“Chồng ơi dậy đi. Đến giờ ăn tối rồi”, Elisabeth nhẹ nhàng nói.
Đó là một khung cảnh gia đình rất bình thường, ngoại trừ một điều, chồng của Elisabeth đã qua đời gần hai tuần. Trong căn nhà kiên cố của gia đình giàu có này, Petrus Sampe, một cựu nhân viên của văn phòng hôn nhân thành phố, nằm bất động trên một chiếc giường đôi gỗ, chiếc chăn hoa văn màu đỏ phủ dưới cằm ông.
Trong nhiều ngày sau đó, ngôi nhà nằm ở rìa thị trấn Rantepao, tại vùng cao nguyên hẻo lánh trên đảo Sulawesi, Petrus vẫn nằm trên chiếc giường đó. Vợ con ông sẽ trò chuyện khi họ đưa đồ ăn vào 4 lần một ngày: bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và trà chiều.
“Chúng tôi làm vậy vì chúng tôi yêu cha và rất kính trọng ông ấy”, National Geographic dẫn lời con trai cả Yokke.
Hợp chất Formalin trộn với nước sẽ giúp thi thể của Petrus không bị thối rữa nhưng theo thời gian, nó sẽ khô đi. Mùi hương trong căn phòng là mùi gỗ đàn hương thường gặp trong nhà của tộc người Torajan.
![]() |
Thi thể bà Cristina Banne, người qua đời năm 2011, được con trai đưa ra khỏi quan tài trong khi các cháu và người thân chụp ảnh xung quanh. (Ảnh: National Geographic) |
4 ngày sau, sau một lễ tưởng niệm người đã khuất bằng âm nhạc, một nghi lễ Kitô giáo, một bữa tiệc tối với thịt lợn, rau và cơm thết đãi hơn một trăm người, gia đình sẽ chuyển thi thể Petrus vào quan tài. Ông sẽ tiếp tục ở trong nhà cho đến khi lễ tang diễn ra 4 tháng sau đó. Trong thời gian này, bà Elisabeth và các con sẽ gọi Petrus là makula, tức một người bị bệnh.
Trò chuyện hay thậm chí nghĩ về chủ đề này là điều cấm kỵ với nhiều người nhưng với tộc người Torajan, cái chết là mối bận tâm lớn suốt cuộc đời.
Cái chết là một phần của cuộc đời
Theo SCMP, Torajan là nhóm dân tộc bản địa sống ở vùng Pangala, trên đảo Sulawesi, cách đảo Bali khoảng 800 km về phía đông bắc. Cư dân ở đây theo đạo Kitô, do ảnh hưởng từ các nhà truyền giáo dưới thời thuộc địa của Hà Lan. Tuy nhiên, tôn giáo truyền thống là Aluk To Dolo cũng tồn tại song song và theo đó, từ bé, họ đã được dạy chấp nhận cái chết như một phần của hành trình cuộc đời.
![]() |
Một gia đình chụp ảnh cùng thi thể của ông bà qua đời năm 2008 và 2009, cùng một đứa trẻ đã mất. (Ảnh: SCMP) |
Khi một thành viên gia đình qua đời, họ được xem như bị ốm và được phục vụ cả thức ăn, nước uống, thậm chí thuốc lá cho đến khi đám tang diễn ra vì người Torajan tin rằng linh hồn vẫn quẩn quanh thi hài và khao khát được chăm sóc.
Các thi thể được quấn trong vải và giữ ở phòng cực nam của tongkonan, ngôi nhà truyền thống của người Torajan, vì theo quan niệm thì thiên đường nằm ở hướng đó, trong khi phía bắc là nơi sự sống được tìm thấy. Tuy nhiên, "người ốm" phải quay mặt về hướng tây vì họ đang trong quá trình biến chuyển.
Đến ngày đầu tiên của lễ tang, gia đình sẽ cho thi thể quay mặt về hướng nam. Người có địa vị xã hội càng cao thì quy mô lễ tang càng lớn và số lượng trâu hiến tế càng nhiều. Nếu người chết có thân thế quý tộc, sẽ có từ 24 đến 100 con trâu bị giết. Những người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ giết 8-50 con trâu. Càng nhiều trâu hiến tế thì linh hồn càng nhanh siêu thoát.
Người Torajan tin rằng trâu sẽ dẫn đường cho người đã khuất đến kiếp sau. Khi lễ hiến tế trâu được tiến hành có nghĩa là thi thể đã sẵn sàng được chôn cất. Trâu ở Indonesia rất đắt đỏ nên có nhiều gia đình mất vài tháng, thậm chí vài thập kỷ sau khi người thân trút hơi thở cuối cùng mới tiết kiệm đủ tiền để tổ chức một tang lễ thật trịnh trọng.
![]() |
Nghi thức hiến tế trâu tại lễ tang của một đôi vợ chồng già người Toranjan qua đời cách nhau 3 tháng. (Ảnh: SCMP) |
Tại Chợ Gia súc Rantepao, giá một con trâu có thể lên tới 40.000 USD, tùy vào da của nó, độ dài của sừng và màu mắt. Một số khách đến dự tang cũng tặng trâu cho gia quyến làm quà. Trong trường hợp này, gia chủ thường sẽ tặng lại một con trâu có giá trị tương đương khi nhà kia có người mất.
Chi phí tổ chức tang lễ thường ở mức 50.000 USD đối với các gia đình thuộc tầng lớp hạ lưu và có thể lên tới 250.000 - 500.000 USD với những gia đình giàu có.
Một số thanh niên Torajan cảm thấy bế tắc bởi truyền thống mà theo nghiên cứu khảo cổ học có thể có niên đại hơn 900 năm này. Thay vì mua một chiếc xe hơi hay đi du lịch, họ phải đối mặt với gánh nặng về chi phí mua trâu.
Thậm chí 3-5 ngày sau lễ tang, khi người chết đã được chôn cất trong lăng hoặc mộ đá, họ vẫn chưa được an nghỉ hoàn toàn.
Cứ 1-3 năm, gia tộc sẽ tập trung tiến hành nghi lễ đưa thi hài ra khỏi quan tài, lau rửa sạch sẽ và thay cho họ một bộ quần áo mới. Họ hàng từ xa cũng đến chúc mừng, ăn uống, trò chuyện và bày tỏ lòng tôn kính với người đã khuất.
Nghi lễ này nhằm tôn vinh tình yêu thương đã trở thành bất tử, được lấy cảm hứng từ truyền thuyết về Pong Rumasek, một thợ săn tìm thấy một xác chết dưới gốc cây. Anh đã cẩn thận quấn thi hài trong vải và đem chôn, nhờ đó được gặp phước lành và trường thọ.
![]() |
Thi thể bà Sampe Rara’ Tambing, người qua đời ở tuổi 79, được ăn vận sạch sẽ, trang điểm, đặt gần một kệ gỗ treo di ảnh của bà. Gia đình bà tốn 1.500 USD để khắc kệ gỗ này. (Ảnh: National Geographic) |
![]() |
Một phụ nữ đưa bữa tối vào cho mẹ chồng, người qua đời ở tuổi 84 qua đời vài tuần trước đó. (Ảnh: National Geographic) |