Tiếng làng Cóc

. - Thứ Tư, 20/07/2022 , 06:37 (GMT+7)

Lịch sử của làng Cóc cũng li kỳ lắm, nhưng lạ nhất là 'tiếng làng Cóc'. Họ nói to đến nỗi lúc nào cũng như đang ráng hết sức mà gọi nhau.

Bình dị sông Yên.

Sông Yên đã chia hai, bên này là Tĩnh Gia (Thanh Hóa), bên kia là Nông Cống. Nhưng lạ, suốt một vệt dài đất Tĩnh Gia lại lọt thỏm một khóm nhỏ, làng Cóc, ngôi làng của Nông Cống. Lịch sử của làng Cóc cũng li kỳ lắm, nhưng lạ nhất là “tiếng làng Cóc”. Họ nói to đến nỗi lúc nào cũng như đang ráng hết sức mà gọi nhau. Không biết từ bao giờ, quê tôi có câu thành ngữ “tiếng Làng Cóc” để chỉ cái sự nói to khác thường ấy.

Ngày xưa, bên kia sông là làng May, rồi không biết dâu bể thế nào, có “5 ông” đã bỏ làng, vượt sông về bên này, dựng nhà, lập ấp. Chuyện xảy ra đã hơn hơn trăm năm trước. Trải bao thăng trầm, đến nay làng vẫn nhỏ, chỉ có khoảng 50 gia đình với một con đường duy nhất chạy xuyên qua làng, để về hai đầu là hai ngôi làng đều của đất Tĩnh Gia.

Cái tên làng Cóc cũng đáng yêu. Từ khởi thủy, khi 5 ông lội qua sông sang lập ấp, họ lấy hòn đá nổi ngay đầu làng để làm mốc, phân chia với đất Tào Sơn. Hòn đá ấy có hình như một con cóc đang đứng, với cái đầu nhô cao, nhìn về làng cũ - làng May. Thế là tên Làng Cóc ra đời.

Nay hòn đá vẫn còn đó, phải 5 - 6 người sải tay mới ôm hết được. Nhưng đầu của con cóc thì không còn nữa, cách đây vài chục năm, trong cơn đói ròng rã, dân làng đẽo đá bán, đầu cóc bị đánh bay.

Đồn rằng con cóc ấy rất thiêng, đụng vào thì gia biến, người ta đục được cái đầu cóc thì không dám nữa. Xưa hòn đá cóc là địa giới, nhưng nay đã nằm lọt thỏm vào khu vườn của một hộ dân ở đầu làng, vì hộ ấy lấn dần ra. Người ta san đất làm vườn, bao nhiêu vật đổi sao dời nhưng con cóc cụt đầu thì vẫn còn đó, không ai dám phá đi.

Lại nói chuyện “tiếng làng Cóc”. Tôi lang thang vào làng, hỏi các cụ, rằng tại sao dân mình lại nói to đến vậy. Các cụ bảo “do nước”. Nước ở đây nặng, nên ăn nước đó thì nói to. Nhưng xung quanh chân núi này nào là Tào Sơn, Cổ Trinh, làng Kiếu, làng Áng… đâu có chỗ nào nói to như thế! Duy chỉ có làng Cóc. Người ta còn chế ra câu chuyện vui rằng, người làng Cóc kêu gà (gọi gà để cho ăn) mà gà làng Trúc chạy về. Làng trúc cách một con sông, một cánh đồng, vượt qua một con đê nữa thì mới tới! Kể thế để thấy dân làng Cóc nói to đến thế nào. Nếu ngồi đối diện, dù chỉ có hai người, dân làng Cóc cũng nói như thể đang cách nhau một con sông, thấy gân cổ nổi lên, to bằng ngón tay!

Tôi thì muốn hiểu rằng, khi ly hương, những người con đầu tiên của làng Cóc vẫn còn ngóng về làng cũ bên kia sông. Họ vẫn còn giao giao tiếp, vẫn còn trò chuyện, vẫn còn gọi nhau. Xưa chỉ có đò, con đò nhỏ chứ không phải cây cầu bê tông như bây giờ nên việc đi lại khó khăn. Làng cũ lại không cách xa, chỉ đúng một quãng sông ấy. Bên kia là làng May trên bãi bồi ven sông, bên này là làng Cóc dưới chân núi.

Tôi muốn nghĩ về lòng thương nhớ làng cũ, về tiếng gọi nhau mỗi sáng mỗi chiều. Người ta phải ráng sức mà nói cho thật to để người bên kia sông nghe thấy. Cứ thế thành quen… Nói to trở thành một thói quen, thành một “di sản” của tình yêu làng và sự thương nhớ khôn nguôi.

Làng May giờ không còn ở đó nữa, sau mấy đận lụt lớn, cách đây khoảng 50 năm người ta đã đưa cả làng vào trong đê định cư.

Tôi tìm gặp dân làng May cũ và trò chuyện cùng họ, lạ thay, họ không nói to như dân làng Cóc, dù vốn cùng một gốc sinh ra. Điều ấy lại càng có ý nghĩa đối với cái ý nghĩ có phần suy diễn nhưng lấp lánh thương nhớ của tôi.

Kể từ ngày 5 ông mang theo gia đình về dưới chân núi này, trải đến nay đã mười mấy thế hệ. Làng May cũng không còn nữa. Không còn ai ngày ngày ra bến sông để gọi về chốn cũ. Nhưng “tiếng làng Cóc” thì không mất. Tiếng nói như sấm rền ấy vẫn dội vào vách núi, vẫn lênh láng khắp mặt sông, khắp đồng bãi.

Cái sự sinh ra và bảo tồn một cách kỳ lạ ấy, dường như cũng chính là khởi nguyên của những đặc điểm, của những điệu hồn trên khắp xứ sở này. Dù vật đổi sao dời, nhưng những gì sinh ra từ đời sống, từ tình tình cảm con người thì bền hơn đá núi.

Thế hệ hôm nay của làng Cóc có bao nhiêu người còn biết cội nguồn của mình, có bao nhiêu người còn lòng thương nhớ quắt quay như cha ông thủa trước? Có lẽ không còn nữa. Nhưng cái tình yêu ấy, cái mong ngóng và khát thèm ấy thì vẫn vẹn nguyên trong giọng nói.

Ai sẽ bảo cho họ biết rằng đó là giọng của thương nhớ, giọng của ly hương trông ngóng? Kỳ lạ thay, dù biết dù không, con người vẫn sống bằng sự di truyền mãnh liệt của những thổn thức xa xưa mà cha ông họ từng mang...

Thái Hạo

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

.
Tin khác
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Viết về Bác như cuộc đời đã chọn
Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Nguyễn Hưng Hải là trường hợp đặc biệt trong số các nhà văn, nhà thơ dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài về Bác Hồ.

100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi
100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến 'Đất rừng phương Nam'. Thế nhưng, nhà văn của Nam Bộ ấy còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều những tác phẩm bất hủ khác.

Sự kiện

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Tri thức nông dân
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Khát vọng Điện Biên

Khát vọng Điện Biên

Tri thức nông dân