Nhà văn Minh Chuyên (Nguyễn Minh Chuyên) là người hiền lành, ít nói. Gặp ông nhận ra một nhân cách khiêm cung. Gần ông dễ nhận thấy một tính cách mô phạm, cẩn trọng từng lời nói.
Gần đây, khi gặp lại, ông tặng tôi tập truyện ký “Trở lại kiếp người”. Tên tác phẩm đã cho tôi không ít sự chú ý, tò mò.
Thực ra, chúng tôi cùng sinh hoạt chung trong “ngôi nhà” Hội Nhà văn Việt Nam nên thi thoảng gặp nhau. Tôi luôn kính nể ông không chỉ vì ông là nhà văn nổi tiếng, đặc biệt thành công ở mảng đề tài hậu chiến mà còn vì trái tim nhân hậu và ngòi bút ngay thẳng, nhân văn của ông luôn đeo đuổi vì những điều tốt đẹp cho xã hội, cho con người, đặc biệt là những người bước ra từ chiến tranh, trở về sau cuộc chiến.

Nhà văn Minh Chuyên những năm chiến đấu, công tác ở chiến trường Đông Nam Bộ. Ảnh: NVCC.
Gần đây nhất, xuất hiện trong chương trình truyền hình “Cất cánh” tháng 4/2025 của VTV, Minh Chuyên cho biết, ông nhập ngũ năm 1967, vốn là lính của Đại đội 2, Tiểu đoàn 526, Trung đoàn 7, Sư đoàn 350, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long. 10 năm ở chiến trường, ông đã tranh thủ viết gần 100 tác phẩm bút ký, truyện ngắn...
Đất nước thống nhất năm 1975, nhưng hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc còn “đeo bám” nền hòa bình của ta. Các cuộc chiến tranh xâm lược dài dặc để lại “hậu chiến” nhiều vấn đề nhức nhối. Minh Chuyên, với trái tim giàu trắc ẩn đã bền bỉ, thủy chung với đề tài hậu chiến. Và như đã nói, ông rất thành công ở mảng này.
Ngày 25/5, tại “Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên” sẽ diễn ra sự kiện “4 trong 1”: Nhà văn Minh Chuyên đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, Bằng Kỷ lục châu Á về văn học nghệ thuật, mừng tác phẩm “Cha con người lính” đoạt Giải Cúp Vàng Quốc tế tại Triều Tiên, mừng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật...
Ngày 9/10/2024, nhà văn Minh Chuyên vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những đóng góp cho xã hội và trong lĩnh vực văn chương. Các tác phẩm của ông làm sống lại ký ức, tôn vinh những người đã ngã xuống, soi vào những vấn đề nhức nhối sau chiến tranh trên “cơ thể xã hội” chứ không chỉ riêng, cụ thể từng phận người.
Nhiều tác phẩm của ông những năm sau Đổi mới đã làm xôn xao dư luận như: “Thủ tục để làm người sống”; “Người không cô đơn”, “Nước mắt làng”, “Vào chùa gặp lại”, “Đứa con màu da thú”, “Cha con người lính”... hiện diện trong cuốn sách “Trở lại kiếp người”.
Tôi không làm việc giới thiệu tác phẩm này, nhưng cũng thưa rằng, là “dân gốc” giao thông, từng biên soạn lịch sử ngành nên quan tâm đến số phận của những cựu thanh niên xung phong (TNXP) sau khi từ tuyến lửa trở về mà ông đề cập trong sách.
Minh Chuyên chia sẻ: Những năm tháng ấy, ngoài bộ đội chính quy, Thái Bình quê ông là một trong những địa phương có số lượng lớn thanh niên tham gia TNXP chống Mỹ. Trở về đời thường, sau lũy tre xanh, nhiều nữ TNXP không lấy được chồng do “quá lứa lỡ thì”, sống côi cút với thương tật.
“Vào chùa gặp lại” là tác phẩm văn học phi hư cấu. Trong truyện, người đọc gặp lại Sư thầy Đàm Thân (vốn là cựu nữ y tá, tên thật là Lương Thị Thân). Thân là cô gái xinh đẹp vùng quê lúa Thái Bình, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, có mặt trên những cung đường chiến lược Trường Sơn huyền thoại. Do bị nhiễm chất độc da cam nên trở về quê hương sau chiến tranh, vì không muốn để lại gánh nặng và nỗi đau cho gia đình cũng như xã hội, chị vào chùa tu hành, làm việc thiện, trở thành Sư thầy, pháp danh Đàm Thân.
Nhà văn Minh Chuyên từng qua nhiều ngôi chùa tìm nhân vật. Gặp được chị Thân ở chùa Đông Am, xã Quảng Bình, huyện Kiến Xương, ông thốt lên: “Tôi thật không ngờ, Thân vừa tu hành, vừa nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ tàn tật, con của những người đồng đội bị nhiễm chất độc da cam, bố mẹ đều đã chết”.
Đọc “Vào chùa gặp lại”, người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không chỉ Lương Thị Thân mà Nguyễn Hồng Quân (người yêu của Thân) cũng đi tu bởi anh cũng bị nhiễm chất độc dioxin trong những ngày chiến đấu ở núi Bà Đen (Tây Ninh). Gặp lại nhau, những tưởng họ tìm được hạnh phúc đã mất nhưng cả 2 người đều từ chối. Bởi cũng như Thân, Quân bị nhiễm chất độc da cam nhưng anh âm thầm giấu và từ chối đến với Thân vì không muốn trở thành gánh nặng cho người anh yêu.
