Khơi rãnh, tỉa cành cứu dâu tằm bị ngập úng

Thanh Tiến - Thứ Sáu, 27/09/2024 , 09:30 (GMT+7)

Yên Bái Nhờ khả năng chịu ngập úng tốt nên diện tích dâu tằm có thể phục hồi được của huyện Trấn Yên khoảng 90%. Khoảng 10% diện tích không có khả năng phục hồi (gần 100ha).

Huyện Trấn Yên đang chạy đua với thời gian để cứu những cánh đồng dâu tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong trận “đại hồng thủy” vừa qua, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có trên 700ha dâu bị thiệt hại, chiếm gần 70% diện tích tích dâu toàn huyện, tập trung chủ yếu tại các xã ven sông Hồng như Việt Thành, Y Can, Quy Mông, Đào Thịnh, Báo Đáp, Minh Quân…

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này, ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên đã huy động tối đa nhân lực phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị đầu bờ chuyển giao các giải pháp kỹ thuật cho người dân để khôi phục sản xuất dâu tằm, giảm thiểu thiệt hại.

Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên chia sẻ, ngay sau khi nước rút, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã kiểm tra, đánh gia mức độ thiệt hại cụ thể với từng loại cây trồng. Nhìn chung các diện tích lúa và cây màu phần lớn mất trắng do ngập lâu trong nước.

Ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên tổ chức nhiều buổi tập huấn đầu bờ để hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc dâu tằm sau ngập úng. Ảnh: Thanh Tiến.

Đối với các diện tích dâu, việc khôi phục sản xuất khả quan hơn bởi đây là cây trồng có rễ cọc, sức sống dẻo dai, chịu ngập úng tốt hơn. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp xác định tập trung tối đa nhân lực và các biện pháp kỹ thuật để khắc phục.

“Chúng tôi quyết tâm cứu cây dâu càng nhanh, càng nhiều diện tích càng tốt nhằm giảm thiệt hại cho người dân và ổn định sản lượng kén tằm để cung cấp cho nhà máy xe tơ tại địa phương”, bà Liệu nói.

Huyện Trấn Yên đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương triển khai tập huấn đầu bờ cho cán bộ khuyến nông và bà con trồng dâu nuôi tằm, mục tiêu là mỗi người được tập huấn sẽ là một tuyên truyền viên tiếp tục triển khai cho các hộ, các địa phương khác trong thời gian nhanh nhất.

Người dân xã Việt Thành đào rãnh thoát nước cho ruộng dâu bị ngập úng. Ảnh: Thanh Tiến.

Những ngày qua, cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên đã xuống địa bàn đồng hành với chính quyền các xã để hướng dẫn cho người dân kỹ thuật cứu cây dâu tằm như khơi thông dòng chảy, không để ngập úng lâu ngày, tuốt lá, tỉa cành, chặt ngọn để cây dâu nảy mầm mới...

Gia đình bà Triệu Thị Tâm ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành có 8 sào dâu, đợt mưa lũ vừa qua tất cả diện tích đều bị ngập trong nước, trong đó có 4 sào ở ruộng cao nên chỉ ngập chìm trong 2 ngày, còn lại 4 sào bị bùn đất bồi lấp sâu và cây dâu bị ngập nước gần 1 tuần. Nhìn ruộng dâu xơ xác, héo úa bám đầy bùn đất, bà Tâm tưởng như không thể cứu vãn được nữa. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật khơi rãnh thoát nước cho ruộng dâu, tuốt lá, cắt ngọn, cả gia đình đã tập trung thực hiện ngay với hi vọng không phải trồng lại.

Bà Tâm bộc bạch, nhìn ruộng dâu đang xanh mướt bị nước lũ tàn phá mà xót ruột, thu nhập của cả gia đình đều trông vào cây dâu, con tằm. Nếu dâu chết, phải trồng lại thì 2 năm sau mới có thể nuôi tằm ổn định. Qua buổi tập huấn đầu bờ, bà thấy yên tâm hơn và tin tưởng sẽ khắc phục được các diện tích dâu bị thiệt hại, hi vọng 2 tháng nữa có thể bắt đầu nuôi tằm trở lại, không nuôi được nhiều nhưng cũng có tiền sắm Tết, sang vụ xuân năm sau có thể nuôi tằm trở lại bình thường.

