Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Tuy Hòa - Thứ Tư, 05/03/2025 , 15:44 (GMT+7)

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Phi công Hồ Duy Hùng.

Phi công Hồ Duy Hùng sinh năm 1947 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Cẩm Sơn, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Phi công Hồ Duy Hùng là một điệp viên được giao nhiệm vụ thâm nhập vào lực lượng Không quân Việt Nam Cộng hòa để thu thập tài liệu phục vụ cách mạng.

Ở tuổi 78, ông ra mắt cuốn sách “Gãy cánh điệp viên”, được Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức tọa đàm sáng 5/3. Sau ngày đất nước thống nhất, phi công Hồ Duy Hùng đeo lon đại úy quân đội nhân dân Việt Nam, từng lái máy bay trợ chiến tiêu diệt Fulro ở Tây Nguyên, đánh trả Pol Pot ở biên giới Tây Nam và đẩy lui xâm lược ở biên giới phía Bắc.

Tuy nhiên, những chuyến bay ra Trường Sa để lại cho phi công Hồ Duy Hùng nhiều ấn tượng sâu đậm: “Đầu năm 1976, theo lệnh của cấp trên, chúng tôi phải chuẩn bị một máy bay để cùng với Hải quân ra Trường Sa công tác. Lúc đó, đơn vị chỉ có loại trực thăng UH-1 mới có thể đậu được trên tàu. Vì thực sự loại máy bay UH-1 không thể bay đến Trường Sa được vì đây là loại máy bay nhỏ, dùng để chiến đấu ở đất liền và yểm trợ cho bộ binh mà thôi. Gần 3 ngày, tàu hải quân mới ra đến đảo Trường Sa. Ra đến nơi, tàu đậu cách đảo chừng vài cây số, chúng tôi dùng trực thăng chở đoàn vào đảo.

Mỗi lần như vậy phải chở gần chục chuyến mới hết. Lúc chúng tôi hạ máy bay trên tàu Hải quân đang đậu ở Tân Cảng thì quá dễ dàng. Tuy nhiên ra đến Trường Sa thì vô cùng khó khăn. Sóng rất lớn, tàu cứ nghiêng ngả chòng chành nên chúng tôi rất căng thẳng phải canh thời điểm từng li từng tí một mới hạ cánh xuống tàu được, nếu không sẽ bị hất xuống biển ngay lập tức”.

“Gãy cánh điệp viên” là một cuốn tự truyện của một nhân vật có hành trình sống xứng đáng để kể lại, và được truyền tụng. Chỉ riêng câu chuyện phi công Hồ Duy Hùng đánh cắp máy bay UH-1 của Không quân Việt Nam Cộng hòa đang đậu bên bờ hồ Xuân Hương, Đà Lạt để bay về hạ cánh an toàn ở Bến Cát, Bình Dương vào ngày 7/11/1973 đã là một huyền thoại. Báo chí Sài Gòn và các cơ quan thông tấn quốc tế lúc bấy giờ đã gọi là “vụ án tản thất quân dụng”, và có thể xem như chất liệu vàng ròng đầy đủ yếu tố ly kỳ và gay cấn để làm được một tác phẩm điện ảnh hấp dẫn. 

Được kể bằng giọng điệu chân thành và khiêm nhường, “Gãy cánh điệp viên” góp phần cho công chúng hôm nay hiểu thêm về miền Nam Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.  Phẩm chất nhân văn của “Gãy cánh điệp viên” thể hiện ở hai góc độ, thứ nhất là sự xót thương những số phận thường dân chịu đựng tội ác chiến tranh, thứ hai là nghĩa đồng bào máu đỏ da vàng giữa cuộc giằng co bom đạn vô tình.

Ký ức tuổi ấu thơ của tác giả ở quê nhà Quảng Nam vẫn ám ảnh hình ảnh ông Cừ làm nghề mổ heo có tài phóng dao. Ông Cừ học phóng dao để “giết bọn Pháp trả thù cho vợ con mà chưa được thì Pháp đã đi hết”. Khi chứng kiến lính Mỹ hãm hiếp bé gái 13 tuổi cùng làng, ông Cừ đã phóng dao trừng trị con quỷ dữ, rồi chấp nhận bị mất mạng.