Trở lại với bối cảnh cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đặc biệt trong vòng 10 năm (từ 1961 đến 1971), quân đội Mỹ đã sử dụng một lượng lớn vũ khí hóa học rải xuống miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam nước ta. Trong số đó, 65% là chất độc da cam - dioxin, làm nhiễm độc hàng triệu hécta đất, mặt nước, làm tổn thương nghiêm trọng sức khỏe người dân Việt Nam. Việc phun rải chất độc da cam cũng gây tổn thương nặng nề cho chính một số binh lính Mỹ và binh lính các nước tham chiến.
Trong lần đến Hoa Kỳ, thăm ba gia đình cựu binh người Mỹ tại Boston và Washington, nhà văn Minh Chuyên đã tiếp xúc với một cựu binh đang ngồi trên chiếc xe lăn, hai bên là hai đứa con bị di chứng. Hai gia đình kế tiếp nhà văn Minh Chuyên ghé thăm cũng là nạn nhân. Họ đều đã trải qua chiến trường Tây Nguyên, ăn, uống nước từ các dòng suối trong khu vực bị "tẩm" chất hóa học kia.
“Tôi đã gặp một cựu Đô đốc Mỹ, người đã chỉ huy việc rải thảm chất độc hóa học ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Con trai ông ấy là một Trung úy tham chiến ở Việt Nam và bị nhiễm chất độc rất nặng, để lại di chứng sang đời cháu. Ông bảo, sai lầm lớn nhất của ông là ra lệnh giải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam”, nhà văn Minh Chuyên kể lại.
Trong hành trình tìm kiếm, sáng tạo, Minh Chuyên cho biết, ông đã gặp và phải vượt qua rất nhiều lực cản, trong đó có cả những quy kết, hiểu nhầm. Tuy nhiên, ông là nhà văn, ông không ngại sự dấn thân, ông đồng thời là người lính luôn vững tin ở lẽ phải và những điều tốt đẹp của cuộc sống. Hàng chục năm trời đấu tranh để Trần Quyết Định từ một "liệt sĩ" trong truyện ký “Thủ tục để làm người sống”, trở thành một thương binh là minh chứng cho sự dấn thân và đức tin đúng đắn của ông.

Nhắc đến đề tài hậu chiến, không thể không kể đến bộ sách 50 cuốn "Nỗi đau sau chiến tranh" của nhà văn Minh Chuyên. Ảnh: Ngô Đức Hành.
Không chỉ đã có hơn 300 tác phẩm viết về chiến tranh thời hậu chiến, Minh Chuyên còn là một nhà văn không mệt mỏi vì những cống hiến cho cộng đồng.
Minh Chuyên là người sáng lập ra "Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên”, với sự giúp đỡ của chính quyền tỉnh Thái Bình, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 1500m2 đất. Nơi đó có Đền thờ liệt sĩ, xung quanh mô phỏng Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”...; riêng "Con tàu không số" phù điêu đắp nổi. Ở khu trung tâm, Bảo tàng giới thiệu khoảng 20.000 trang tài liệu, 600 tác phẩm văn học (của ông và nhiều tác giả khác) và các tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng cũng như nỗi đau hậu chiến...
Từ ngày đi vào hoạt động, mỗi năm có hàng nghìn cựu chiến binh, cựu TNXP phương xa, bạn bè văn chương báo chí đến thăm Bảo tàng, đặc biệt là các cháu học sinh, sinh viên tham gia các chương trình tìm hiểu cội nguồn, lịch sử, các cuộc chiến tranh vệ quốc...
Minh Chuyên cũng là một tác giả kịch bản và Đạo diễn phim truyền hình để lại nhiều dấu ấn. Sự nghiệp điện ảnh của ông giàu có với 18 Huy chương Vàng, Bạc trong nước và quốc tế. "Những linh hồn da cam", (5 tập); "Chuyện ông cố vấn" (5 tập); "Những đứa con không được làm người" (3 tập); "Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía" (25 tập); "Bức thông điệp lịch sử" (52 tập)… là những tác phẩm đã được công chiếu rộng rãi trên sóng truyền hình.
Ngày 25/5 tới đây, tại “Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên” ở Thái Bình sẽ diễn ra sự kiện “4 trong 1”: Ông đón nhận danh hiệu Anh hùng, Bằng Kỷ lục châu Á về văn học nghệ thuật, mừng tác phẩm “Cha con người lính” đoạt Giải Cúp Vàng Quốc tế tại Triều Tiên, mừng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật...
Là người nổi tiếng, từng “ẵm” hàng chục giải thưởng văn chương, điện ảnh trong nước và quốc tế, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2017) nhưng mọi cảm xúc Minh Chuyên luôn lặn vào trong. Ông còn cất giấu nhiều suy tư, dự định phải làm, tiếp tục kết nối ký ức vì những điều tốt đẹp, dẫu ông đã gần bát thập.
Tính đến nay, nhà văn Minh Chuyên đã có một “gia tài” hơn 300 tác phẩm, gồm nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, truyện ký… và hơn 200 bộ phim tài liệu về đề tài hậu chiến. Nhắc đến đề tài này, không thể không kể đến bộ sách 50 cuốn "Nỗi đau sau chiến tranh" của ông.