Khảm lá sắn xuất hiện nhiều ở huyện vùng cao Quảng Trị
Thứ Bảy 19/04/2025 , 10:20 (GMT+7)
Bệnh khảm lá sắn xuất hiện ngày càng nhiều tại các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Trị, đồng bào Vân Kiều đang loay hoay xử lý.
Bệnh khảm lá sắn khiến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế giảm sút. Tuy nhiên, tại một số huyện miền núi huyện Đakrông, người dân không biết cách xử lý dẫn đến bệnh lây lan ra diện rộng.
Khảm lá sắn xuất hiện, đồng bào không biết cách xử lý
Trong vài năm trở lại đây, bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại tỉnh Quảng Trị ngày càng nhiều. Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân sử dụng lại những giống sẵn nhiễm bệnh từ vụ trước. Tình trạng này phổ biến tại huyện Đakrông.
Phỏng vấn bà: HỒ THỊ ĐÀ, Thôn Gia Giả, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông
“Năm ngoái nhà tôi cũng rồng được 2 ha sắn, bán được 30 tấn. Nhưng năm nay tôi lấy giống sắn năm cũ nhưng thấy bệnh nặng hơn năm cũ. Tôi không biết làm sao để chữa. Mong cơ quan chức năng làm sao để chữa được bệnh này”.
Đẩy mạnh việc trồng sắn nguyên liệu giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đakrông vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, tập quán để lại giống sắn cũ dù nhiễm bệnh khảm khiến diện tích sắn nhiễm bệnh khảm ngày càng nhiều.
Phỏng vấn ông: HỒ VĂN LUÂN, Cán bộ địa chính nông nghiệp xã Hướng Hiệp
“Qua kiểm tra thì địa bàn xã có 90% diện tích sắn bị nhiễm bệnh. Mong cơ quan chuyên môn của huyện cung cấp hoặc nghiên cứu giống sắn như thế nào cho phù hợp với địa bàn. Vì qua kiểm tra thì diện tích nhiễm bệnh ngày càng lớn”
Thực tế này không chỉ xẩy ra trên địa bàn xã Hướng Hiệp mà đã xuất hiện tại nhiều xã trồng sắn trên địa bàn huyện Đakrông. Ngành nông nghiệp và môi trường đã có nhiều khuyến cáo nhưng tập quán canh tác khó thay đổi, nhận thức về bệnh khảm lá sắn của đồng bào chưa cao nên rất khó thay đổi.
Phỏng vấn ông: LÊ CHÂU TRÍ, Phó phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đakrông
“Chúng tôi đã khuyến cáo người dân nhổ bỏ, tiêu hủy những cây bị bệnh, khuyến cáo bà con trồng dặm để đảm bảo tỷ lệ cũng như năng suất cuối vụ. Đối với diện tích trồng mới, chúng tôi khuyến cáo bà con nên sử dụng những giống sắn hiện có trên địa bàn và không du nhập giống sắn từ bên ngoài vào. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng vùng sắn nội vùng. Khuyến cáo bà con không du nhập giống sắn từ vùng ngoài vào để giảm nguy cơ mắc bệnh khảm”
Với việc bệnh khảm xuất hiện từ nhiều năm nay, gây hại và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng; bà con cần được truyền thông sâu rộng để thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần giám sát, kiểm tra tình hình để khuyến cáo nông dân trong việc phòng trừ.