
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với bà Fatou Haidara, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Ảnh: Phương Linh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nội dung hợp tác thiết thực và hiệu quả giữa ngành nông nghiệp và môi trường với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản. Tiêu biểu là Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu với Dự án quốc gia Việt Nam giai đoạn 1, 2 và Dự án chung UNIDO - IFAD với quỹ MPTF.
Bên cạnh đó, UNIDO hỗ trợ kỹ thuật trong việc tư vấn chính sách, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm và thành lập Trung tâm đổi mới thực phẩm, với sự tài trợ từ quỹ ủy thác Phần Lan. Hợp tác còn bao gồm chuyển giao công nghệ nhiệt phân, sản xuất than sinh học, công nghệ sau thu hoạch và hỗ trợ xây dựng các mô hình đổi mới giá trị gia tăng và kinh tế tuần hoàn.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị UNIDO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển mô hình chuỗi giá trị trái cây nhiệt đới theo hướng xanh và tuần hoàn. Từ đó, xây dựng các mô hình thí điểm phục vụ xuất khẩu với phát thải thấp, giảm tổn thất sau thu hoạch và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bền vững.
“Ngành chế biến sau thu hoạch và chế biến sâu tại Việt Nam hiện vẫn chưa được thúc đẩy một cách quyết liệt. Xuất khẩu nông sản chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, nguyên liệu, trong khi tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao, lên tới 10-12%. Vì vậy, tôi mong UNIDO đồng hành cùng Việt Nam tăng cường năng lực nghiên cứu - phát triển (R&D) sau thu hoạch.
Các chuyên gia hai bên có thể cùng phát triển các gói nghiên cứu về công nghệ bảo quản, chế biến nhằm cải thiện giá trị nông sản. Đồng thời nâng cao năng lực của các viện nghiên cứu thuộc Bộ trong phát triển công nghệ phù hợp với điều kiện khí hậu và đặc thù chuỗi cung ứng của Việt Nam”, lãnh đạo Bộ NN-MT cho biết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nội dung hợp tác thiết thực và hiệu quả giữa ngành nông nghiệp và môi trường với UNIDO. Ảnh: Phương Linh.
Để hiện thực hóa cam kết đạt Net Zero vào 2050, phía Việt Nam đề nghị UNIDO tiếp tục chuyển giao và trình diễn các công nghệ tiên tiến sau thu hoạch, phối hợp xây dựng đề án đánh giá tác động của các công nghệ này đến phát thải khí nhà kính. Đồng thời, thúc đẩy các mô hình tái chế phụ phẩm trái cây, tận dụng hiệu quả tài nguyên nông nghiệp và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bộ NN-MT cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với UNIDO trong triển khai kế hoạch chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030.
Bà Fatou Haidara, Phó Tổng Giám đốc UNIDO, nhấn mạnh, các mục tiêu Việt Nam đặt ra hoàn toàn phù hợp với định hướng chiến lược của UNIDO về dịch chuyển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng bền vững.
UNIDO hiện đang triển khai nhiều sáng kiến đổi mới, thúc đẩy tính minh bạch trong kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp. Đồng thời, Tổ chức cũng hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, xây dựng chính sách phát triển công nghiệp cũng như củng cố các chức năng, nhiệm vụ liên quan.

Bà Fatou Haidara, Phó Tổng Giám đốc UNIDO, nhấn mạnh tiềm năng phát triển các công nghệ xanh, sạch tại Việt Nam. Ảnh: Phương Linh.
“Bộ NN-MT là đối tác quan trọng của UNIDO”, bà Fatou Haidara nhấn mạnh.“Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ các kế hoạch hoành động liên quan Hệ thống lương thực, thực phẩm quốc gia tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu nâng cấp kinh tế địa phương và phát triển bền vững”.
Ngoài ra, UNIDO đang tích cực xây dựng các giải pháp nhằm phát triển chuỗi giá trị có khả năng cạnh tranh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bao gồm, phương pháp tiếp cận tổng quan và phương pháp tiếp cận hệ thống, bắt đầu từ việc hoạch định chính sách phù hợp với điều kiện quốc gia. Trong khuôn khổ đó, UNIDO triển khai các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.
Về cơ hội hợp tác, bà Fatou Haidara nhấn mạnh tiềm năng phát triển các công nghệ xanh, sạch tại Việt Nam để đạt được mục tiêu giảm đói nghèo, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển theo hướng giảm phát thải.
“Nền kinh tế có thể phát triển mạnh hơn thông qua sản xuất và xuất khẩu nông sản. Trong khi đó, UNIDO - với kinh nghiệm phong phú trên nhiều lĩnh vực và khu vực - sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm và mô hình thực hành tốt. Đồng thời, chúng tôi có thể hỗ trợ các công nghệ tiên tiến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các dự án hợp tác tương lai”, bà Fatou Haidara cho biết.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc UNIDO nhấn mạnh, khối tư nhân là yếu tố quan trọng cùng tham gia, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và môi trường bền vững.
Hội nghị P4G (Hà Nội, 15-17/4/2025), với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, là sự kiện cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh có quy mô lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026. Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ cập nhật xuyên suốt những cam kết mạnh mẽ, vai trò chủ động và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị P4G.