Tỉnh Sóc Trăng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ 51.000ha tôm nuôi trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Sóc Trăng tăng cường quản lý dịch bệnh trên 51.000ha tôm nuôi
Năm 2025, ngành tôm Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi là trên 51.000 ha, sản lượng tôm nuôi là trên 200.000 tấn. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được 51.000 ha, cao hơn 18,9% so với cùng kỳ năm 2024. Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nuôi tôm cần tiếp tục tăng cường nhiều giải pháp giúp tôm phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với các tình huống bất lợi do tác động từ yếu tố môi trường, quan trọng là lựa chọn nguồn tôm giống đảm bảo an toàn, sạch bệnh.
Bà QUÁCH THỊ THANH BÌNH – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng: “Về mặt chuyên môn chúng tôi tiếp tục tham mưu cho ngành, tăng cường công tác tuần tra sản xuất giống, phối hợp với các viện, trường đào tạo tập huấn cho người dân…”
Tại huyện Trần Đề để phòng chống dịch bệnh người dân thực hiện công tác quan trắc môi trường giúp xác định được chính xác thời điểm thích hợp để kịp lấy nước vào ao, cũng như nắm rõ các loại dịch bệnh đang xuất hiện tại ao nuôi, vùng nuôi, từ đó chủ động biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung; đánh giá, tính toán chỉ số chất lượng nước cho vùng nuôi thủy sản lợ và mặn, giúp người nuôi tránh được rủi ro thiệt hại do tác động từ diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu.
Anh NGUYỄN MINH TOÀN - Ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: (Hiện nay tình hình nuôi tôm trên địa bàn cũng như trên cả nước hết sức khó khăn. Các vấn đề về con giống, dịch bệnh và biến đổi khí hậu hiện ảnh hưởng nhiều đến người sản xuất. Qua đó nhờ sự hỗ trợ của Chi cục đã giúp bà con giảm được tối thiểu nguồn bệnh để có biện pháp xử lý trước khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng)
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất trong vụ nuôi năm 2025, ngành chuyên môn khuyến cáo hộ nuôi cần tuân thủ tốt phương châm “phòng bệnh” hơn “trị bệnh”. Đồng thời, chú xác định thời điểm thả tôm phù hợp, kết hợp thả nuôi theo hình thức thăm dò, rải vụ; nhằm hạn chế tỷ lệ thiệt hại khi tôm nuôi không may nhiễm bệnh. Riêng những ao nuôi phát hiện tôm bệnh cần khẩn trương tiến hành thu hoạch để khống chế mức độ lây lan, tránh thất thoát về lợi nhuận kinh tế.