TS Nguyễn Thị Min – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dâu sau ngập lụt cho cán bộ khuyến nông. Ảnh: Thanh Tiến.

Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê (xã Việt Thành) hiện có 56 thành viên trồng trên 30ha dâu. Mưa lũ, ngập úng đã làm thiệt hại toàn bộ diện tích dâu của các hộ thành viên trong HTX. Nhìn cánh đồng xám xịt, những nhà tằm tiêu điều trống rỗng, ai cũng ngao ngán.

Sau khi được cán bộ khuyến nông xuống đồng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dâu, HTX đã huy động các thành viên tập trung nhân lực khẩn trương khắc phục diện tích có thể cứu vãn được để sớm tái nuôi tằm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám dốc HTX Dâu tằm Hạnh Lê cho biết, gác lại mọi công việc, HTX tích cực đào rãnh khơi thông diện tích dâu còn bị ngập. Đối với ruộng dâu lá đã úa sẽ chặt cành, tuốt lá để dâu ra mầm mới. Mấy ngày nay, tại địa phương vào ban đêm thi thoảng có mưa to nên lá dâu được rửa sạch bớt bùn đất ở những diện tích trên cao, giúp cây dâu quang hợp, sinh trưởng phục hồi. Những diện tích không thể khắc phục được, HTX sẽ cải tạo đất và trồng thay thế trong vụ thu này.

Ngay sau đợt mưa lũ, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã tổ chức đoàn công tác đến kiểm tra, đánh gia hiện trạng và hỗ trợ huyện Trấn Yên các giải pháp khắc phục thiệt hại trên cánh đồng dâu.

Nếu áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật, khoảng 600ha dâu bị thiệt hại sẽ có thể phục hồi. Ảnh: Thanh Tiến.

TS Nguyễn Thị Min – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương cho biết, Trung tâm đã phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện đánh giá thực trạng diện tích dâu sau khi nước rút. Dâu tằm là cây có khả năng chịu úng tốt, qua khảo sát đánh giá thực trạng, diện tích dâu có thể phục hồi được khoảng 90% nhưng toàn bộ lá phải tuốt bỏ, không thu hoạch lá cho tằm ăn được. Khoảng 10% diện tích vẫn còn ngập úng, cây dâu đốn ở vụ hè muộn nên cây thấp, bùn lấp dày không có khả năng phục hồi (khoảng gần 100ha).

Theo TS Min, huyện Trấn Yên cần vận động, hướng dẫn người dân thực hiện thoát nước nhanh, kịp thời khơi thông dòng chảy để hạn chế cây dâu bị ngâm nước thối thân, thối rễ. Thực hiện tỉa cành tăm, cành bị gãy, xới phá váng xung quang gốc dâu để đất thông thoáng.

Đối với diện tích không bị bùn bám dính, lá còn xanh thì tiến hành cho tằm ăn thử, lá dâu cần để ráo, giảm lượng nước, sau đó mới cho tằm ăn.

Diện tích dâu bị ngập kéo dài, lá dâu bám nhiều bùn đất cần tiến hành tuốt bỏ toàn bộ phần lá trên cây sau đó cắt ngọn 20 - 25cm để cây dâu tiếp tục sinh trưởng  lấy lá nuôi tằm cuối vụ.

Các diện tích dâu bị ngập úng lâu ngày, vùi lấp nhiều ở chân ruộng trũng, không có khả năng phục hồi cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng. Trước khi trồng lại phải cải tạo mặt bằng, tránh bị ngập úng cục bộ.

Thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung Ương (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) sẽ phối hợp với Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KOPIA) hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao giống dâu, giống tằm, thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường cho huyện Trấn Yến để khôi phục sản xuất nghề dâu tằm.

