‘Tình ca tiếng nước ta’ ngân nga những cung bậc tiếng Việt

Xuân Trường - Thứ Ba, 11/06/2024 , 16:09 (GMT+7)

‘Tình ca tiếng nước ta’ của tác giả Dương Thành Truyền góp thêm một góc nhìn về tiếng Việt đa dạng và phong phú trong tâm hồn và trong đời sống người Việt.

Tác giả Dương Thành Truyền.

“Tình ca tiếng nước ta” không nhầm phân tích câu từ, ngữ pháp mang đậm tính giáo khoa hoặc chủ yếu nghiên cứu phương ngữ, những áng văn thơ xưa và nay. “Tình ca tiếng nước ta” không quá chú trọng giá trị nghiên cứu học thuật, mà tìm kiếm những màu sắc đang khiến tiếng Việt lấp lánh.

Với cuốn sách “Tình ca tiếng nước ta” vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, tác giả Dương Thành Truyền chọn cách đắm mình vào thứ tiếng Việt tràn ngập sự sống ngoài vỉa hè, trên mạng xã hội, trên báo chí, trong quán nhậu, trong thể thao. Tác giả Dương Thành Truyền quan sát và ghi chép lại những phát hiện về cách dùng và “chơi” với tiếng Việt với tâm thế cởi mở, đặt ngôn ngữ trong sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống và giao lưu văn hóa đa chiều.

Tác giả Dương Thành Truyền từng dạy học, làm sách, viết báo nên ông có điều kiện tiếp xúc với tiếng Việt một cách thường xuyên và tận tụy. Ông thổ lộ: “Tôi may mắn có được một thứ cảm xúc, có thể đặt tên là "cảm xúc tiếng nước ta". Cứ khi nào bắt được, gặp được, chạm được một lối ăn nói, một kiểu chơi chữ, một phương thức diễn đạt độc đáo, bất ngờ, thú vị, ấn tượng… thì vui, thì mừng, có khi sảng khoái, có khi sung sướng và xúc động nữa, hệt như những khoảnh khắc mà người ta thường gọi là tình yêu. 

Vậy nên, khi xem, khi đọc, khi nghe từ sách báo đến phim ảnh, từ thông điệp truyền thông đến lời ăn tiếng nói thường ngày… tôi luôn thấy đó là cơ hội được thưởng thức vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt trong thực tế sử dụng và phát triển xưa nay. Cuốn sách này, chính là những câu chuyện kể lại từ hành trình ngắm nhìn thế giới chữ nghĩa đã và đang đi cùng tôi mọi lúc, mọi nơi.

Một hành trình có thể nói là bất tận. Và khi cùng chia sẻ những câu chuyện tiếng riêng tư, mọi người sẽ thấy tràn ngập trong lòng mình một tình yêu sâu đậm dành cho tiếng mẹ đẻ, tiếng nói của quê hương, tiếng nói của dân tộc, tiếng nói của lịch sử”.

Tác giả Dương Thành Truyền quan niệm rằng tiếng Việt có sự đóng góp của mỗi người, dù vô tình hay cố ý, bởi lẽ “từng người trong muôn người cùng góp vào giai điệu nghĩ suy và tiết tấu giao tiếp bằng nguồn chất liệu vừa xưa cũ và hồn nhiên, vừa tươi mới mà sáng tạo”. Những kênh giao tiếp khác nhau sẽ tác động tới cách dùng ngôn ngữ; con người, đặc biệt là người trẻ luôn luôn thích “chơi chữ” theo nhiều cách khác nhau, mà các bài nhạc rap hiện giờ là ví dụ rõ nét.

Với lối tiếp cận của tác giả Dương Thành Truyền, có thể thấy đó là một phần của quá trình phát triển ngôn ngữ, chứ không làm tiếng Việt mai một đi. Đơn giản, vì tiếng Việt là “giá trị văn hóa mà bao thế hệ, quan ngàn đời đã trao truyền bằng lời, bằng mực cho một kho báu có sức sống mãnh liệt vì hôm nay và mai sau”

Tác giả Dương Thành Truyền bàn về tiếng Việt từ tình yêu, nên ông đặt tên sách là “Tình ca tiếng nước ta”. Tình yêu đó đã cụ thể hóa thành hơn 400 trang sách, một độ dày “thách thức” nhịp sống nhanh hiện nay. Nhưng vì những ví dụ trong sách đưa ra quá phong phú, từ cổ chí kim, từ bình dân đến học thuật, nên lôi cuốn và thú vị.

Cuốn sách “Tình ca tiếng nước ta” chia làm hai phần chính, “Riêng một góc trời” và “Biên bản từ cuộc sống”. Mỗi phần mang một nét thú vị cho độc giả.

Phần “Riêng một góc trời”, dựa vào đặc điểm từ ngữ của tiếng Việt, tác giả Dương Thành Truyền giới thiệu và phân tích những kiểu chơi chữ mà chỉ có tiếng Việt mới có thể vận dụng được. Những màn “ảo thuật” với chữ đó khó lòng chuyển ngữ, và cũng rất khó hiểu với người nước ngoài, vì nó ngắn với đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa.

Tiếng Việt trước hết là một ngôn ngữ đơn lập, mỗi tiếng là một từ rời không biến đổi hình thái trong nói năng, quan hệ ngữ pháp giữa các tiếng được thể hiện qua trật tự của chúng. Đổi chỗ hai tiếng là tạo ra một từ mới, một câu mới. Tiếng Việt có thanh điệu. Mỗi tiếng là một khối có âm đầu, có vần, có thanh điệu.

Bên cạnh những tiếng nôm thuần túy Việt Nam, còn có những tiếng gốc Hán. Nhờ vậy “có thể nói và viết như thơ như nhạc như họa, vừa có nhịp vừa có vần vừa có hình ảnh; có thể làm nên một tác phẩm văn chương chỉ với ngắn gọn mấy chục âm tiết, mà nội dung thì hay đẹp mà câu từ lại độc lạ - câu đối, có thể biến hóa với lục bát  từ thơ trữ tình, thơ tự sự cho đến “thơ ứng dụng”, để ghi nhớ những nội dung cần ghi nhớ, để có thể dạy và học cổ văn, cổ ngữ, sinh ngữ”.

Cuốn sách "Tình ca tiếng nước ta" vừa được ra mắt bạn đọc.

Phần “Biên bản từ cuộc sống” là kho sưu tầm công phu những chơi chữ xuất hiện từ báo đến sách, từ phát thanh đến truyền hình, từ văn bản hành chính đến thông điệp quảng cáo, từ tiếng nói sân khấu đến ca từ trong ca khúc, từ phát biểu nghị trường đến bình luận thể thao, từ lời ăn tiếng nói hàng ngày đến những cuộc đấu khẩu bên bàn nhậu, sân tập, ván cờ…

Với tình yêu tiếng Việt sâu sắc, tác giả Dương Thành Truyền cho rằng “đâu đâu cũng cho ta cơ hội nhận ra vẻ đẹp, sự đặc sắc và sức mạnh diễn đạt của tiếng Việt, của văn hóa Việt”. Cùng với sự phát triển và sự lan tỏa chưa từng có của mạng xã hội, đã có nhiều thành ngữ mới, kiểu ăn nói mới xuất hiện, với hàng triệu người sử dụng từng ngày.

Nếu như phần “Riêng một góc trời” là nguồn tham khảo hữu ích lâu dài đối với người muốn tìm hiểu tiếng Việt qua văn bản xưa, thì phần “Biên bản từ cuộc sống” là một lát cắt tươi mới, sống động của ngôn ngữ thời nay, mà một phần trong số đó có khi chỉ vài năm sau sẽ hoàn toàn xa lạ với thế hệ trẻ, nhất là những cách chơi chữ “bắt trend” trên các mạng xã hội. Qua lát cắt đó, người đọc hình dung được rõ ràng tiếng Việt đang phát triển rất sống động qua nhiều hình thức. Và với những nhà nghiên cứu sau này, thì đây sẽ cung cấp nhiều ví dụ về cách chơi chữ một thời, trong bối cảnh xã hội cụ thể của Việt Nam.

Những từ tiếng Việt mượn tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hán... cũng được tác giả Dương Thành Truyền nhắc đến để gợi sự thân thuộc và thích thú ở độc giả, vì đã từng nghe ông bà cha mẹ nói trong nhiều trường hợp. Ví dụ, những từ ngữ thông dụng “cà ra quách”, “hớt đầu ca rê”, “mặc áo bành tô”, “uống rượu cổ nhác” hoặc những thành ngữ bình dân ở miền Nam như “tấn thối lưỡng nan”, “nhất cử lưỡng tiện”, “sanh bất phùng thời”…

Xuân Trường
Tin khác
Nhà văn Minh Chuyên: Kết nối ký ức vì những điều tốt đẹp
Nhà văn Minh Chuyên: Kết nối ký ức vì những điều tốt đẹp

Hơn 300 tác phẩm văn học, 200 bộ phim và nhiều công trình đề tài hậu chiến, giờ đây ở tuổi gần bát thập, nhà văn Minh Chuyên vẫn miệt mài kết nối ký ức.

Tôi viết 'Gọi người', 'Mắt biếc'
Tôi viết 'Gọi người', 'Mắt biếc'

Tôi viết gọi những đồng đội thân yêu về thăm lại Trường Sơn một thời bom đạn; tôi viết để tạ lỗi với đồng bào trên dải Trường Sơn của Tổ quốc tôi.

Cốt cách người Việt qua lối sống ăn mặc thong dong
Cốt cách người Việt qua lối sống ăn mặc thong dong

Cốt cách người Việt được tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng tìm hiểu và phác thảo những nét sinh động trong cuốn sách ‘Việt Nam ăn mặc thong dong’.

'Lệ Chi Viên' tái dựng cuộc đời anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi
'Lệ Chi Viên' tái dựng cuộc đời anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi

‘Lệ Chi Viên’ được tái dựng từ ‘Bí mật vườn Lệ Chi’ nổi tiếng hơn hai thập niên trước, cho thấy sân khấu về đề tài lịch sử vẫn có sức hấp dẫn công chúng.

Thanh kiếm và lưỡi cày
Thanh kiếm và lưỡi cày

Nếu mỗi người sẽ có đủ minh triết để vui vẻ hài lòng với những điều nhỏ nhặt mình làm thì thanh kiếm sẽ không cần tồn tại nữa. Khi điều đó chưa xảy ra thì thanh kiếm vẫn còn hiện diện bên lưỡi cày.

30/4 năm nay, các bạn đi đâu?
30/4 năm nay, các bạn đi đâu?

Tôi cảm thấy biết ơn với những người đã ngã xuống. Biết ơn với những người còn sống – tiếp tục sống một cuộc đời bình dị mà đẹp đẽ như ông tôi. Và đó là lý do 30/4 năm nay, tôi không đi đâu cả. Tôi chỉ muốn về với ông mệ.

Ba tôi nhận lệnh mở đường Trường Sơn
Ba tôi nhận lệnh mở đường Trường Sơn

Ba tôi, Thiếu tướng Võ Bẩm, là tư lệnh đầu tiên của lực lượng mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.  

Nhớ ơn thế hệ chân trần chí thép đánh bại công nghệ của siêu cường
Nhớ ơn thế hệ chân trần chí thép đánh bại công nghệ của siêu cường

Chúng tôi biết ơn thế hệ đi trước - những người đã bám trụ trong lòng đất chật hẹp để chiến đấu giành độc lập dân tộc cho thế hệ hôm nay được sống và học tập trong bầu trời hòa bình.

Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình
Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình

Nhà thơ Nguyễn Duy thực hiện chuyến đọc thơ xuyên Việt chủ đề ‘Tìm thân nhân’ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với chương trình đầu tiên tại TP.HCM sáng 20/4.

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.