Tùy bút Trần Mạnh Hảo: Tôi tự hào là một người nông dân cầm bút

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo - Thứ Tư, 18/01/2023 , 09:10 (GMT+7)

Tôi chính là hạt máu phù sa của sông Hồng, sông Đáy, hít thở khí trời thơm mùi cỏ rả, rạ rơm của tình yêu quê hương yêu dấu.

Cảnh sắc làng quê hôm nay.

Từ bảy tuổi đầu, tôi đã biết cưỡi trâu theo bố mẹ ra đồng. Nghề nông là nghề truyền đời của bố mẹ, ông bà, cụ kỵ nhà tôi hàng nghìn năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tôi tự hào tổ tiên mình truyền đời làm nghề nông, nghề nuôi sống dân tộc Việt suốt bốn nghìn năm lịch sử.

Cất tiếng chào đời, tôi đã hít thở khí trời thơm mùi lúa khoai của đồng bằng Bắc bộ. Và mùi phù sa trong thoang thoảng hơi sương bơm vào hai lá phổi tôi hồn vía sông Hồng, ngòn ngọt hương đòng đòng tinh khiết.

Bảy tuổi đời, bố đã dạy tôi tập bơi, bơi qua sông làng Bình Hải, một chi nhánh nhỏ sông Đáy, cháu chắt của sông mẹ Hồng Hà. Tám tuổi đầu, tôi đã biết cưỡi trâu đi học và biết đánh vần học chữ trên lưng trâu. Mười một tuổi, tôi đã biết mượn sách truyện để ngồi đọc khi chăn trâu. Các bộ tiểu thuyết Tàu như “Hán Sở tranh hùng”, “Tam Quốc chí”, “Thủy Hử”, “Hồng Lâu mộng”… tôi đều đọc trên lưng trâu!

Những năm trọ học cấp 3 xa nhà, xa lưng trâu, xa ruộng đồng dấu yêu trộn mồ hôi với bùn đất làm ra hạt lúa, củ khoai, tôi nhớ đồng quê khôn xiết. Đến nỗi khi vào lính, vô rừng tắm suối, ba năm mùi da trâu, mùi mồ hôi trâu vẫn còn bám vào đùi cậu trai 18 tuổi là tôi…

Cha mẹ tôi ăn hạt gạo, củ khoai, ăn tôm cá sông ngòi, tích tụ hồn vía đất đai quê kiểng mà sinh ra tôi, truyền cho tôi tình yêu ruộng đồng. Tôi chính là hạt máu phù sa của sông Hồng, sông Đáy, hít thở khí trời thơm mùi cỏ rả, rạ rơm của tình yêu quê hương yêu dấu.

Vậy mà có những đứa con hư của ruộng đồng, lưỡi bị nhiễm “chất thị thành” dỏm, như thơ Chế Lan Viên từng viết “Khi lưỡi ta không còn đắng chất thị thành”, đã nhiều lần mắng tôi là đồ nhà quê! Không, họ đang tôn vinh tôi đấy, bởi vì tôi đích thị nhà quê, đích thị lúa khoai, đích thị rạ rơm, đích thị chiêm mùa đồng áng…

Làng quê thanh bình.

Tôi vinh dự mang hồn nhà quê, hồn phù sa, hồn cào cào châu chấu vào thi ca chữ nghĩa. Chao ôi, đến sen kia còn mọc từ bùn. Hạt lúa, củ khoai nhờ bùn đất mà sinh ra dân tộc Việt, sinh ra Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, sinh ra ca dao, sinh ra nền văn minh lúa nước sông Hồng…

Hãy chứng minh cho tôi những anh hùng dân tộc từ các vua Hùng, từ Bà Trưng, Bà Triệu, từ các vua triều Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn… ai là người được sinh ra từ thành phố? Tất cả các vương triều đất Việt, các danh nhân văn hóa Việt đều sinh ra từ làng quê, từ bờ ca dao kẽo kẹt guốc võng gộc tre nghìn đời nâu sồng dân dã.

Có làng, mới có nước. Tiếng kêu làng nước ơi, vang vọng nghìn đời, ơi hai tiếng tiểu nông: chia ra nghìn làng nhỏ lẻ, rào bằng bờ tre chống giặc. Nước còn vì từng làng nhỏ không mất. Nhờ tinh thần tiểu nông sống chết giữ từng làng quê, không cho lọt vào tay giặc thù mà bốn nghìn năm tích tiểu thành đại, mới có giang san Đại Việt hùng cường.

Cảm ơn chất tiểu nông anh hùng, cảm ơn chất nhà quê thề chết giữ non sông của triệu triệu anh hùng nông dân áo vải, đã nghìn đời hi sinh mạng sống cho quê hương.

Tôi căm ghét một số gã mà tổ tiên cũng là nông dân như tôi, thi thoảng lên báo chửi người khác là đồ “tiểu nông”, “tiểu khí”… Đọc câu thơ của Nguyễn Bính mà thương chất nhà quê vô cùng: “Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Ở nước ta, trước khi Pháp xâm lược dựng lên các thành phố kiểu phương Tây thì Thăng Long, Huế hay Sài Gòn chỉ là những làng lớn mà thôi. Làng là quê hương của dân tộc Việt Nam, tiểu nông là ông cha nghìn đời làm ruộng nuôi cả dân tộc.

Là người dân Việt, ai ai cũng có tổ tiên ở các làng quê. Sống đến tuổi trăm năm, ai cũng mong về nằm bên cha mẹ ông bà tổ tiên, an nghỉ giấc muôn đời. Xin đừng biến nông thôn thành thành thị. Ở các nước Âu Mỹ, con người bất đắc dĩ phải sống tập trung trong đô thị để dễ làm ăn, nhưng người khá giả đều có trang ấp ở làng quê không chỉ để dành sau hưu trí, mà thứ bảy, chủ nhật còn được sống trong ruộng vườn cây trái mới là diễm phúc trong đời.

Bây giờ làng quê Việt Nam đã thay đổi quá chừng, không còn bờ tre ôm làng ru kẽo cà kẽo kẹt xửa xưa. Hơn trăm năm trước, thi hào Tú Xương đã buồn vì làng đang hóa phố.

Tự hào mình là người nông dân cầm bút. Tuổi thơ tôi ở đâu, linh hồn tôi ở đó. Nông thôn ơi, nhà quê ơi, đừng xóa mất tinh thần làng thôn yêu dấu của tôi là ruộng vườn, là con sông phù sa ôm làng xóm ru cánh cò dỗ ngủ bao lời mẹ ru xưa. Hồn Việt muôn năm trước chính là hồn quê kiểng cha ông gửi qua ca dao, qua thơ Nguyễn Du, Nguyễn Bính… Linh hồn tôi mãi là hồn quê áo vải, mãi mãi theo cha mẹ ra đồng học cách trồng cây lúa mà nuôi dân tộc này muôn thuở.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo
Tin khác
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.