Nửa giờ cùng bác sĩ Alexandre Yersin

Lí Học - Thứ Hai, 23/09/2024 , 17:17 (GMT+7)

Alexandre Yersin là vị bác sĩ người Pháp đã gắn bó trọn đời với mảnh đất Nha Trang, có nhiều đóng góp nền tảng, quan trọng về y học, nông nghiệp.

Alexandre Yersin (22/9/1863 - 1/3/1943) là bác sĩ, nhà vi khuẩn học người Pháp gốc Thụy Sĩ. Ông dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho khoa học và gắn bó trọn đời với mảnh đất Nha Trang, có nhiều đóng góp nền tảng, quan trọng về y học, nông nghiệp. Ở Việt Nam, bác sĩ Yersin đã được truy tặng là Công dân Danh dự. Tên của ông cũng được đặt cho nhiều con phố ở các tỉnh, thành và có những trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng mang tên ông.

Năm 1936, Ngọc Thọ - phóng viên của tờ Tân Văn tuần báo (do Đào Trinh Nhất phụ trách) đã đến thăm nhà bác sĩ Yersin và có một cuộc phỏng vấn “Nửa giờ”. Để cung cấp thêm những tư liệu về cuộc đời bác sĩ Yersin, báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu nguyên văn bài phỏng vấn này.

Với xác pháo đỏi loi, ánh sáng mặt trời đem lại một ngày tưng bừng, rực rỡ của đầu năm…

Mồng một Tết…

Thành phố Nha Trang đã rộn rịp những người tươi tắn trong những y phục sang trọng và mới mẻ đang “xuất hành” để tìm sự may mắn về “lộc”, về “phước”, về “tài”.

Như họ, chúng tôi cũng muốn “xuất hành”.

Nhưng xuất hành về phương nào?

Đang còn do dự thì một ý nghĩ nảy ra trong trí chúng tôi. Đó là ý nghĩ: “Đi xông đất nhà bác sĩ Yersin” một nhà khoa học trăm phần trăm có lẻ không bao giờ biết tới ngày Tết như chúng tôi…

Vì thế, sáng hôm ấy, giẫm trên xác phá đỏ loi, chúng tôi cầm máy chụp hình hăm hở đi về phía xóm Cồn, chỗ ở của bác sĩ Yersin.

Sự xuất hành đó không lợi được những cái may mắn về “lộc”, về “phước”, về “tài “ như của thiên hạ. Sự xuất hành đó chỉ lợi được một cái may mắn nhỏ nhen thôi.

Cái may mắn ấy tức là bài phỏng vấn đem hiến các bạn độc giả dưới này.

Alexandre Yersin (1863 - 1943) là bác sĩ, nhà vi khuẩn học người Pháp gốc Thụy Sĩ.

Bên cạnh những gian nhà tranh lúp xúp và rải rác trên mé sông của bọn người sanh nhai về nghề chài lưới, một tòa nhà đồ sộ nhưng cũ kĩ đứng vượt lên như bao quát lấy tất cả một vùng ở xóm Cồn.

Tòa nhà ấy vừa là văn phòng, vừa là thư viện, vừa là chỗ ở, vừa là đài thiên văn của bác sĩ Yersin.

Cánh cửa bằng song sắt bị xô nhẹ xoay kẽo kẹt nửa vòng rồi dựa sát vào thành, để cho chúng tôi bước vào sân. Đây là một cái vườn nhỏ mà cỏ hoang mọc nhiều hơn cây cối… Khỏi khoảng vườn ấy tới một bực tam cấp đưa ta lên hiên nhà bác sĩ…

Một người bồi - có lẽ là đầy tớ độc nhất của bác sĩ đang ngồi ngắm xuân ngoài hiên đứng dậy đón chúng tôi. Anh ta không khỏi làm lạ rằng có người đến xông đất quá sớm của nhà chủ mình như thế.

- Mấy thầy có việc gì?

Ở Nha Trang người ta thường gọi bác sĩ Yersin là ông Năm, vì khi trước ông có làm quan Năm thầy thuốc trong cơ binh.

- Chúng tôi đến thăm ông đốc tơ Yersin. Ông có ở nhà không?

- À, mấy thầy hỏi ông Năm. Được, mời mấy thầy cứ vô. Ông ở trong phòng giấy.

Theo lời dặn của anh bồi, chúng tôi vòng sang tay trái, đi về phía sau, rồi bước thẳng vào phòng giấy.

Ở đó, trước một cái bàn vuông, ngồi quay mặt ra ngoài, bác sĩ Yersin đang chăm chú đọc sách.

Tóc và râu trắng xóa trên một cái đầu sói và trên một khuôn mặt thon gầy, giữa hai con mắt sâu, sáng quắc và tinh anh, đường sống mũi thẳng và cao chạy dài xuống miệng…

Bộ áo quần ka ki khoác trên mình bác sĩ đã phai màu, một vài chỗ mạng và khâu lại hơi. Trên rờ-ve áo, một sợi dây đồng hồ. Dưới chân bác sĩ mang một cặp giầy vải trắng đơ và lấm bụi hình như lâu ngày chưa được đánh qua lược phấn.

Chúng tôi có cảm giác đứng trước một vị tộc trưởng (patriarche) của một họ bên Pháp, mà ở đây bác sĩ cũng có thể gọi là một tộc trưởng trong làng khoa học ở Đông Dương.

Chúng tôi cúi chào. Nhà thông thái đứng dậy đáp lễ rồi niềm nở mời với một nụ cười phảng phất sau một chòm râu bạc.

