Tư duy phản biện cần được người Việt ứng dụng ra sao?

Tuy Hòa - Thứ Tư, 07/08/2024 , 13:20 (GMT+7)

Tư duy phản biện không chỉ quan trọng đối với những nhà khoa học, mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi người Việt trong nhịp sống hiện đại.  

Nhà tư vấn giáo dục Lang Minh.

Tư duy phản biện được xem như một kỹ năng sống giữa thời đại công nghệ số. Bủa vây giữa một lượng thông tin đa dạng và đa chiều, nếu không trang bị tư duy phản biện thì dễ rơi vào tình trạng loay hoay khi phân định thật giả, đúng sai.

Thực tế, qua kinh nghiệm truyền đời của người Việt, tư duy phản biện cũng được hình thành trong từng nếp ăn, nếp nghĩ. Sau lũy tre làng, nông dân đã nhắc nhau “khôn ra miệng, dại ra tay” hoặc “khôn khéo lấy miệng mà xài, vụng dại lấy vai mà đỡ”. Cho nên, tư duy phản biện không nhằm tranh cãi, mà trở thành một cách ứng xử, dễ dàng tìm thấy ở kho tàng tục ngữ và thành ngữ, kiểu như “người khôn không nỡ ra đòn, một lời nói nhẹ hãy còn đắng cay”.

Bước vào kỷ nguyên kết nối toàn cầu, mạng xã hội càng thách thức tư duy phản biện của người Việt. Bằng thái độ cầu thị “học là học để làm người, biết điều hơn thiệt biết lời thị phi”, dù nông dân hay trí thức cũng cần nắm bắt và vận dụng những kỹ năng tư duy phản biện một cách đầy đủ. Khi con người được dẫn dắt bởi tư duy phản biện sẽ khơi gợi được niềm vui khám phá cuộc sống với tâm thế tôn trọng quan điểm khác biệt và tinh thần xây dựng. Việc tìm hiểu và thực hành tư duy phản biện vì thế càng trở nên quan trọng để cộng đồng đối thoại văn minh và cùng nhau lao động sáng tạo.

Vài thập niên gần đây, tư duy phản biện đã được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách lẫn chuyên gia giáo dục. Tư duy phản biện cũng đã được đưa vào chương trình đào tạo và cho thấy những tín hiệu tích cực. Sau những cuốn sách về tư duy phản biện của các tác giả quốc tế, bây giờ đã có tác giả Việt mạnh dạn tham gia vào phân khúc tài liệu tham khảo đặc biệt này. Ví dụ mới nhất là cuốn “Phản biện như một chuyên gia” của tác giả Lang Minh.

Với tư cách một nhà tư vấn giáo dục, tác giả Lang Minh đưa ra hai nhận định đáng chú ý. Thứ nhất, thanh niên Việt Nam có khả năng phản biện như phần lớn bạn trẻ trên thế giới chứ không như nhiều đồn đoán rằng các em ai cũng yếu về tư duy phản biện. Thứ hai, thanh niên Việt Nam không hề lãnh cảm mà có nhiều trăn trở về đời sống quanh họ, có khao khát hiểu xã hội đang vận hành ra sao.

Trong vai một thanh niên, tác giả Lang Minh dẫn dắt độc giả bước vào bài học bằng những cái “cớ” rất hài hước: Mượn chuyện con gái Hải Phòng để giới thiệu khái niệm luận cứ, từ chuyện ăn thịt chó bàn về tư duy khái niệm trong tuyên bố, hay khơi gợi tò mò bằng cách đặt câu hỏi “Tắc đường hay thất tình hay đâu mới là lý lẽ?”… Lựa chọn hài hước này đã khuyến khích người người thực hành tư duy phản biện kết nối các sự kiện nhỏ với vấn đề lớn bằng lý trí của chính bản thân, trước khi tiếp cận hệ thống các lý thuyết kinh viện.

