Biến rơm rạ thành phân, nông dân thu thêm 2 triệu đồng/ha
Thứ Năm 24/04/2025 , 11:05 (GMT+7)
Thay vì đốt bỏ, nông dân dùng rơm rạ để ủ phân hữu cơ, nhờ đó sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tăng thêm khoảng 2 triệu đồng mỗi hecta.
Biến rơm rạ thành phân, nông dân thu thêm 2 triệu đồng/ha
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, trước đây, sau mỗi mùa gặt, hàng ngàn tấn rơm rạ từ cây lúa chỉ là phế phẩm bị đốt bỏ vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, tại một số tỉnh thành, trong đó có thành phố Cần Thơ, nông dân đã tìm ra cách tận dụng nguồn phụ phẩm này để ủ thành phân hữu cơ, giúp cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và mang lại thu nhập cho chính họ.
Phát biểu ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ: Từ khoảng 100 cuộn rơm trên mỗi hecta lúa sau thu hoạch, bà con không chỉ trồng được 2–2,2kg nấm tươi, thu về 40.000 đồng mà còn tận dụng phần giá thể thừa để ủ phân hữu cơ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tăng thêm lên tới 2 triệu đồng mỗi hecta canh tác.
Quy trình ủ phân hữu cơ từ rơm rạ bắt đầu bằng việc chuẩn bị luống ủ. Nông dân xếp rơm xen kẽ với phân bò hoặc đất, mỗi lớp dày khoảng 20cm. Luống có chiều rộng 1,2 mét, cao 0,7 mét, giúp đảm bảo tỷ lệ carbon và đạm phù hợp để vi sinh vật phân hủy hiệu quả. Sau khi tạo luống, người nông dân sử dụng máy đảo trộn kết hợp với việc phun nước có pha chế phẩm sinh học, tạo độ ẩm lý tưởng từ 50 đến 60%, giúp quá trình phân hủy diễn ra thuận lợi.
Tiếp theo, luống được phủ bạc nilon để giữ nhiệt và tạo môi trường yếm khí. Nhiệt độ bên trong luống sẽ tăng dần lên 50–70 độ C, thúc đẩy quá trình phân hủy rơm rạ.Sau 10 đến 15 ngày, khi nhiệt độ vượt quá 70 độ, luống được đảo trộn lần hai để làm nguội và duy trì độ ẩm ổn định.
Đến ngày thứ 21, việc đảo trộn lần ba sẽ giúp luống thông thoáng, bổ sung oxy và có thể phối trộn thêm xơ dừa, tro trấu để phù hợp với loại đất và cây trồng. Nhiệt độ trong luống được giữ trong khoảng 30–50 độ C. Nếu trời mưa hoặc nhiệt độ quá thấp, nông dân tiếp tục phủ nilon để bảo vệ luống. Nếu luống khô, cần bổ sung nước để duy trì độ ẩm từ 40–50%.
Chỉ sau 45 ngày kể từ lần đảo trộn đầu tiên, phân hữu cơ đã hoàn thành, tơi xốp và giàu dinh dưỡng. Loại phân này có thể sử dụng trực tiếp cho cây trồng, làm giá thể hoặc nén thành viên để bảo quản lâu dài.
Phát biểu ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ: Trong khâu ủ rơm quan trọng nhất mình phải tính toán được lượng rơm sau phế phẩm đó. Để đạt được một tấn phân hữu cơ phải cần 1 tấn rơm phế phẩm sau khi làm nấm cộng 200kg phân bò khô, 200kg tro trấu và cái trico theo loại, 1 lít pha phun được 2 tấn rơm.
Theo chuyên gia từ Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế, việc tận dụng rơm rạ để sản xuất phân hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn mở ra hướng đi mới cho các hợp tác xã và nông hộ, cùng nhau xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.