Sau khi nghe chúng tôi bày tỏ mục đích, bác sĩ tỏ lời cảm ơn rồi lanh lẹ đưa chúng tôi đi dạo xem khắp mọi nơi. Mấy con sáo trong lồng treo ở ngoài hiên nhảy nhót xôn cao và kêu huyên náo, vì thấy khách lạ…

Đám tang bác sĩ Yersin.

Chúng tôi vào một gian phòng thấp và thiếu ánh sáng. Ở đó, đủ các thứ máy móc, khí cụ về khoa học để dùng trong công việc thí nghiệm.

Trên cái bàn gỗ, một chiếc viễn kính thiên văn nằm nghiêng…

- Cái viễn kính này, bác sĩ nói, vì hư hỏng ở trong nên tôi đem xuống sửa lại… Bây giờ, mời các ông sang thư viện.

Theo bác sĩ, chúng tôi bước qua thư viện. Một gian phòng thấp chạy dài đầy những sách vở chồng chất trên những chiếc bàn và sắp hàng thứ tự trên các bậc tủ. Tinh là những sách khoa học, nhiều nhất là những sách nói về các bệnh thiên thời và sự nghiên cứu các giống vi trùng… Vài cuốn tiểu thuyết tâm lí hay là ái tình….

- Thưa bác sĩ cũng đọc tiểu thuyết?

- Để giải trí trong chốc lát nhưng mà hiếm lắm…

- Nghĩa là bác sĩ không ưa những sách đó?

- Không phải thế. Vì tôi ít thì giờ…

- Vậy thì ngoài khoa học ra, chắc bác sĩ không để tâm đến các vấn đề khác…

Ông Yersin mỉm cười:

- Những vấn đề gì? Thí dụ?

Bác sĩ lắc đầu sau một dịp cười nhỏ:

- Không, không!...

Rồi tiếp:

- Ngoài khoa học, tôi chỉ nghĩ đến… canh ki na thôi..

Tới đây nhà thông thái đứng lặng mơ màng hồi tưởng lại những công trình thuở trước của mình trên đồng bằng Lang Biên. Chỗ này bác sĩ đã khai khẩn để trồng canh ki na, thứ cây có vỏ dùng làm thuốc châm chích để phòng trị các bịnh dịch tả. Thành phố Đà Lạt ngày nay trở nên đẹp đẽ, thì công đầu khai khẩn đất đai chính là công của bác sĩ.

Tôi tưởng là một dịp tốt để xen vào một lời khen.

- Lấy tên bác sĩ để đặt cho trường Trung học Đà Lạt, Chính phủ đã làm một việc xứng đáng để tỏ lòng biết ơn người có công…

Nhà thông thái khiêm tốn:

- Chính phủ tử tế với tôi hơi quá. Thiệt ra tôi vẫn tự thẹn, là chưa làm nên những công trạng gì để hưởng những đặc ân đó.

Cánh cửa bên phòng sách mở ra một lối đi khác. Bác sĩ và chúng tôi lần bước theo lối đi quanh co ấy cho tới khi dừng lại ngước đầu nhìn lên thì thấy mình đứng trong một cái nồi máy sơn trắng có những tấm gương lấp loáng che các lỗ vuông và tròn, và có những dây đồng chăng sát dọc ngang.

- Nồi máy này, bác sĩ giảng, khi trước tôi để trên đài thiên văn ở thượng tầng… Song vì nặng quá, không tiện cho công việc thí nghiệm, nên tôi phải cho dời xuống đây.

- Đã từ bao lâu?

- Chỉ mới được một tháng. Hiện giờ vẫn chưa có thể dùng được, còn phải sắp đặt lại cho kĩ lưỡng. Thấy chiếc “Maniven” (tay quay) ở sau lưng mình, bàn tôi tò mò nắm lấy toan quay nhưng không nổi. Bác sĩ vội vàng bước lại, xắn tay áo quay mạnh, tức thì trên đầu chúng tôi, cái nồi máy chuyển động ầm ầm và chạy vòng tròn rất nhanh khiến chúng tôi hoa mắt. Ngạc nhiên, chúng tôi ngắm nghía và khen thầm ông cụ già quắc thước đang ở trước mắt chúng tôi.

Có ai ngờ rằng, đã trên bảy mươi mốt tuổi rồi, ông này lại có sức mạnh lạ lùng đến thế.

Người ta đã kể cho chúng tôi nghe rằng, bác sĩ sống một cách hết sức đơn giản. Bác sĩ chỉ bận những áo quần kaki cũ. Bác sĩ chỉ uống toàn nước lạnh, và ưa ăn những rau cải. Bác sĩ khi nào cũng đi xe đạp và đội một cái nón cũ. Bác sĩ rất thương người nghèo và hay chơi giỡn với trẻ con.

Mọi điều chúng tôi thấy hôm đó chứng rằng những lời trên là đúng. Nhà thông thái trước mặt chúng tôi thiệt là một bậc dị nhân, và hơn thế gần là một vị thánh sống nữa.

Qua gian phòng ngủ và chỗ ở của bác sĩ, tới đài thiên văn cao ngất và rộng mênh mông… Đứng trên ấy nhìn thấy tất cả thành phố Nha Trang và một vùng biển cả vô biên, vô tận…

Sợ làm mất thì giờ vàng ngọc của bác sĩ, chúng tôi đồng xin cáo từ. Bác sĩ vui vẻ tiễn chúng tôi ra tới cửa và có lời cầu chúc cho báo Tân Văn của chúng tôi được phát đạt lên mãi mãi…

Chúng tôi ra về với một cái cảm giác kính phục một nhà thông thái chỉ biết sự giúp ích cho nhân loại là trọng, luôn luôn coi mình là nhỏ kém hơn mọi người.

Ngọc Thọ

Theo Tân văn tuần báo, số 76, ngày 15/2/1936

Lí Học (Sưu tầm và giới thiệu)
Tin khác
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.