Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân

THÁI HẠO - Thứ Tư, 15/05/2024 , 13:49 (GMT+7)

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Chân dung hành giả Minh Tuệ. Tranh kỹ thuật số của hoạ sỹ Nguyễn Hồng Hưng.

Hành giả Minh Tuệ đang trở thành một hình ảnh đẹp hiếm thấy và là nguồn cảm hứng lớn cho những người theo đạo và dân chúng nói chung. Điều đó là tích cực và nên được nuôi dưỡng như một hạt giống lành trong tâm mỗi người. Tuy nhiên, không nên quan niệm rằng ông là khuôn mẫu duy nhất đúng, rồi nhất nhất hành theo và phản đối những lối đi khác.

Bài liên quan

Phật giáo có nhiều pháp môn, tùy theo căn cơ và những điều kiện của từng người mà áp dụng cho phù hợp. Nhưng dù là con đường nào thì cũng phải tuân thủ như là hạt nhân bất biến, đó là nghiêm trì giới luật để giữ oai nghi và phẩm hạnh. Nó giống như hiến pháp và pháp luật của một quốc gia vậy.

Nêu vài ví dụ. Hành giả Minh Tuệ không nhận tiền và giữ tiền, nhưng với những người xuất gia mà trú xứ là chùa thì tất nhiên cần phải có tiền bạc để duy trì các hoạt động Phật sự. Nhưng tiền ấy không phải là của riêng trụ trì hay một cá nhân tăng sĩ nào, đó là tiền của tăng chúng và thí chủ. Nó giống như ngân sách nhà nước vậy, là tiền của dân, công chức chỉ được quản lý và sử dụng vào việc kiến tạo xã hội và phục vụ an sinh, ai lấy làm của riêng là phạm tội tham nhũng và phải bị xử lý hình sự. Vì thế, “tiền chùa” cũng phải được quản lý và chi dùng một cách “đúng luật”, công khai, minh bạch, đúng mục đích. Việc biến của chung thành của riêng, cất giữ cho cá nhân là “phạm pháp” [vi phạm giới luật]. Ngày nay, vì không tuân giữ những nguyên tắc của đạo mà không ít ông bà sư đã giàu lên như các đại gia thứ thiệt, có nhà lớn, xe sang, đồng hồ hàng hiệu, sống xa hoa như ông hoàng bà chúa. Những kẻ như thế chỉ là hạng giả tu, mượn danh Phật mà mưu cầu lợi lộc, phá nát đạo pháp.

Hòa thượng Hư Vân là một cao tăng với đức hạnh lớn lao, nhưng ông lại mang hình tướng một người tại gia, để râu tóc dài, mặc áo quần như người bình thường. Hòa thượng Tuyên Hóa thì đầu đà [giống sư Minh Tuệ], trong khi vị thánh tăng Quảng Khâm lại chỉ ăn trái cây, không bao giờ ăn đồ ăn nấu nướng. Ở Việt Nam, chỉ nhìn thôi cũng thấy thầy Quảng Độthầy Tuệ Sỹ khác nhau rất nhiều (thầy Quảng Độ để râu dài). Dù khác nhau về hình tướng và đường lối thực hành nhưng tất cả đều tinh nghiêm giới luật, tâm từ bi quảng đại và trí tuệ phi phàm.

Ông Minh Tuệ, như chúng ta biết, trước khi độc hành khất thực trên mọi nẻo đường suốt 6 năm qua thì cũng đã xuất gia, vào chùa như bao tăng sinh khác. Tuy nhiên, vì không hợp với lối tu của các chùa ấy, nên ông quyết định bỏ ra ngoài, một mình hành cước. Rõ ràng ông không học theo ai cả, chỉ y chỉ pháp môn Tổng trì mà thực hành. Đó là y pháp bất y nhân.

Do đó, nếu ai ưa thích Phật giáo thì chỉ cần giở kinh điển ra đọc, nếu thấy phương pháp nào hợp với bản thân thì phát tâm mà tu tập. Đừng bắt chước ai một cách máy móc. Có câu chuyện rằng, ngày xưa có ông vua, vì rất ham chuộng ngựa nên đã sai người đi tìm thầy huấn luyện về. Lính tìm được ông thầy nổi tiếng trong nước. Sau một thời gian, khi việc huấn luyện đã xong, quân lính liền dắt ngựa đến cho vua. Quả nhiên ngựa rất thông minh và thuần thục, ngoài cả sức mong đợi của nhà vua. Nhưng, lạ thay, tất cả lũ ngựa ấy đều đi tập tễnh. Vua cho gọi người huấn luyện viên tới, từ xa đã thấy ông tập tễnh đi vào. Vua liền hiểu ra, rằng bọn ngựa này bắt chước người huấn luyện vốn bị tật ở chân, nên nhất loạt đều thành tập tễnh cả!

Tu học hay trong bất cứ việc gì cũng vậy, nếu sùng bái cá nhân và dẫn đến bắt chước một cách máy móc thì sẽ giống như những con ngựa kia, hay thì hay đấy, nhưng rốt cuộc hỏng cả. Cốt yếu của Phật giáo là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo, làm thế nào là do tùy thuận cảnh duyên và cá tính mỗi người, nhưng không được ra khỏi những con đường này. Như thế, Phật pháp sẽ không bị suy mà mỗi người đều hạnh phúc trên lối đi riêng của mình. Cũng giống như xã hội hay quốc gia vậy, phải tuân thủ các giá trị và cách ứng xử phổ quát của thế giới văn minh, như tự do - bình đẳng - bác ái, và luôn luôn phải bảo vệ, tuân giữ các giá trị ấy, không được lấy mục đích để biện minh cho phương tiện. Có như thế, xã hội ấy mới trở nên thịnh vượng, tốt đẹp, và mỗi người mới được sống hạnh phúc trong sự lựa chọn cá nhân của họ. Dù là bắt chước máy móc hay áp đặt và chuyên chế đều gây nên đau khổ.

THÁI HẠO
Tin khác
Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ
Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Dáng đứng Việt Nam được bồi đắp từ sự hy sinh của những thương binh liệt sĩ, còn mãi vang vọng trong những áng thơ kiêu hãnh và tự hào.

Quả sấu tròn
Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'
Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.