
Các tập thơ viết về Bác Hồ của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Ảnh: NVCC.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ của chúng ta đã, đang và tiếp tục là nguồn cảm hứng của văn học nghệ thuật. Từ trước đến nay, nhiều nhạc sĩ, nhà thơ, họa sỹ, điêu khắc... đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật về Hồ Chí Minh, đã có những tác phẩm “để đời”. Một trong những nhà thơ, dành phần lớn cảm xúc cho đề tài Bác Hồ là cựu chiến binh, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải.
Từ năm 2012, Nguyễn Hưng Hải đã in tập thơ “Bài thơ dâng Bác”. Từ đó đến nay, Nguyễn Hưng Hải xuất bản thêm 5 tập thơ với hàng trăm bài thơ khác, như: “Dâng Bác một niềm thơ”, “Ươm từ vườn Bác”, “Cây bụt mọc trong vườn Bác”, “Vành hoa đỏ dâng Người”, “Trở về Làng Sen”.
Trong 6 tập thơ kể trên, “Ươm từ vườn Bác” là tập thơ dày dặn, với hơn 180 trang, bố cục gồm 3 phần: “Bài thơ dâng Bác”, “Dâng Bác một niềm thơ”, “Bác đã đỡ tôi lên - ươm từ vườn Bác”.
Viết về Bác, Nguyễn Hưng Hải rất có ý thức tìm hiểu về quê hương, gia đình, cuộc đời và sự nghiệp, di sản tư tưởng và ảnh hưởng của Người... để làm giàu thêm “biên độ cảm xúc” cho mình. Sự thấu ngấm khiến cho mọi kỷ vật, mọi con đường, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ gắn với hình ảnh Bác đều làm bật lên cảm xúc trong thơ ông. Như với “Đôi dép Bác Hồ”, Nguyễn Hưng Hải cảm nhận: “Vẫn là đôi dép lỳ chai/ Đá mềm chân cứng nào ai đã từng/ Tôi nhìn đôi dép rưng rưng/ Nhiều đêm sương gió đường rừng mưa rơi”.
Nhưng thơ không chỉ là hiện thực được miêu tả. Thơ phải là hiện thực được phản ánh qua tâm trạng nhà thơ, trở thành hình tượng, cao hơn là biểu tượng. Vậy nên, “Soi vào đôi dép ta tìm/ Bóng ta ngày trước nổi chìm trong mưa/ Thiêng liêng đôi dép Bác Hồ/ Đi thành đường để bây giờ ta đi...” (Đôi dép Bác Hồ). Bốn câu thơ đã nâng bài thơ lên thành tư tưởng. Hay nói cách khác, đó là vẻ đẹp triết mỹ qua sáng tạo của nhà thơ.
Nguyễn Hưng Hải sinh năm 1959, khi ông mới 10 tuổi thì Bác Hồ đã mất. Hẳn nhiên ông chưa được trực tiếp gặp Bác Hồ. Thế nhưng Nguyễn Hưng Hải đã từng đến nhiều nơi in dấu chân Người: Pắc Bó (Cao Bằng), Đền Hùng (Phú Thọ), Kim Liên quê Bác, và bến tàu Ba Son nơi in dấu chân Nguyễn Tất Thành xuống tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville, bắt đầu những tháng ngày làm nghề phụ bếp để nuôi chí lớn tìm đường cứu nước.
Trong các cuộc đi của Nguyễn Hưng Hải, nhà thơ gặp được những câu chuyện, bức ảnh Bác Hồ gặp mặt, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Lời căn dặn của Bác: “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...”, với nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, không chỉ là lời với Đại đoàn quân Tiên Phong, mà “Bác nói với mọi người/ Dựng nước phải đi đôi giữ nước/ Xưa Thục Phán đã thề nguyền một lòng sau trước/ Đời sau con cháu dựng bia thờ” (Cột đá thề khắc ghi lời Bác). Lời của Bác đã trở thành chân lý thời đại.
Trong một lần về thăm quê Bác, cái tên Làng Sen trong ông bật lên cảm xúc thành những câu thơ giàu suy tưởng, gợi mở về triết lý nhân sinh, đạo lý cuộc đời: “Vì những mùa hoa Bác phải đi tìm/ trong nghiên mực mài mòn theo hướng Huế”; “những bông sen của Làng Sen dẫn lối/ từ Làng Sen bùn đất tỏa hương thơm”; “nở tự bùn đen/ tỏa hương vào trời đất/ tỏa hương từ thanh lọc từng bông/ Bác đã ươm trồng bao mùa sen từ Bác”.
