Tiếng Việt giàu đẹp và cuộc hội ngộ người yêu tiếng Việt

Phạm Tuấn - Thứ Bảy, 21/09/2024 , 17:35 (GMT+7)

'Tiếng Việt giàu đẹp' là bộ sách được nhiều giới yêu thích, lần đầu tiên có cuộc giao lưu giữa tác giả và độc giả, vào sáng 21/9 tại Đường sách TP.HCM.

Cuộc giao lưu diễn ra sáng 21/9 tại Đường sách TP.HCM

“Tiếng Việt giàu đẹp” đã giới thiệu hàng chục đầu sách có giá trị giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhà xuất bản Trẻ không ngần ngại đầu tư nhân lực và tài lực để phát triển bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” suốt hai thập niên qua.

Vì vậy, cuộc giao lưu có tên gọi “Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp” tổ chức tại Đường sách TP.HCM sáng 21/9 đã thu hút khá đông đảo công chúng, bất chấp thời tiết luôn xuất hiện những cơn mưa khó đoán ở đô thị phương Nam. Năm tác giả tham gia buổi gặp gỡ gồm có Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Dân, Phó giáo sư tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lang, Phó giáo sư tiến sĩ Trịnh Sâm, nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà văn Dương Thành Truyền.

Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp từ khi xuất hiện, đã sự đóng góp của các tác giả là nhà nghiên cứu ngôn ngữ và những người có nghề nghiệp liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa và viết lách trong nước. Bộ sách góp phần lý giải nhiều điều thú vị về ngôn ngữ tiếng Việt phong phú ở các vùng miền trên Tổ quốc. Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” với thiết kế hiện đại, khổ sách gọn gàng, bìa mềm dễ cầm đọc, vừa mang tính tham khảo vừa mang tính công cụ cho những người yêu tiếng Việt.

Những tác phẩm tiêu biểu trong bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp".

Ấn phẩm đầu tiên có sức ảnh hưởng nhất trong bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” là cuốn “Cuộc sống ở trong ngôn ngữ” của giáo sư Hoàng Tuệ (1922-1999, thân phụ của nhà văn Bảo Ninh – tác giả tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”). Không chỉ gợi ý những cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng, giáo sư Hoàng Tuệ còn nêu lên những đóng góp của các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu… đối với nền ngôn ngữ học nước nhà, cũng như phong cách ngôn ngữ Hồ Chủ tịch trong quá trình phát triển tiếng nói dân tộc…

Với ngòi bút tài hoa, giáo sư Hoàng Tuệ diễn giải những vấn đề phức tạp một cách đơn giản, khiến cho những kiến thức chuyên môn không hề khô khan như bản chất của ngôn ngữ học.

Sau ba cuốn “Nỗi oan thì, là, mà”, “Từ câu sai đến câu hay” và “Muôn màu lập luận, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Dân bày tỏ nhiều tâm tư trong cuốn “Triết lý tiếng Việt”. Tập trung phân tích điểm nhìn, tầm quan trọng của tư duy trong đọc hiểu và ứng dụng ngôn ngữ vào đời sống, “Triết lý tiếng Việt” cũng giải thích những điều tưởng như là “nghịch lý” trong ca dao, tục ngữ một cách thuyết phục và hợp lý.

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Dân.

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Dân khẳng định, càng hiểu về tiếng Việt, chúng ta càng yêu quý và ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ của mình hơn. Vận dụng tốt tiếng Việt sẽ dễ dàng đạt hiệu quả cao trong giao tiếp và công việc.

Với cuốn “Đi tìm bản sắc tiếng Việt”, Phó giáo sư tiến sĩ Trịnh Sâm dày công nghiên cứu đặc trưng ngôn ngữ báo chí và khảo sát một số bình diện thuộc phong cách ngôn ngữ cá nhân. Đồng thời, ông cũng như miêu tả, giải thích một số vấn đề thực tiễn của tiếng Việt nói chung và tiếng Việt ở một số địa phương miền Nam nói riêng, nhất là ở Nam bộ.

Ở góc độ chuyên biệt hơn, Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lang có cuốn “Tiếng Việt phương Nam” khái quát về phương ngữ Nam bộ trong sự so sánh với các từ ngữ Bắc Bộ, Trung Bộ, và từ ngữ phổ quát toàn dân. Không chỉ nghiên cứu sự khác biệt các hiện tượng từ vựng, bà còn tập hợp ngữ liệu, giới thiệu những nhóm từ chính trong phương ngữ Nam bộ.

Thông qua việc phân tích các tác phẩm văn chương của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư… “Tiếng Việt phương Nam” làm rõ hơn những đặc điểm thú vị trong tiếng nói Nam bộ, lời văn Nam bộ, đảm bảo tính chính xác khoa học nhưng lại giàu hình ảnh và cảm xúc.

Mỗi tác giả chọn một cách khác nhau để thể hiện tình yêu tiếng Việt. Nếu nhà thơ Lê Minh Quốc hào hứng “Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm” và nhà văn Dương Thành Truyền tha thiết “Tình ca tiếng nước ta” thì nhà văn Trần Huiền Ân khảo sát tiếng Việt ở biểu hiện “Ăn, uống, nói, cười và khóc”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc trả lời phỏng vấn về "Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm".

Dù dùng phương pháp thể hiện nào, thì các tác phẩm trong bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” đều sử dụng những ví dụ gần gũi trong kho tàng tiếng Việt xưa và cả ngôn ngữ hiện đại ngày nay từ nhiều nguồn ca dao tục ngữ, báo chí, tác phẩm văn chương, lời bài hát, ngôn ngữ đời thường, và cả ngôn ngữ trên không gian mạng xã hội.

Vài năm gần đây, bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” được sự đón nhận rộng rãi của bạn đọc, đa số các tựa đều tái bản, trong đó có tựa đã in lần thứ 9. Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” vượt qua mục tiêu hỗ trợ dạy vào học trong nhà trường, mà thực sự hữu dụng với những người làm truyền thông, sáng tạo nội dung thời đại hiện nay.

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Dân ở tuổi 87 chống gậy đến buổi giao lưu sáng 21/9 tại Đường sách TP.HCM, đã thổ lộ: “Còn nhiều người yêu tiếng Việt thì vẻ đẹp tiếng Việt sẽ trường tồn cùng dân tộc Việt”.

Phạm Tuấn
Tin khác
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.