Tản văn Tạ Duy Anh: Những cái sỏ lợn

Tạ Duy Anh - Thứ Tư, 09/11/2022 , 06:30 (GMT+7)

Khâu khó nhất luôn là khâu bổ đôi xương sọ, moi lấy óc. Nhưng tôi làm việc đó không thua kém gì mấy ông thịt lợn chuyên nghiệp.

Minh họa: Nguyễn Trọng Toàn.

Hình ảnh thường thấy nhất hồi đó, khi tôi còn bé, là những bữa cơm độn ngô hoặc khoai lang khô, ăn với rau luộc chấm nước muối, trong khi cửa hàng mậu dịch, vốn bày hàng mẫu là chính, chỉ dành cho một số người. Mọi thứ béo bổ đều phân phối qua hình thức tem phiếu. Nông dân không thuộc đối tượng ưu tiên. Nông dân chỉ có quyền nhìn và… nuốt nước bọt! Vì thế, muốn cải thiện chút vị giác, chỉ còn cách… tưởng tượng.

Bài liên quan

Nhìn cảnh chúng tôi đói khát, thèm nhạt, mẹ tôi, một người hiền lành nhất trần gian, luôn bị bố chê là dại, bỗng trở nên tháo vát lạ thường. Bà tìm cách lân la bắt chuyện, rồi làm quen, rồi thành thân thiết với những người bán hàng mậu dịch luôn cực kỳ kiêu ngạo và khó tính. Chả hiểu sao, những người này sau đó đều coi mẹ tôi như chỗ chị em, đáo để mấy cũng trở nên hiền và ngoan.

Hồi đó, có người thân quen bán hàng mậu dịch, là cả một sự hãnh diện lớn. Nhưng quan trọng nhất là thỉnh thoảng mẹ từ đâu đó về, kéo áo dốc từ trong người ra lần thì gói mỳ chính, lần thì nửa tút thuốc, lần đôi pin, hộp sữa, cân đường trắng. Còn nếu lần nào đó được hẳn một chiếc lốp xe đạp thì phải tìm cách vận chuyển khác công phu hơn. Mỗi lần như vậy, lập tức chị gái và tôi hoặc đứa em nào đó, phải bỏ ra cả buổi chiều, đem những thứ mẹ mua được bằng giá nhà nước, xuống chợ Rồng, cách nhà mấy cây số, bán lại cho một quán nước duy nhất dám mua hàng cấm, lấy chút tiền chênh lệch.

Món tiền chênh lệch đó đôi khi bằng cả một gia tài nhỏ hồi bấy giờ. Vì thế, nó đáng cho chúng tôi phải nhọc thân, thậm chí đối mặt với nguy hiểm.

Chị gái thứ hai và tôi thường được bố mẹ tín nhiệm giao cho việc quan trọng đó, bởi theo các cụ, chúng tôi tinh khôn và bản lĩnh hơn những đứa khác.

Chị em tôi thường chọn hôm trời có mưa, để lấy cớ mặc áo ni-lông trùm ra ngoài, che đi những thứ mang bán, tránh được mọi sự soi mói còn hơn cả cú vọ của hàng xóm và người đi đường. Đến nơi, chị đứng cách chợ khoảng 300m, để tôi tay không vào thám thính. Hôm nào may mắn thì khi chúng tôi đến, quán nước không có khách, hoặc chỉ có khách là các bà già, trẻ con. Sợ nhất là mấy ông lính phục viên, hoặc dân ngồi lê đôi mách. Các đối tượng này có thể sẽ trực tiếp tra hỏi nguồn gốc hàng của chúng tôi, như một thứ quyền công dân.

Vốn đã “ăn hàng” quen, nhìn thấy tôi, bà chủ quán sẽ nháy mắt ra hiệu, hỏi xem hôm nay có thứ gì. Tôi lượn qua nói nhỏ, hỏi giá, nghe bà trả giá, thường là mang tính bắt chẹt vì bà biết kiểu gì chúng tôi cũng phải bán. Sau khi cò kè thỏa thuận xong, tôi ra chỗ chị gái vẫn đứng chôn chân dưới mưa, nhiều khi cả tiếng, thông báo với chị. Sau đó tôi tiếp tục cảnh giác quan sát trên đường mang hàng vào và đưa rất nhanh cho bà chủ quán để nhận tiền. Nhiều phen, đúng lúc định giao hàng thì lại thấy khách đến, ngồi kín quán nước. Thế là đành phải chờ tiếp hàng tiếng nữa, có lần tối mịt mới trót lọt.

Nhưng mà khi cầm tiền trong tay, những đồng tiền nhàu nát, bao nhiêu nỗi mệt nhọc, rét mướt tan biến hết. Hai chị em đầy tự hào đem nguyên vẹn số tiền về đưa cho bố. Bố nhẩm tính rất nhanh để xem mình lời ra bao nhiêu. Hôm nào được giá, ông gật gù khen hai chị em. Hôm nào bị bắt chẹt, ông vừa cầm tiền vừa chửi mụ hàng nước hoặc tiếc rẻ cho những đứa con khờ dại.

