Tháng ba ngày tám

Đặng Quỳnh Lê - Thứ Sáu, 07/04/2023 , 06:29 (GMT+7)

Cái đói đã ám ảnh dân tộc chúng ta qua nhiều thế kỷ, nhưng may mắn thay, dân tộc này đã không gục ngã.

Lực lượng Việt Minh - Việt Nam Độc lập Đồng minh hỗ trợ người dân Việt Nam phá kho thóc nhằm cứu đói vào khoảng năm 1945, một trong những chính sách thành công bậc nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Chúng ta đang sống vào một thời đại mà người phương Tây định danh nó là “Late modern period” (thời kì hậu hiện đại), tức từ khoảng thế kỉ 19 tới ngày nay. Thời đại mà nhân loại nói chung đạt được nhiều thành tựu về khoa học, kĩ thuật, từ đó áp dụng vào sản xuất để tạo ra được nhiều của cải, vật chất hơn bất kì thời nào.

Đối với ngành nông nghiệp không phải là ngoại lệ, năm 1930 năng suất lúa của đồng bằng sông Hồng khoảng hơn 1 tấn/ha, sau khoảng gần 100 năm, năng suất gấp 5,6 lần, khoảng 5,6 tấn/ha (2020), cao nhất khu vực Đông Nam Á. Con số đó là một phần cho phép Việt Nam tự hào là quốc gia có thể đảm bảo tốt “an ninh lương thực” điều mà trong quá khứ cha ông chúng ta không dám mơ đến.

Tại sao tôi lại nói như vậy? Vào thời phong kiến việc sản xuất nhờ cậy hoàn toàn vào tự nhiên như câu ca dao:

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.

Cộng với các yếu tố khác như phương tiện sản xuất thô sơ, giống lúa, lối canh tác còn lạc hậu khiến cho sản lượng lúa thu được rất thấp. Đến nỗi nhiều học giả cho rằng một vị vua anh minh hay không là nhờ phần lớn vào các vụ mùa bội thu. Nếu mùa màng tốt, dân có lương thực dư dả thì vua đó là tốt, anh minh; còn nếu gặp thiên tai như lũ lụt, hạn hán khiến mùa màng thất bát thì đó là hôn quân.

Ví dụ những vị vua anh minh như Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông thì sử sách đều chép trùng với các thời kì khí hậu tốt lành, dân cày cấy được mùa. Việc mất mùa khiến cho dân đói đã đành mà còn là thời điểm cho các cuộc khởi nghĩa với danh nghĩa “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo” xuất hiện như nấm sau mưa, như các khảo sát lịch sử vào thời Nguyễn ở Bắc bộ.

Đến thời Pháp thuộc, người Pháp đã tìm cách để các nạn đói không lặp lại bằng cách xây hệ thống đường sắt nhằm có thể chở lương thực từ miền Nam ra Bắc mà theo viên toàn quyền P. Doumer nói rằng hệ thống đường sắt không mang lại lợi nhuận.

Nhưng các nỗ lực của người Pháp lúc đó, như xây dựng hệ thống vận tải, nâng cấp tuyến đường cái quan, đường thủy và xây mới hệ thống đường sắt hoặc trong nông nghiệp, họ tìm cách tăng năng suất sản xuất lương thực nhưng vẫn chưa thể mang lại cuộc sống no đủ cho người Việt.

Trong các tác phẩm của những nhà văn thời kì đầu thế kỉ 20, chúng ta thấy chủ đề của họ thường là “đói”. Ví dụ như Nam Cao, chúng ta thấy cái đói xuất hiện rất nhiều trong các câu chuyện như Lão Hạc, nhân vật đã bán cả con chó cưng để lấy cái ăn, cuối cùng khi hết cái ăn phải ăn bả chó cho chết đi để khỏi phải bán nương vườn nhằm để lại cho con trai.

Nạn đói Ất Dậu (khoảng tháng 10/1944 tới tháng 5/1945) là một trong những kí ức khủng khiếp nhất về đói với dân tộc Việt. Thời điểm ấy đã có các trận lụt vào tháng 9, đến các tháng tiếp theo lại vào mùa đông rét mướt, dịch tả lây lan, quân Nhật cấm vận chuyển lương thực ra Bắc, trước đó quân Nhật bắt nông dân nhổ lúa trồng đay vì vậy mùa màng mất trắng đã đành, mùa lạnh lại khiến tình hình càng trầm trọng hơn với người dân.

