Việc coi trọng lời chào, thái độ ứng xử giữa con người với nhau còn hơn cả mâm cao cỗ đầy, đã trở thành lề thói quê tôi.
Tất nhiên, đó là câu tục ngữ, trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam. “Lời chào cao hơn mâm cỗ” là lời răn dạy tiền nhân để lại, không chỉ thể hiện phép lịch sự, mà còn thể hiện được sự mến khách, thân thiện của con người Việt Nam. Việc coi trọng lời chào, thái độ ứng xử giữa con người với nhau còn hơn cả mâm cao cỗ đầy.
Ở các vùng quê khác thì không biết “dư địa” lời chào như thế nào, nhưng ở quê tôi, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, “lời chào” được đặc biệt coi trọng. Không chỉ chào hỏi bố mẹ, ông bà trong nhà mà điều tôi muốn nói ở đây là ra ngõ, ra đường làng.
“Ôông/ bà đi mô sớm rứa”, “Ôông/ bà lâu ni khỏe không”... khi bước ra khỏi ngõ nhà mình ra đến đường làng là những lời chào hỏi như thế cứ râm ran. Trẻ con ra đường gặp người lớn phải chào trước, gặp phụ nữ phải chào trước... Chuyện chào hỏi thành căn cứ để phân biệt gia phong. Nhà ai có nề nếp, con nhà ai ngoan hay chưa ngoan cũng căn cứ vào đó. Làm bố, mẹ phấn khởi khi biết con mình gặp ai cũng biết chào, hỏi lễ phép... Là nếp xưa, hay gọi là “luật bất thành văn”, chào hỏi trở thành lề thói quê tôi.
Lại nói chuyện “lề”. “Đất có lề, quê có thói” cũng là một câu tục ngữ. Ai cũng hiểu rằng “lề” từ “lệ” mà ra, là quy định, lề lối, quy tắc, thông lệ; “thói” là cách thức, tục lệ, tập quán, phong tục… “Nhập gia tùy tục”, cũng là một câu tục ngữ, khi đến địa phương nào ta phải hiểu biết, tôn trọng lề, thói nơi ấy để có phép ứng xử phù hợp. Tạo ra lề, thói ấy chính là quần thể cư dân nơi ấy.
Vẫn biết, trên dải đất non sông gấm vóc hàng ngàn năm văn hiến đã tạo dựng nên bản sắc văn hóa Việt thống nhất từ Nam chí Bắc, tuy nhiên, trong tương đồng vẫn có dị biệt. Làng quê nơi tôi sinh ra, lớn lên có khác. Chào hỏi nhau khi ra đường, gặp gỡ nhau ở các hoàn cảnh khác (như lễ hội, ma chay hiếu hỉ) trở thành một thành tố của “Đất có lề, quê có thói”.
Quê tôi nằm ven quốc lộ 1A, có dòng sông Nghèn - một nhánh của sông Lam chạy ra biển thuộc địa phận huyện Lộc Hà. Trong lịch sử thì đó là một đoạn của kênh Nhà Lê, kéo dài từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến tận đèo Ngang (Hà Tĩnh) thời dựng nước và giữ nước của ông cha. Nói thêm thế để biết thị trấn Nghèn là cùng đất của tiếp cận và giao thoa về các mặt, trong đó có văn hóa. Tuy nhiên, khi tôi nhận biết được thế giới xung quanh cho đến bây giờ, đã quá nửa đời người, tôi vẫn thấy người dân quê tôi giữ mãi “lề thói” ấy. Nó không còn là ngôn ngữ của giao tiếp nữa mà trở thành ngôn ngữ của thân thiện.
Rồi quê lên phố. Xã Trảo Nha thuộc tổng Đoài, huyện Thạch Hà, phủ Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh trong lịch sử thành xã Đại Lộc; tới năm 1984 thì thành thị trấn. Như vậy quê lên phố đã gần 40 năm. Tuy nhiên, sự thay đổi khác biệt chỉ diễn ra chừng hơn 10 năm nay, khi kinh tế thời thị trường phát triển. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện nhà nên dĩ nhiên, đất đai ngày càng lên giá, ngày càng hiếm. Điều đáng nói ở đây là, dân cư có gốc gác nơi khác hội tụ về đây ngày càng đông. Không chỉ ở các khu phố mặt đường, khu đô thị mới mà ngay trong các làng xưa, nơi có “bóng tre trùm mát rượi” (Thép Mới), dân cư ngày càng giao thoa. “Người lạ” trong làng ngày càng nhiều. Trong bài thơ “Quê đã lên đô thị” trước đây tôi có viết: “Quê đã lên đô thị / Hào nhoáng đến bất ngờ / Đông vui người kẻ chợ / Về quê thành bơ vơ”.
Thưa, “người lạ” đến thành cư dân trong làng, tất yếu mang theo “lề, thói” cố thổ. Tiếng chào, hỏi chỉ còn ở những người nguyên gốc. Mà cũng chả trách được, vì “người lạ” đến, mình biết họ, con cháu họ và ngược lại, là ai? Không thân thiện, khó chào.
Cũng tục ngữ Việt Nam, xưa có câu “Ra ngõ hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Quê xưa, không chỉ hỏi già mà bất cứ ai đến làng, hỏi nhà ai đó từ đầu làng, trẻ con đều biết. Đám trẻ xăm xắn dẫn đường cho khách đến tận cổng nhà cần tìm. Bây giờ thật khó để tìm. Rất nhiều gia đình, do cuộc sống cần thay đổi, vườn xưa đã được cắt thành nhiều mảnh, bán cho người nơi này, nơi khác có nhu cầu làm nhà, lập nghiệp trên quê tôi.
Nhà thơ Lê Đình Cánh, lúc còn sống là người bạn vong viên của tôi có bài thơ “Mẹ ra Hà Nội”, tôi rất thích và thuộc lòng. “...Bà ra bế cháu của bà / Những mong cùng ước lòng bà hôm mai / Lên thang chẳng dám bước dài / Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”. Thưa, ở làng tôi, ra ngõ gặp các cụ ông, cụ bà, nếu mình không để ý, các cụ ông, cụ bà sẽ chào hỏi trước. Đấy là sự khiếm nhã. Tôi đã từng chậm chào, để người lớn chào hỏi mình trước mà ân hận, áy náy đến giờ. Thưa, “con cái mau mồm, mau mép”, chào hỏi lễ phép là hạnh phúc của cha, mẹ.
Đã lâu, tôi thành cư dân của thành phố rộng lớn. Người trong cùng nhà tập thể, ngõ phố cũng trở thành xa lạ. Mỗi lần về quê, trong nhiều thứ tìm lại, tôi luôn tìm lại “lời chào”. Hạnh phúc khi được chào hỏi và nhận lại lời chào hỏi.
Sự “biến mất” của câu chào, thăm hỏi... về mặt nào đó cũng là sự biến mất của những thành tố góp phần tạo nên văn hóa, sự kết nối giữa con người. Nhiều, rất nhiều hệ lụy xã hội đã đến từ dửng dung, không biết, không thấy.
Ngô Đức Hành
Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.
Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.
Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!
Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.
Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.
Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...
Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.
Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.
Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!
Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.
‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.
Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến 'Đất rừng phương Nam'. Thế nhưng, nhà văn của Nam Bộ ấy còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều những tác phẩm bất hủ khác.