
Giám đốc điều hành Liên hiệp Kinh doanh Nông sản Đức (GAA) Per Brodersen, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam (từ trái sang phải) chủ trì tọa đàm. Ảnh: ICD.
Ngày 15/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức), Liên hiệp Kinh doanh Nông sản Đức (GAA) tổ chức Tọa đàm "Kết nối thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam - CHLB Đức" tại Thành phố Berlin, CHLB Đức.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của Hội doanh nghiệp Việt Nam - CHLB Đức, các hiệp hội, kênh phân phối, chuỗi siêu thị của Đức và khoảng gần 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm thủy sản, lĩnh vực dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn hiệp hội, doanh nghiệp hai bên tăng cường các sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: ICD.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam, đề nghị các hiệp hội của CHLB Đức định kỳ hàng năm tổ chức hoạt động kết nối với các doanh nghiệp, hiệp hội phía Việt Nam để xúc tiến và quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của Đức.
Đồng thời, phía Việt Nam cần hợp tác với hiệp hội của Đức để tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp tham gia tại các sự kiện xúc tiến thương mại. Từ đó quảng bá thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam thông qua các hội chợ, triển lãm thương mại, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu thị hiếu...tại thị trường CHLB Đức.

Các đại biểu tham dự toạ đàm. Ảnh: ICD.
"Các hiệp hội ngành hàng nông sản hai nước nên thiết lập kênh liên kết thông qua hiệp hội với hiệp hội, tạo các nhóm doanh nghiệp liên kết theo chuỗi cung ứng (kho lạnh, bảo quản, vận chuyển, kho ngoại quan, kết nối kênh phân phối, siêu thị…) nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định theo chuỗi giá trị sản phẩm, vừa giúp giảm chi phí logistics, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Đức trong sản xuất, chế biến đáp ứng quy định, phù hợp thị hiếu thị trường để xuất khẩu vào kênh phân phối, siêu thị và cộng đồng doanh nghiệp Việt Kiều tại CHLB Đức", Thứ trưởng Nam cho biết.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam – CHLB Đức đã tích cực thảo luận, chia sẻ thông tin về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và các quy định trong xuất nhập khẩu và kinh nghiệm xuất khẩu hàng rau quả, nông sản, thủy sản, sản phẩm thịt vào chuỗi siêu thị của Đức. Đồng thời, đề xuất các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm mà hai bên ưu tiên, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Các mặt hàng nông sản Việt Nam được giới thiệu tại toạ đàm. Ảnh: ICD.
CHLB Đức là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước đạt tăng trưởng ổn định. Riêng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam sang Đức đạt 1,3 tỷ USD (tăng 32% so với 2023); nhập khẩu từ Đức đạt gần 200 triệu USD (tăng 23,9%).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm cà phê, thủy sản, hạt điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, chè và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre cói, thảm..., được người tiêu dùng Đức và châu Âu ưa chuộng. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Đức chủ yếu là sữa và sản phẩm sữa, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu phân bón, cao su,..
Theo chuyên gia đánh giá, các sản phẩm này mang tính bổ sung cho nhau và không có sự cạnh tranh trực tiếp. Đức hiện là thị trường nông sản lớn thứ 7 của Việt Nam, chiếm 2,1% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Nước này cũng là cửa ngõ quan trọng để hàng Việt tiếp cận thị trường EU với hơn 500 triệu dân và tổng nhu cầu nhập khẩu thực phẩm lên tới khoảng 160 tỷ Euro/năm.