Sáng 23/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung rà soát các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ năm 2026 cùng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cùng các đơn vị liên quan.
Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt: Nghiên cứu phải đi đến cùng, nghĩa là có sản phẩm cụ thể, có đầu ra rõ ràng, có đóng góp thiết thực cho mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Hoàng Trung: 'Phải đủ kinh phí cho nghiên cứu khoa học'. Ảnh: Bảo Thắng.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng sinh thái, thông minh và thích ứng biến đổi khí hậu, công tác nghiên cứu khoa học đóng vai trò then chốt để tạo ra những bước đột phá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là nguồn kinh phí chưa tương xứng với yêu cầu triển khai, đặc biệt với các đề tài mới có khả năng ứng dụng cao ngay trong sản xuất.
Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ rõ, việc chọn lựa đề tài không thể dàn trải mà cần ưu tiên những nội dung thật sự cấp thiết, sát với điều kiện sản xuất từng vùng, phù hợp với chiến lược mở cửa thị trường và hỗ trợ xuất khẩu.
Ông yêu cầu các đơn vị quan tâm đến những đề tài phát triển giống lúa có năng suất, chất lượng tốt và thích ứng nhiều tiểu vùng sinh thái; chọn lọc các giống ngô, ớt, dừa phục vụ sản xuất quy mô hàng hóa. Đặc biệt, một số hướng nghiên cứu có thể ứng dụng ngay vào chỉ đạo sản xuất, như xác định ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng chủ lực cần được đẩy mạnh.
Để tránh lặp lại tình trạng “có đề tài nhưng không có nguồn lực thực hiện”, Thứ trưởng giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường rà soát, lên danh sách các đề tài cấp Bộ và đề tài tiềm năng theo đúng tinh thần đã thống nhất.
Vụ cần làm việc thêm với đầu mối của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính để bố trí kinh phí phù hợp với nhiệm vụ nghiên cứu trong khuôn khổ kinh tế tuần hoàn – một hướng đi đang được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ. Đồng thời, bố trí, cân đối lại ngân sách theo hướng tập trung, đủ lực làm tới nơi tới chốn, không chia nhỏ, manh mún.

Phó vụ trưởng Nguyễn Như Cường báo cáo một số đề tài dự kiến triển khai trong năm 2026. Ảnh: Bảo Thắng.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Như Cường cho biết, năm 2026, nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học theo dự kiến là hơn 53 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ khoảng 14,6 tỷ đồng được dành cho việc mở mới các đề tài.
Thực trạng này đặt ra thách thức không nhỏ. Bởi nhu cầu triển khai nhiệm vụ nghiên cứu ngày càng nhiều, thì nguồn kinh phí trong năm kế tiếp vẫn phải co kéo trong một khuôn khổ cũ, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể theo các chỉ đạo mới của Trung ương như Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, hay Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội.
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, việc xây dựng các đề tài nghiên cứu cần phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần hỗ trợ sinh kế cho nông dân và tận dụng được các nguồn lực quốc tế đang sẵn có.
Từ yêu cầu của lãnh đạo Bộ và thực tiễn tài chính hiện nay, có thể thấy rằng: gỡ nút thắt về kinh phí không chỉ là câu chuyện của từng đề tài, mà là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp. Nếu không tính toán từ sớm, nguy cơ “trượt nhịp” trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu tổ chức lại quy trình xây dựng nhiệm vụ, ưu tiên kinh phí đúng trọng tâm và đồng bộ hóa giữa các bộ ngành về cơ chế tài chính - kỹ thuật. Đây sẽ là chìa khóa để đảm bảo cho nghiên cứu khoa học thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.