Cũng nhờ sự tháo vát của mẹ mà chị em chúng tôi không quá thiếu đạm động vật như những đứa trẻ khác. Thích nhất là hôm nào đó mẹ mua “giá mậu dịch” được hẳn một cái sỏ lợn to vật. Hôm đó nhà tôi như có tết! Tôi yếu nhất nhà nhưng lại luôn được giao nhiệm vụ xử lý cái sỏ lợn đó và thường là mất đứt một buổi chiều. Đầu tiên phải thui trên rơm, để làm sạch những mảng lông chưa cạo hết. Sau đó lọc hai miếng thịt má quý giá để rán thành mỡ nước, đóng chai ăn dần. Tai, mũi, phần da sát xương… sẽ được thái nhỏ, chỉ bằng cỡ hạt mít, rang mặn với muối, cất đi ăn dè. Lưỡi, mắt cùng một phần thịt vụn sẽ được luộc lên để cả nhà ăn tươi một bữa. Khâu khó nhất luôn là khâu bổ đôi xương sọ, moi lấy óc. Nhưng tôi làm việc đó không thua kém gì mấy ông thịt lợn chuyên nghiệp.

Toàn bộ phần xương sỏ sau khi bổ lấy óc sẽ được ninh nhừ để gỡ nốt số thịt, được gọi là “lòng đào” còn dính lại ở các hốc xương, hàm trên hàm dưới.

Đó luôn là những thứ ngon bổ nhất trần đời với bọn trẻ và cả những người lớn đói đạm. Những hôm như vậy, anh em chúng tôi mặt mũi môi miệng đều nhờn mỡ. Thể nào bố cũng làm nửa cút rượu trắng được đám thợ nấu ngầm nhỏ vào tí thuốc sâu cho nhanh say! Mẹ sẽ ké vài hớp rượu để bố vui là chính. Bà không giấu được nỗi hạnh phúc nhìn lũ con ăn như tằm ăn rỗi. Hứng lên bố lại đem chuyện khổ cực thời xưa, chuyện cải cách ruộng đất, chuyện ăn trộm cơm nguội nhà chánh tổng về nuôi hai đứa em nhưng cuối cùng hai chú tôi vẫn chết đói, kể với chúng tôi. Giọng của bố có cả niềm tự hào không giấu giếm, khi sau bao nhiêu cơ cực, cuối cùng cũng có được một cuộc sống “chả đến nỗi nào”.

Đó là câu chuyện mà ông kể không biết chán, không biết mệt, kể trăm lần, ngàn lần vẫn chỉ đúng một nội dung ấy, đúng một cảm xúc ấy. Có lẽ chỉ khác là với mỗi lần thì hình ảnh tương lai mà ông mơ trước cho chúng tôi lại thêm rực rỡ! Nó luôn đặc biệt ấn tượng khi ông vừa kể vừa cầm hẳn cả cái xương hàm lợn dính đầy thịt, đưa lên miệng gặm.

Tính ra suốt thời gian mới lớn, tôi bổ không dưới một trăm cái sỏ lợn.

Tạ Duy Anh
Tin khác
Tôi viết 'Gọi người', 'Mắt biếc'
Tôi viết 'Gọi người', 'Mắt biếc'

Tôi viết gọi những đồng đội thân yêu về thăm lại Trường Sơn một thời bom đạn; tôi viết để tạ lỗi với đồng bào trên dải Trường Sơn của Tổ quốc tôi.

Cốt cách người Việt qua lối sống ăn mặc thong dong
Cốt cách người Việt qua lối sống ăn mặc thong dong

Cốt cách người Việt được tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng tìm hiểu và phác thảo những nét sinh động trong cuốn sách ‘Việt Nam ăn mặc thong dong’.

'Lệ Chi Viên' tái dựng cuộc đời anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi
'Lệ Chi Viên' tái dựng cuộc đời anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi

‘Lệ Chi Viên’ được tái dựng từ ‘Bí mật vườn Lệ Chi’ nổi tiếng hơn hai thập niên trước, cho thấy sân khấu về đề tài lịch sử vẫn có sức hấp dẫn công chúng.

Thanh kiếm và lưỡi cày
Thanh kiếm và lưỡi cày

Nếu mỗi người sẽ có đủ minh triết để vui vẻ hài lòng với những điều nhỏ nhặt mình làm thì thanh kiếm sẽ không cần tồn tại nữa. Khi điều đó chưa xảy ra thì thanh kiếm vẫn còn hiện diện bên lưỡi cày.

30/4 năm nay, các bạn đi đâu?
30/4 năm nay, các bạn đi đâu?

Tôi cảm thấy biết ơn với những người đã ngã xuống. Biết ơn với những người còn sống – tiếp tục sống một cuộc đời bình dị mà đẹp đẽ như ông tôi. Và đó là lý do 30/4 năm nay, tôi không đi đâu cả. Tôi chỉ muốn về với ông mệ.

Ba tôi nhận lệnh mở đường Trường Sơn
Ba tôi nhận lệnh mở đường Trường Sơn

Ba tôi, Thiếu tướng Võ Bẩm, là tư lệnh đầu tiên của lực lượng mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.  

Nhớ ơn thế hệ chân trần chí thép đánh bại công nghệ của siêu cường
Nhớ ơn thế hệ chân trần chí thép đánh bại công nghệ của siêu cường

Chúng tôi biết ơn thế hệ đi trước - những người đã bám trụ trong lòng đất chật hẹp để chiến đấu giành độc lập dân tộc cho thế hệ hôm nay được sống và học tập trong bầu trời hòa bình.

Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình
Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình

Nhà thơ Nguyễn Duy thực hiện chuyến đọc thơ xuyên Việt chủ đề ‘Tìm thân nhân’ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với chương trình đầu tiên tại TP.HCM sáng 20/4.

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.