'Giọng Vĩnh Thịnh' trên báo chí và sự thật từ tư liệu

Andrea Hoa Pham - Chủ Nhật, 27/08/2023 , 10:43 (GMT+7)

Giọng địa phương gắn bó với căn cước của một người như máu thịt. Vì thế, chủ nhân các giọng nói ấy muốn biết vì sao họ lại nói giọng không giống ai như thế.

Tác giả cùng một người dân ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Các giọng “lạ” này thường được báo chí quan tâm. Giọng Vĩnh Thịnh cũng vậy. Đó là điều rất quý. Đáng tiếc là các tác giả khi cố giải thích sự độc đáo của một giọng nói, thường khẳng định không chứng cớ rằng "không còn nơi nào nói thế", thậm chí còn phủ lên các thổ ngữ ấy một lớp sương ma mị, khiến độc giả vô tình bị tung hoả mù về nguồn gốc của một thổ ngữ, kiểu như giọng Vĩnh Thịnh “liên quan đến người đang nằm trong ngôi mộ cuối làng”. Đến đây thì ngắt, và không có phần hai (Lê Quân, Báo Nhân Dân 19/1/2021).

Một số bài báo gợi ý rằng người dân ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) nói một tiếng rất xa lạ với tiếng Việt. “Tiếng” có thể dùng như “giọng”, tuy nhiên những bài báo này miêu tả giọng Vĩnh Thịnh như một “ngôn ngữ” khác. Có thể thấy điều này qua những cái tựa như “Làng nói “song ngữ” bên bờ sông Mã” (Duy Tuyên, Dân Trí, 5/2/2017), hoặc “Người dân Vĩnh Thịnh rất tự hào về tiếng nói riêng của quê mình. Từ người già, tới con trẻ ở đây đều có thể nói tiếng mẹ đẻ song song với tiếng phổ thông (tiếng Việt)” (Thế Lượng, Văn hoá và Đời sống 22/2/2018, thêm bớt vài câu và đăng lại trên Giáo dục và Thời đại 17/02/2021).

Một vài bài báo cũng kể rằng đã có những đoàn nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ về làng hỏi chuyện, lấy tư liệu và ghi chép. Song đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được bài báo nào do các nhà chuyên môn viết.

Bài này chỉ trình bày tóm tắt vài nét về giọng Vĩnh Thịnh, không đi sâu vào chi tiết. Đó là một thổ ngữ đặc biệt của tiếng Việt, giữ nhiều cách phát âm cổ, nhưng vẫn là những nét thấy trong giọng nói những làng khác ở Thanh Hóa và cả ở Nghệ Tĩnh.

Xã Vĩnh Thịnh (còn gọi là Kênh Thuỷ hay Bản Thuỷ) thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Xã có 4 làng: Đoài, Trung, Đông, Sanh. Năm 1999 dân số xã là 8.663 người.

Tôi tìm đến Vĩnh Thịnh tháng 5/2023, đi cầu may, không một người quen hoặc ai chỉ lối. Đường vào làng thật đẹp, đẹp như bất kỳ đường làng ở một đồng quê nào ở miền Trung. Nhưng rất vắng vẻ. Cả đoạn đường dài là những cánh đồng lúa với các rặng cây xa xa.

Con đường ngoằn ngoèo độc đạo càng lúc càng hẹp, trời nắng nóng chang chang. Tới lúc đường rẽ đôi, nhánh bên kia không có nhà cửa, sau mới biết là lối vào công trường đá. Nhánh bên này, có một căn nhà mở cổng, bên trong là một người đàn ông và phụ nữ đang lúi húi phơi thóc. Tôi vào sân, hỏi thăm đường vào xã Vĩnh Thịnh.

Người phụ nữ nhanh nhẩu “xã Vĩnh Thịnh đây, cô tìm ai?”. Tôi nói đi tìm hiểu về giọng nói của làng vì người ta nói làng này có giọng nói rất lạ, và xin phép hỏi chuyện họ. Cả hai vợ chồng chủ nhà đon đả mời vào uống nước. Họ cho biết đây là làng Đông. Cả hai đều 60 tuổi. Một người hàng xóm thấy có khách, cũng ghé sang chơi chốc lát.

