| Hotline: 0983.970.780

Xét xử cựu lãnh đạo Vinatea vì sai phạm nghiêm trọng trong sử dụng đất công

Thứ Hai 14/04/2025 , 13:26 (GMT+7)

Các cựu lãnh đạo Vinatea bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 38 tỷ đồng từ loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng.

Sáng 14/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea), liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước. Phiên tòa thu hút sự chú ý bởi quy mô sai phạm trải rộng trên nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng gây thiệt hại lớn.

Toàn cảnh phiên toà xét xử 8 bị cáo trong vụ án sai phạm đất đai liên quan đến Tổng Công ty Chè Việt Nam. Ảnh: Chu Dũng.

Toàn cảnh phiên toà xét xử 8 bị cáo trong vụ án sai phạm đất đai liên quan đến Tổng Công ty Chè Việt Nam. Ảnh: Chu Dũng.

Các bị cáo Nguyễn Thiện Toàn, Đặng Ngọc Cầm, Nguyễn Quốc Khánh, Vũ Ngọc Tự, Trần Thị Hoa, Bành Thương Trí, Đặng Văn Tới bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Riêng bị cáo Trần Hồng Điệp bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Mặc dù một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, Hội đồng xét xử xác định việc này không ảnh hưởng tới quá trình xét xử do hồ sơ vụ án đã thu thập đầy đủ lời khai.

Những sai phạm "cố ý" trong quản lý đất đai

Theo cáo trạng, Tổng Công ty Chè Việt Nam từng là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, sở hữu mạng lưới sản xuất chè lớn nhất cả nước và được giao quản lý 11 cơ sở nhà đất tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa, lãnh đạo Vinatea đã mắc hàng loạt sai phạm, đặc biệt tại ba khu đất "vàng", để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Khu đất tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Hồ Chí Minh là điển hình cho chuỗi sai phạm này. Được Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm và không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, khu đất lẽ ra chỉ được tiếp tục thuê sau cổ phần. Thế nhưng, trong thời gian cổ phần hóa, các bị cáo Nguyễn Thiện Toàn, Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh đã thống nhất ký nghị quyết chuyển quyền sử dụng đất thuê cho Công ty GB-TEA, thông qua hình thức vay 27,9 tỷ đồng để nộp tiền thuê đất 50 năm một lần. Việc cam kết chuyển nhượng đất thuê, vốn thuộc sở hữu toàn dân cho đối tác tư nhân đã gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng cho Nhà nước.

Các bị cáo tại phiên toà sáng 14/4. Ảnh: Chu Dũng.

Các bị cáo tại phiên toà sáng 14/4. Ảnh: Chu Dũng.

Tại Hà Nội, khu đất 1.500m² trên đường Trần Khát Chân cũng chịu chung số phận. Đây là phần diện tích mà Vinatea đã dùng làm vốn góp liên doanh với một đối tác Malaysia. Dù đối tác không thực hiện đúng nghĩa vụ góp vốn như cam kết, lãnh đạo Vinatea vẫn phê duyệt việc chuyển nhượng quyền đầu tư với giá chỉ 8,5 tỷ đồng, trong khi giá trị thực tế được hội đồng định giá xác định lên tới 31,5 tỷ đồng. Sai phạm này dẫn đến thất thoát 21,5 tỷ đồng.

Tại Hải Phòng, khu đất hơn 11.600m² trên đường Chè Hương được giao cho Công ty Chè Hải Phòng quản lý. Thay vì tuân thủ các quy định quản lý tài sản Nhà nước, các bị cáo lại thực hiện góp vốn, thoái vốn không qua đấu giá, gây thất thoát thêm 711 triệu đồng. Những hành vi này đều vi phạm nghiêm trọng các nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xâm hại trực tiếp quyền lợi tài sản công.

Vai trò và trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án

Trong diễn biến phiên xét xử sáng 14/4, trách nhiệm cá nhân từng bị cáo đã được đại diện Viện kiểm sát làm rõ. Cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Thiện Toàn bị xác định là người đóng vai trò chủ mưu, chỉ đạo toàn bộ quá trình sai phạm, từ việc ký nghị quyết chuyển nhượng đất đến việc cấp giấy ủy quyền sai luật cho cấp dưới thực hiện các giao dịch. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Toàn đã thừa nhận hành vi và tự nguyện nộp 300 triệu đồng để khắc phục phần nhỏ hậu quả.

Cựu Kế toán trưởng Đặng Văn Tới bị cáo buộc không thực hiện đúng quy định về hạch toán tài sản, tiếp tay cho quá trình hợp thức hóa những giao dịch sai phạm. Không chỉ bỏ qua việc ghi nhận tài sản đất thuê trả tiền một lần vào giá trị doanh nghiệp, bị cáo Tới còn hạch toán sai lệch tiền chuyển nhượng vốn góp, làm méo mó hoàn toàn bức tranh tài chính của Tổng Công ty.

Vai trò của các thành viên Hội đồng thành viên như Vũ Ngọc Tự, Trần Thị Hoa cũng được xác định là đồng phạm tích cực. Các bị cáo này đã tham gia phê duyệt các nghị quyết chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không tuân thủ quy trình đấu giá, tiếp tay cho thất thoát tài sản nhà nước với giá trị lớn.

Đặc biệt, bị cáo Trần Hồng Điệp, với tư cách là kiểm sát viên chuyên trách, lẽ ra phải phát hiện và ngăn chặn các sai phạm ngay từ đầu. Tuy nhiên, với việc buông lỏng kiểm tra, không thực hiện chức trách giám sát, bị cáo Điệp đã góp phần để các hành vi vi phạm diễn ra trong thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Gần thập kỷ sống trên cung đường ô nhiễm: Đá 'quả bóng trách nhiệm'

HẢI DƯƠNG - Khi người dân bức xúc, phản ánh về ô nhiễm môi trường, chính quyền xã, thị trấn chỉ biết ra văn bản gửi huyện và huyện tiếp tục đề nghị đến ban, ngành cấp tỉnh....

Lập Ban chỉ đạo về giải quyết vướng mắc tại các dự án lớn

Thủ tướng vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết vướng mắc các dự án lớn đang tồn đọng.

Bộ Công an: Cụm thi đua số 4 giao ước giải quyết tin tố giác tội phạm đạt 90%

Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an vừa tổ chức Lễ ký giao ước thi đua và phát động phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc' năm 2025.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Hà Nội đẩy mạnh chống lãng phí trong đầu tư công, đất đai, tài sản công

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND nhằm cụ thể hóa các biện pháp phòng, chống lãng phí trong năm 2025 và những năm tiếp theo.