Ông tôi sắm thọ đường

. - Thứ Sáu, 30/12/2022 , 06:10 (GMT+7)

Ông cháu tôi ngồi trên hiên nhà, gió mỗi lúc một nhiều, những bụi mía xào xạc nhắc những triền lau trắng muốt. Bụi mẫu đơn vẫn im lặng nở bên bờ sân...

Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng.

Sáng mùa đông, trời lạnh căm. Hai cha con thức dậy sớm để đến trường, ngồi sau xe, thằng bé nói bạt trong tiếng gió, “Hôm nay rét hơn đó ba”… “Ừ, rét quá. Trong lớp, con không được cởi áo ấm ra đâu nhé”.

Đứng một lát, nhìn con đi vào lớp, tôi quay ra ghé thăm ông nội tôi. Ông ở một mình trong căn nhà nhỏ, ông nói “một mình cho tự do”. Thấy cháu, ông cười hà hà, “Rét, đi mô mà sớm rứa”. Ông bảo pha trà đi, nước sôi ông mới nấu đây. Mùa đông, những sợi khói không trôi, cứ đứng lững lờ mãi giữa hai ông cháu. Ngoài bờ sân, mấy cây mẫu đơn đang nở hoa đỏ rực.

- Vô đây, ông cho mi coi cái ni.

Vừa nói ông vừa chống tay xuống gối đứng lên, lập cập đi lại trước cửa phòng ngủ. “Đây này, ông mới mua đấy, đẹp không?”. “Cái gì vậy ông?”. “Thọ đường đấy”. “Thọ đường là cái gì?”. “Áo quan, quan tài chứ lây”. Lúc này tôi mới nhìn thấy một chiếc thùng gỗ dài sẫm màu, đặt dọc phía trong sát với giường ngủ. Một cảm giác rùng mình chạy dọc sống lưng. Rồi ông tôi giải thích, quan tài mà mua khi còn sống thì gọi là thọ đường, chưa dùng đến thì đựng lúa cũng được!

- Mà ông mua cái này làm gì?

- Ông cứ sắm trước, khi chết nằm vào đó là xong, không phải phiền đứa mô cả.

Hai ông cháu quay ra bàn ngồi. Tôi hỏi ông, “Ông mua cái quan tài để ngay bên giường ngủ như vậy, ông không sợ sao”.

- Không, sợ chi, có sống thì phải có chết chứ. Ông chỉ cần chết mau, đừng đau ốm chi cả là được. Mà phải tư tưởng rứa mới khỏe được, chứ sợ chết thì cứ sinh ra lắm bệnh. Ông năm ni 92 tuổi, cả làng chả còn được mấy người, các ông bà ấy đi hết rồi. Ông Châu ít hơn ông cả 5, 7 tuổi mà chừ lẫn, không biết ai lại ai nữa. Ông cứ chuẩn bị trước, khi mô chết thì nhẹ nhàng mà đi cho khỏe. Cho ông tí nước sôi vô đây, trời ni trà nhanh nguội quá, uống mất ngon…

Hàng mía bên kia bờ rào khẽ xào xạc. Bỗng nhớ câu ngày xưa bà hay đọc “trời heo mía leo lên ngọn”. Trời trở lạnh thì mía sẽ ngọt dần lên ngọn, bao nhiêu tinh túy của trời đất dồn cả vào ngọn mía để kịp nuôi những mầm mới khi xuân sang.

Ông bảo, “may mà trước mua được chỗ đất đẹp. Giờ bà nằm trên đó, khô ráo, sạch sẽ; khi ông chết đi, lên đó với bà mi nữa là yên”. Cách đây hơn 10 năm ông đã mua một mảnh đất nhỏ, xây quách để sẵn. Bà đã mất 6 năm rồi, bà ở đó. Ngày ấy ông bà kêu con cháu xây sẵn hai cái quách, tôi cứ thấy khó chịu trong lòng, không hiểu sao người đang sống mà cứ lo chuyện chết như thế để làm gì kia chứ! Đôi khi tôi lại nghĩ, hay là ông tôi buồn điều chi, chứ cứ chuẩn bị cho cái chết mãi thì sao mà vui vẻ sống được.

Nhưng tôi nhầm. Càng lớn mới càng thấy cái vững vàng của những con người thuở trước. Hình như trong những người đã trải qua đói rét nhọc nhằn của một thời gọi là lạc hậu ấy lại có cái gì như minh triết, như lớn lao mà lớp hậu thế không hiểu được.

Nay, tôi thấy người ta chết trong bất an sợ hãi, chết trong những dây ống lòng thòng. Tôi kể cho ông tôi nghe chuyện một nhà thơ, người mà mới tối hôm trước tôi còn thấy ông đăng status kêu đang bị ốm nặng lâu ngày, nay muốn được chích vacxin mũi 3, thế mà sáng hôm sau thức dậy đã nghe tin ông ấy ra đi. Ông tôi trầm ngâm bảo, vậy là vẫn còn tỉnh táo mà dùng điện thoại được cơ đấy, nhưng tinh thần thì chưa thanh thản…

Ông cháu tôi ngồi trên hiên nhà, gió mỗi lúc một nhiều, những bụi mía xào xạc nhắc những triền lau trắng muốt. Bụi mẫu đơn vẫn im lặng nở bên bờ sân, mỗi lúc một rực lên như lửa cháy. Ngoài ngõ, một người đi bán chiếu và nệm ấm đang cất tiếng rao trong gió. Ông tôi gọi lớn, “Có chiếu 1 không?”, “Có cụ ơi, cụ lấy mấy chiếc?”, “Một chiếc thôi”.

Ông khen chiếu dày, còn may mép đẹp nữa. Ông cầm manh chiếu, mân mê, “Chiếu ni mùa hè nằm mát đây”. Rồi ông mang vô trải thử lên giường, cạnh chiếc thượng đường, “Ừ, vừa gớm”, rồi lại khệ nệ mang ra, vắt lên cánh cổng phơi gió.

Tấm chiếu khẽ lung lay trong gió lạnh, màu cói xanh lơ, cái màu của một biền bãi vô tận còn vương lại trong những sợi cói khô mềm hòa với mùi cói mới thơm thơm như mùi cơm nếp mới. Ông tôi bảo, trông vậy chứ bền hơn chiếu nhựa đấy, nằm lại không bị đau lưng. “Ông nằm khi nào hư 5 chiếc chiếu nữa rồi đi đâu hãy đi nha ông”. Hai ông cháu cười vang trong gió buốt, một vạt nắng cũng vừa ló lên trên những cành xoan trụi lá mùa đông…

Trưa rồi, quay ra đón con tan học. Thằng bé con nhảy chân sáo, đưa tay vẫy ba.

- Áo khoác con đâu?

- Chết, con bỏ quên trong lớp. Ba đợi con…

Hai cha con trở về nhà trên con đường buổi sáng âm u giờ đã đầy nắng vàng như mật ủ trong sương mù, làm cả không gian hừng lên. Trời sắp Tết, người đi như lạc vào một bờ bến khác. Vừa quen, vừa lạ…

Thái Hạo

.
Tin khác
Quả sấu tròn
Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'
Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.