Thanh Tiến
Tin khác
Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả
Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả

Nuôi kiến vàng giúp vườn cây có múi giảm sâu bệnh, nâng cao chất lượng trái, tiết kiệm chi phí nhưng ít nhà vườn áp dụng.

Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng
Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng

YÊN BÁI Theo kinh nghiệm, hành và tỏi có chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng xua đuổi nhiều loại côn trùng gây hại.

Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa
Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa

Tại ĐBSCL, các địa phương đã thả hàng trăm triệu con ong ký sinh cùng các thiên địch khác để khống chế dịch sâu đầu đen hại dừa.

NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ
NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ

Hà Tĩnh sẽ đưa các giống chè mới chất lượng tốt và khả năng chịu hạn vào sản xuất như PH8, PH9, LCT1, TRI5.0 PH22, Hương Bắc Sơn…

Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL
Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL

Sạ cụm, đặc biệt là sạ cụm kết hợp bón vùi phân là giải pháp cơ giới hóa khâu xuống giống hiệu quả, thúc đẩy canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng
Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng

Trước mối nguy thầm lặng của tuyến trùng và bệnh vàng lá thối rễ do Fusarium sp. gây ra, hàng trăm nhà khoa học đã cùng thảo luận các biện pháp phòng trừ bệnh hại nguy hiểm này.

'Chẩn đoán' các bệnh trên cây trồng do nấm Fusarium và tuyến trùng
'Chẩn đoán' các bệnh trên cây trồng do nấm Fusarium và tuyến trùng

TS. Hà Minh Thanh - Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật - cung cấp thông tin về một số triệu chứng bệnh do nấm Fusarium và tuyến trùng gây ra trên cây trồng.

Hướng dẫn trồng rau ăn lá thủy canh
Hướng dẫn trồng rau ăn lá thủy canh

So với trồng rau trên đất, trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm như tối ưu không gian sản xuất, tiết kiệm nước, ít tốn công chăm sóc, hạn chế sâu bệnh, dễ dàng kiểm soát về an toàn thực phẩm… Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam hướng dẫn bà con một cách chi tiết kỹ thuật trồng rau ăn lá theo phương thức này.

Hướng dẫn trồng chuối đảm bảo yêu cầu xuất khẩu
Hướng dẫn trồng chuối đảm bảo yêu cầu xuất khẩu

Chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta. Hiện chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của cả nước, sản lượng ước tính 2 triệu tấn/năm. Việt Nam được đánh giá là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển loại trái cây này. Các kỹ sư, kỹ thuật viên của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) - công ty trồng và xuất khẩu chuối hàng đầu Việt Nam hướng dẫn quy trình trồng chuối đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Hướng dẫn nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể
Hướng dẫn nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể

Ông Đặng Xuân Tiến, quản lý dự án nuôi trồng rong sụn, Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (STP Group) hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể, phương thức thu hoạch và sơ chế bảo quản rong sụn tốt nhất.

Hướng dẫn trồng tam thất hoang
Hướng dẫn trồng tam thất hoang

Tam thất hoang là một loại thảo dược quý giá, tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc. Tam thất hoang cùng chi với sâm Ngọc Linh, có hoạt chất Saponin giá trị không kém sâm Ngọc Linh. Tam thất được coi là 'vàng trắng' trong ngành Lâm nghiệp. Video: TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, hướng dẫn cách trồng cây tam thất hoang dưới tán rừng, cách thức thu hoạch, sơ chế, bảo quản củ tam thất đảm bảo chất lượng.

Hướng dẫn trồng rừng tếch sản xuất gỗ lớn
Hướng dẫn trồng rừng tếch sản xuất gỗ lớn

Gỗ tếch là một trong những loại gỗ nổi tiếng nhất thế giới với các đặc tính như màu sắc và vân gỗ đẹp, nhẹ, độ bền cao, chống mối mọt tốt và không nứt vỡ. Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để trồng gỗ tếch. TS. Đặng Thịnh Triều - Viện Nghiên cứu Lâm sinh hướng dẫn quý vị và bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc tếch hiệu quả cao nhất.