Nghĩ về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nguyễn Hưng Hải viết: “Chẳng có tượng đài nào khắc họa nổi chân dung/ khi chân dung của Người đã khắc vào ý nghĩ/ trong mỗi bước đi/ trong mỗi việc ta làm/ Người hiện diện là niềm tin, chân lý (Chân dung của Bác).
Bài thơ “Chân dung của Bác”, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải sáng tác hơn chục năm nay, in trong tập “Bài thơ dâng Bác”. Thời gian có trôi qua nhưng những câu thơ của ông vẫn ám ảnh, nhắc nhở: “Ngợi ca Người đừng tin vào câu nói/ ta hãy tự hỏi mình học được Bác bao nhiêu/ có thể là số nhiều/ có thể là số ít/ ít hay nhiều đừng hỏi hãy làm theo”.
Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta và nhân dân ta. Người đã để lại Di sản Hồ Chí Minh vĩ đại, từ tư tưởng đến đạo đức, phong cách; trong đó có tư tưởng “trọng dân” của Bác là bài học quý giá trong xây dựng chính quyền vì nhân dân, phục vụ dân, phụng sự nhân dân.
Phú Thọ - quê hương đất Tổ Vua Hùng - nơi nhà thơ Nguyễn Hưng Hải sinh ra, lớn lên và thành danh ở đó, đã vinh dự được đón Bác về thăm và làm việc nhiều lần. Ngoài ra, Người còn gửi rất nhiều thư, điện khen ngợi, biểu dương mỗi khi cán bộ và nhân dân đạt được thành tích trong lao động, sản xuất và chiến đấu.
Trong những lần về thăm ấy, Bác đã dành tình cảm đặc biệt ân cần cho bà con nông dân, những người "một nắng hai sương", một lòng theo Đảng, theo cách mạng, quyết tâm giành thắng lợi trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Điều đó đã đi vào thơ Nguyễn Hưng Hải thật day dứt và tình cảm: “Đã biết một lần lau cho Bác giọt mồ hôi/ Nhễ nhại trên đồng lo tát nước/ Những cây lúa xanh lại nhờ có Bác/ Chống hạn khác gì chống lũ giặc xâm lăng” (Những người nông dân quê tôi).
Hình ảnh lãnh tụ và người dân thật gần gũi, truyền tải thông điệp về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân. Bác vui cùng những người nông dân đang cấy cày, ơn những người nông dân đang vất vả nắng mưa để cho tháng năm tháng mười vui mùa thu hoạch. Bác ngồi xuống để những người nông dân lớn cao hơn.
Nguyễn Hưng Hải không chỉ cảm được những tình cảm của Bác trên quê hương Phú Thọ của ông. Mà thời gian trong quân ngũ, ông còn hiểu sâu sắc về tình cảm người dân với Bộ đội Cụ Hồ, thứ tình cảm cao cả vẫn được ví von: quân với dân như cá với nước. Trong một lần đóng quân ở chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Tây - nay là Hà Nội), ông viết bài thơ “Đóng quân ở Chùa Trầm”, nhà thơ ngộ ra: “Đóng quân ở chùa Trầm tôi mới hiểu vì sao/ Bác lại được chở che của tất cả đồng bào”. Đây là ngôi chùa có hơn 500 năm tuổi, sinh thời Bác Hồ từng ba lần về thăm. Trong đó có một lần Bác cho ý kiến mở đường cho dân đi, để bà con không phải vất vả leo đường mòn qua núi, bởi “Ý Bác lòng dân là con đường chạy thẳng”.
Bác Hồ từng căn dặn cán bộ: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Câu thơ của Nguyễn Hưng Hải không còn ở nghĩa “hiện thực” trực cảm mà đã được ông đẩy xa hơn, thành hiện thực suy tưởng; “con đường chạy thẳng” còn là con đường công khai, minh bạch bây giờ.
Có thể nói, Nguyễn Hưng Hải là trường hợp hiếm trong số các nhà văn, nhà thơ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài Bác Hồ. Dù đã có trong tay một “gia tài” tác phẩm tương đối đồ sộ về Bác, tuy nhiên, ông cho biết, sẽ tiếp tục viết mãi về đề tài này, như cuộc đời ông đã chọn theo con đường của Bác, từ ngày còn trong binh nghiệp đến nay.

Những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải cùng các tác phẩm viết về Bác Hồ sẽ góp phần làm giàu có thêm không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa.