Ông Lưu Trung Nghĩa cho biết, chúng ta đang sống trong một thế giới quá tải về thông tin, con người có thể bị nhấn chìm bởi điều đó. Vì vậy, truyền thông lúc này cần mang đến những tri thức mới, chính xác và thích ứng nhanh nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển và hợp tác.
Sau nhiều năm thực hiện Đề án tái cơ cấu và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành nông nghiệp và môi trường Gia Lai có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu lớn. Nông nghiệp được xác định là một lợi thế của tỉnh và trụ đỡ của nền kinh tế. Thu nhập của nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện; tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai. Ảnh: CTV.
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt gần 820 triệu USD, trong đó các mặt hàng xuất khẩu nông sản chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lan tỏa những chủ trương, định hướng lớn của ngành, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến và thông tin thị trường tới cộng đồng, trong đó có Báo Nông nghiệp và Môi trường. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần một thông tin kịp thời, chính xác đưa tới nông dân, doanh nghiệp đã mang lại giá trị gấp nhiều lần, giúp hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong các đề án, chính sách của ngành.
Trước những cơ hội và thách thức trong thời gian tới, sứ mệnh truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng, phải được ưu tiên hàng đầu, thậm chí phải đi trước một bước. Thực tế cho thấy, trong tất cả các đề án, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành nông nghiệp và môi trường nói riêng, công tác truyền thông nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin là một trong các giải pháp quan trọng khi thực hiện. Bởi lẽ, chỉ khi chúng ta thống nhất được nhận thức thì mới có thể tạo chuyển biến về hành động.

Nền nông nghiệp và môi trường tỉnh Gia Lai đang ngày càng phát triển. Ảnh: Tuấn Anh.
Riêng đối với tỉnh Gia Lai, việc đầu tư vào truyền thông sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ của cộng đồng mà còn có thể biến dư luận thành sức mạnh góp phần làm thay đổi cả nền sản xuất.
"Tôi luôn cho rằng, báo chí nói chung và Báo Nông nghiệp và Môi trường nói riêng là động lực quan trọng hỗ trợ để tái cơ cấu sản xuất, thúc đẩy chế biến, phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường... giúp ngành đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới", ông Nghĩa tin tưởng.
Cũng theo ông Nghĩa, đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, cần xác định các nội dung phát triển bền vững như quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các thông lệ bền vững gồm công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển đô thị, nông thôn bền vững.
Để đạt được các mục tiêu đó, sứ mệnh truyền thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, phát triển nông nghiệp gắn liền với sự phát triển xã hội bền vững.