Chủ sở hữu mã số vùng trồng đang gặp khó khăn
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Sơn La là cà phê (đạt hơn 90 triệu USD), chè (22 triệu USD), tinh bột sắn (36 triệu USD), xoài (30 triệu USD)...
Tỉnh đã cấp mới 10 mã số vùng trồng trong năm 2024 cho các loại nông sản như măng bát độ, rau xanh, dâu tây, cà phê và lúa, với tổng diện tích hơn 177 ha, đang đề xuất cấp mã số xuất khẩu cho hai vùng trồng xoài với diện tích 25 ha, phục vụ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, và ủy quyền sử dụng mã số xuất khẩu cho 5 vùng trồng xoài, chuối và mận hậu.

Tỉnh Sơn La quy hoạch vùng trồng nhãn hơn 50 ha định hướng xuất khẩu. Ảnh: Đức Bình.
Trong quá trình giám sát, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La đã thu hồi 9 mã số vùng trồng do chuyển đổi cây trồng không đúng mục đích và 3 mã số cơ sở đóng gói không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Mặc dù chỉ tiêu cấp mã số vùng trồng của tỉnh phải đạt 250 mã số, nhưng hiện mới đạt hơn 177 mã số vùng trồng và 8 cơ sở đóng gói).
Trên địa bàn chưa có đơn vị nào trực tiếp xuất khẩu các loại quả tươi, chủ yếu xuất khẩu nông sản qua đầu mối ở cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai,... Với hơn 84.700 ha cây ăn quả các loại và gần 150.000 ha các loại nông sản như ngô, lúa, cà phê, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm.
Thực tế, các chủ sở hữu mã số vùng trồng đang gặp khó khăn trong việc xác định sản phẩm của mình có được xuất khẩu hay không, dẫn đến việc duy trì các điều kiện bắt buộc như ghi nhật ký sản xuất, diện tích trồng hay đảm bảo điều kiện canh tác gặp nhiều trở ngại.
Vùng trồng đạt chuẩn, đóng gói chuyên nghiệp
Lý giải về vấn đề này, ông Hồ Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La cho rằng, yêu cầu của các thị trường xuất khẩu liên tục thay đổi, đặc biệt là về tiêu chí đánh giá chất lượng, dư lượng hóa chất và đối tượng kiểm dịch thực vật, khiến cho công tác quản lý vùng trồng càng trở nên phức tạp.

Ông Hồ Trung Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La báo cáo công tác duy trì mã số vùng trồng hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Đức Bình.
Ví dụ để sang thị trường lớn như Trung Quốc, nông sản phải đảm bảo tối thiểu 5 yêu cầu chính: sản phẩm phải được chiếu xạ; kiểm dịch thực vật; sản phẩm nông sản được trồng và thu hoạch từ vùng trồng đạt chuẩn; chất lượng nông sản không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; đảm bảo tiêu chuẩn về cách đóng hàng vào thùng, bao bì để tránh bị hư hàng hóa,...
Chi cục sẽ hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp mã số cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; phối hợp với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các cơ quan quản lý của nước nhập khẩu trong việc kiểm tra khi có yêu cầu; đồng thời quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thông qua các hệ thống cơ sở dữ liệu.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La bộc bạch: Với chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, phải lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp, thay đổi những cơ chế chưa phù hợp để tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, việc xây dựng chính sách thuế quan cũng rất quan trọng. Thị trường nào, mức thuế ra sao? Cần phải có những phân tích phù hợp để hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp, đảm bảo đầy đủ 3 yếu tố: xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và hệ thống logistics phục vụ xuất khẩu.