới hiện nay có 18 ĐVHC cấp xã (17 xã, 1 thị trấn) và sẽ sắp xếp còn 5 xã. Cụ thể:

Nhập xã Hương Nguyên và Hồng Hạ để thành 1 xã mới có tên gọi (dự kiến) là xã A Lưới 5.

Nhập các xã Hồng Thủy, Hồng Vân, Trung Sơn, Hồng Kim để thành 1 xã mới có tên gọi là xã A Lưới 1.

Nhập thị trấn A Lưới và các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm, A Ngo để thành 1 xã mới có tên gọi là xã A Lưới 2.

Nhập các xã Sơn Thủy, Hồng Thượng, Phú Vinh và Hồng Thái để thành 1 xã mới có tên gọi là xã A Lưới 3.

Nhập các xã Hương Phong, A Roàng, Đông Sơn và Lâm Đớt để thành 1 xã mới có tên gọi dự kiến là xã A Lưới 4.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý các trường hợp miễn, giảm tiền thuê đất

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương cho Chính phủ ban hành Nghị định về các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng và thuê đất.

Chăm lo cho người lao động về vật chất, tinh thần và sức khỏe

Tháng 5 hằng năm được coi là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả vật chất, tinh thần và sức khỏe.