Theo các cụ bô lão kể lại, ở làng tôi là làng Bảo Hạ (nay là xã Thanh Liên, Thanh Chương, Nghệ An, nằm cách thành phố Vinh khoảng 50km về phía Tây Bắc) trong nạn đói Ất Dậu nhiều gia đình chết đói cả nhà, người dân phải ăn củ chuối, đu đủ; trời rét làm cho trâu chết, nhiều người dân ăn phải thịt trâu gây phù thũng.

Nhiều gia đình đông con, khi hết lương thực, để con cái không phải chết đói nên họ đem con ra chợ bỏ đấy, nên mới có câu là “đem con bỏ chợ”. Nhiều trẻ em thời đấy do bị “bỏ chợ” nên thất lạc gia đình, như nhiều trường hợp trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, đó cũng là tình cảnh chung của các vùng khác thời ấy.

Trong thành ngữ, tục ngữ, thứ có thể đã được đúc kết qua hàng nghìn năm, như thành ngữ “tháng ba ngày tám” hoặc thành ngữ “mùa giáp hạt” hầu như thế hệ cha anh chúng ta đều hiểu. Tháng ba ngày tám tức là khoảng thời gian vào tháng ba và tháng tám âm lịch hàng năm, thời điểm tháng ba lúc đó lúa chưa tới vụ thu hoạch (tháng năm), rau màu mùa lạnh đã tàn mà mùa hạ chưa tới, cây trái chỉ mới ú nụ, gạo trong nhà ăn đã hết; thời điểm tháng tám cũng tương tự, gạo ăn đã hết mà vụ thu hoạch tới tận tháng mười một.

Ý là thời điểm đói kém, cũng như người ta hay nói là “giáp hạt” để chỉ thời điểm này, giáp nghĩa là kề nhau, đụng nhau, gặp nhau, hiệp lại. Ví dụ như giáp ranh nghĩa là kề ranh nhau. Hạt hay là hột như trong từ hạt lúa. Vậy giáp hạt nghĩa là chỉ một giai đoạn mà sắp tới vụ thu hoạch, có hạt thóc, hạt lúa.

Dân gian cũng có câu tục ngữ khác là “Muốn ăn no thì chờ sang hạ”, bởi vì thời điểm sang mùa hạ (hè) không những là vụ thu hoạch lúa mà còn là giai đoạn các loại cây trái có thể ăn được.

Một nhà nhà thơ, nhà giáo ở quê tôi là Phan Bá Tiến (về hưu năm 2019) có thơ rằng:

Tháng Tám hay qua, tháng Ba hay lại

Câu ca xưa ám ảnh một đời

Mẹ cha sấp ngửa ngược xuôi

Đàn con mặt xanh tàu lá, trụi trọc vồng khoai

(Trích từ bài thơ "Mùa giáp hạt")

Theo lời tác giả, trong bài thơ nói “trụi trọc vồng khoai” bởi vì không có gạo nên người ta phải tìm mọi thứ ăn được, trong đó có rau lang (rau khoai), nhà nào cũng hái lá khoai cho trụi, trọc lóc đi. Một thế hệ đã đói đến như thế, mà mới đây chứ đâu.

Chúng ta thấy cái đói đã ám ảnh dân tộc chúng ta qua nhiều thế kỷ nhưng may mắn thay, dân tộc này đã không gục ngã. Chúng ta đã vượt lên, để rồi nay là quốc gia có dân số hơn 97 triệu người, còn hơn cả các nước được coi là đại quốc như Đức, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, đó là biến nguy thành cơ vậy, may mắn thay.

Thời nay, báo chí đã đưa tin nhiều về tình trạng không tiết kiệm thức ăn của giới trẻ hay lối sống xa hoa ở một số bộ phận. Thiết nghĩ, chúng ta nên dành một ngày để tưởng niệm về Nạn đói Ất Dậu 1944 - 1945 chăng? Một ngày để nhắc nhở cho mọi người dân và giáo dục cho thế hệ trẻ rằng cái đói đã luôn đeo bám cha ông ta trong quá khứ và hoàn toàn có thể lặp lại bất cứ lúc nào.

Đặng Quỳnh Lê
Tin khác
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Viết về Bác như cuộc đời đã chọn
Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Nguyễn Hưng Hải là trường hợp đặc biệt trong số các nhà văn, nhà thơ dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài về Bác Hồ.

100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi
100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến 'Đất rừng phương Nam'. Thế nhưng, nhà văn của Nam Bộ ấy còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều những tác phẩm bất hủ khác.

Sự kiện

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Tri thức nông dân
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Khát vọng Điện Biên

Khát vọng Điện Biên

Tri thức nông dân