Như ông bà khuyến cáo “nói phải củ cải cũng nghe”, tư duy phản biện phải được dựa trên luận cứ thuyết phục. Tác giả Lang Minh chia sẻ: “Tranh luận, rất nhanh thôi, sẽ biến thành tranh cãi khi ai cũng tuyên bố: Quan điểm của tôi là đúng (và ngầm ý rằng: các quan điểm không giống với quan điểm của tôi thì sai hoặc có vấn đề) mà thiếu đi những lý lẽ và bằng chứng được xác định một cách rành mạch nhằm bảo vệ quan điểm. Một tuyên bố được hỗ trợ tốt bởi lý lẽ và bằng chứng được gọi là một luận cứ. Chỉ có luận cứ mạnh hoặc yếu, không có luận cứ đúng hoặc sai. Đúng/sai là việc của các chuyên gia hoặc quan tòa, không nằm trong việc rèn luyện tư duy của cá nhân. Luận cứ mạnh hay yếu nằm ở sự cẩn trọng và chặt chẽ của người dựng lên luận cứ đó.

Cuốn sách "Phản biện như một chuyên gia" có nhiều giá trị tham khảo.

Tư duy phản biện không phải đặc quyền của những ai khoe mẽ kiến thức. Bởi lẽ, “một người có tư duy phản biện không phải người biết tất cả mọi thứ mà là người có thể tạm thời đánh giá thông tin mình nhận được có mức độ đáng tin cậy đến đâu dựa trên sự cẩn trọng và chặt chẽ ở trên và luôn sẵn sàng truy vấn thêm để có thể phản biện và hoàn thiện những “điểm đáng ngờ” trong luận cứ của người khác”.

Vì sao tư duy phản biện trở nên cần thiết cho con người hôm nay? Theo tác giả Lang Minh, định kiến xã hội luôn có sức đàn áp khủng khiếp. Tư duy phản biện giúp ta không vô tình trở thành một phần của sự đàn áp đó. Bạn thử nhìn lại những giá trị mà mình cho là tuyệt đối đúng, có số nào trong đó có nguy cơ trở thành định kiến mang tính đàn áp không?  Đây là câu hỏi phải dành cả một phần đời để trả lời, và nó có thể làm tổn thương tinh thần bạn. Nhưng đừng dừng việc suy nghĩ cẩn trọng bởi khi dừng lại, bạn có thể đang làm tổn thương một ai đó.

Sự phát triển bùng nổ của internet và chiếc điện thoại thông minh có mặt ở mọi buôn làng xa xôi hẻo lánh, khiến người Việt rất dễ bị cuốn theo các cuộc đôi co nảy lửa trên mạng xã hội hay “lạc lối” giữa những luồng ý kiến trái chiều về cùng một sự kiện, mà ý nào nghe cũng thấy có lý. Trước cơn lũ thông tin ấy, nỗi băn khoăn “Ai đúng? Ai sai?” không còn bức thiết bằng câu hỏi “Tôi suy nghĩ như thế nào? Tôi có thể phát biểu gì? Tôi tranh luận với người khác ra sao?”.

Tư duy phản biện chính là một phương pháp tư duy hiệu quả giúp mỗi cá nhân tìm thấy đáp án cho những câu hỏi nêu trên. Tư duy phản biện cho mỗi người cách suy nghĩ bằng sự sáng suốt của một cái đầu lạnh để khỏi tự biến mình thành một kẻ hành xử cảm tính, một “Chí Phèo thời hiện đại” hay nạn nhân dưới sự thao túng của người khác… Quan niệm chân thành “hay thì khen, hèn thì chê” của người Việt càng đắc dụng với tư duy phản biện hiện đại.

Dẫu tư duy phản biện có vài kỹ năng hiệu quả như “thay đổi góc tiếp cận (từ văn hóa sang pháp luật, từ khoa học sang đạo đức, từ nghệ thuật sang quản trị…) để làm mới vấn đề là chiến thuật cơ bản khi cần phản biện một điều gì đó đã quá hiển nhiên với công chúng”, thì muốn "phản biện như một chuyên gia" vẫn phải đòi hỏi thái độ “ăn ngay nói thật, mọi tật cũng lành”.

Tuy Hòa
Tin khác
Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình
Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình

Nhà thơ Nguyễn Duy thực hiện chuyến đọc thơ xuyên Việt chủ đề ‘Tìm thân nhân’ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với chương trình đầu tiên tại TP.HCM sáng 20/4.

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Sự kiện