Ký ức tuổi thanh xuân của tác giả sau khi được đưa sang Mỹ đào tạo phi công theo tiêu chuẩn “ở trên sự hoàn hảo” và “ở trên cái tốt nhất” để biên chế vào Không quân Việt Nam Cộng hòa, là những cảnh tượng ê chề. Ông không dám bày tỏ sự cảm thông với cô trinh sát người Chăm Chế Ngọc Bích bị trói giữa sân nắng Phan Rang, Ninh Thuận. Và ông cũng không giấu được sự não nề lúc nhìn thấy người mẹ ôm cái xác đã thối rữa của con trai mình là lính Việt Nam Cộng hòa chết trận ở sân bay dã chiến Củng Sơn, Phú Yên.

Tự truyện "Gãy cánh điệp viên".

Bên cạnh giá trị của những chi tiết, “Gãy cánh điệp viên” còn lôi cuốn người đọc ở cách viết rất thật. Ngoài mối tình giữa tác giả với Đàm Bích Thủy ở Phước Long đầu năm 1975, có thể tách ra thành một truyện ngắn độc lập, “Gãy cánh điệp viên” không cường điệu, không tô vẽ, không thần thánh hóa bất kỳ cá nhân nào.

Tác giả không chỉ thuật lại lời người anh hàng xóm tên Kỳ làm du kích vẫn sống sót sau nhiều năm: “Giỏi chi, nhờ tao nhát gan. Mấy đứa có gan cứ bám sát tụi Mỹ, trước sau gì cũng chết. Còn tao, cũng bám mà xa xa. Căng quá thì tao chui hầm bí mật”, mà còn phơi bày sự sợ hãi của chính mình trước cái chết. Lần thứ nhất là cơ hội có thể ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở cự ly gần tại phi trường. Lần thứ hai là ý định tự sát cùng chiếc máy bay khi bị áp giải từ Nha Trang về Sài Gòn.

Tự truyện “Gãy cánh điệp viên” chia sẻ, cẩm nang của điệp viên có bốn chữ viết tắt, hai chữ L và hai chữ T. Hai chữ L, “lý” và “lì”, thì nhiều người áp dụng. Hai chữ T là “tẩu” và “tử”, thì chữ “tử” khó hơn. Tác giả bày tỏ: “Sau hòa bình không nhiều người còn nhớ các chữ này, nhất là chữ T cuối. Có nhớ thì nhớ chữ T theo nghĩa Tiền, Tình, rồi Tù”.

“Gãy cánh điệp viên” phác thảo chân dung một người Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh để xây dựng hòa bình. “Gãy cánh điệp viên” chắc chắn được độc giả nhiều thế hệ nghiền ngẫm. Vì vậy, cuốn sách có những khiếm khuyết nho nhỏ đang tồn tại trong cuốn sách, cần được chỉnh sửa khi tái bản.

Về tính thuyết phục của văn bản. Với một điệp viên được cài cắm trong lòng địch, thì bị bắt phải ghi rõ ràng ngày tháng năm, không thể đại khái “Tôi bị địch bắt ở Nha Trang khi đang là phi công thuộc Phi đoàn 215, Không đoàn 62 Sư đoàn 2, Không quân Việt Nam Cộng hòa”. Bởi lẽ, khi một điệp viên bị bắt là khoảnh khắc định mệnh của một cuộc đời, khoảnh khắc định mệnh của một đường dây, khoảnh khắc định mệnh của một tổ chức.

Về tính xác thực của tài liệu. Những chứng từ quan trọng như “Giấy giải ngũ” hay “Quyết định sa thải” không thể sao chụp để in vào sách mang tính minh họa. Một số nội dung cần chuyển tải mạch lạc, vì độ lùi thời gian và kiểu chữ đánh máy đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, hoàn toàn không dễ đọc. Chẳng hạn, phụ chú về quyết định sa thải của Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa đối với thiếu úy Hồ Duy Hùng vào năm 1971, với hai lý do “Có nhiều thân nhân hoạt động cho Cộng sản” và “Có tư tưởng thiên Cộng, ca ngợi chiến tích của Cộng sản, hô hào ý chí đấu tranh chống ngoại xâm theo đường hướng Cộng sản”.

Tuy Hòa
Tin khác
Quả sấu tròn
Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'
Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.