Người dân quê nơi nào cũng đẫm tình cảm, hiếu khách. Sau khi thu thập tư liệu từ anh chủ nhà, trời đã trưa, tôi mời gia đình ra quán dùng bữa nhưng bà chủ nhà gạt đi, nói sẵn đây mời cô dùng bữa cơm đạm bạc với gia đình.

Chỉ có vợ chồng chủ nhà, cô con dâu và cháu nội mới biết lẫy. Hoá ra quanh đó không hề có một quán ăn hay nhà hàng nào cả. Không dám khách sáo, tôi sà vào mâm. Canh rau, cá kho, cà pháo, đậu hũ chiên, trứng tráng, ít thịt kho nhưng là một trong vài bữa cơm hiếm hoi ngon miệng nhất trong cả tháng tôi ở Việt Nam.

Những người dân của vùng quê Vĩnh Thịnh.

Trước hết cần phân biệt “từ địa phương” và “phát âm địa phương”. Các ví dụ trong những bài báo nhắc trên cho thấy người ta lẫn lộn hai khái niệm này. Từ địa phương thì phương ngữ thổ ngữ nào cũng có, chỉ là số lượng nhiều hay ít. Phát âm mới là cái phân loại giọng địa phương. Về từ ngữ, thì không phải chỉ ở Vĩnh Thịnh người ta mới gọi cái nồi là cái "trách", bát là "đọi", cái gáo là cái "chuộc", cái gầu là cái "đài"...

Còn về phát âm, những cách nói mũi là "mủn", tối là "tún", chổi là "chủn", về là "viền", lưỡi là "lản" cũng gặp ở nhiều nơi khác ở Thanh Hóa. Những hiện tượng dây, dừa phát âm là "đây, đừa", gỗ là "cỏ", sừng là "trầng", ghế là "kê", gạch là "cạch", gạo là "cấu", rắn là "tăn", gái là "cấy"...là biến âm lịch sử, phụ âm đầu chưa bị xát hoá.

Cách phát âm này cũng thấy nhiều trong các thổ ngữ Nghệ Tĩnh và Quảng Bình. Cách gọi con gà là "con kha", nước là "nác", lúa là "lọ", sâu là "trâu", trâu là "tru", ngay cả đầu gối là "trốôc cún", chồng là "nhông", chơi là "nhởi" hay "nhởn"... cũng thuộc về phạm trù biến âm chứ không phải từ vựng, và cũng gặp ở nhiều thổ ngữ Nghệ Tĩnh và Quảng Bình.

Vài nét độc đáo trong giọng Vĩnh Thịnh mà dường như chưa thấy đâu nhắc, là nguyên âm ơ phát âm thành o (ví dụ thờ thành ‘tho’, mỡ thành ‘mỏ’, trời thành ‘tròi’), và các phụ âm viết bằng ‘ph’ trong chữ Quốc ngữ được người Vĩnh Thịnh nói thành một phụ âm xát, môi-môi, vô thanh, không có trong chữ Quốc ngữ (Pham, Andrea Hoa 2023).

Những cách miêu tả giọng nói “líu lo như chim hót, nhanh và cao, nặng và nhẹ, v.v.”, thậm chí huyền bí “Tại sao chúng tôi lại nói nhanh như vậy? Sao cả vùng này chỉ mình chúng tôi nói giọng cao như chim hót…?”. Tôi tự rót cho mình một chén trà mới, thủng thẳng: “Tất cả liên quan đến người đang nằm trong ngôi mộ cuối làng mà tôi mới đến viếng thăm đấy” (Lê Quân)” thì chỉ làm cho vấn đề càng rối mù, phi khoa học hơn.

Cũng có ý kiến dân địa phương cho rằng giọng Vĩnh Thịnh liên quan đến người Chăm do làng có một ngôi chùa mang nét kiến trúc Chăm. Một dân làng nói “Gần đây chúng tôi bắt đầu tin rằng, giọng nói làng tôi có nguồn gốc từ tiếng Chiêm Thành, do trước đây từng có người Chiêm Thành đến sinh sống.

Trong xã còn ngôi chùa Hoa Long cổ xưa có những hoa văn kiến trúc bằng đá mang đậm dấu ấn Chiêm Thành, được dựng từ thời Trần, hiện đang thờ tướng quân Trần Khát Chân. Một số giảng viên đại học, nhà nghiên cứu địa phương mà tôi có dịp tiếp xúc cũng đồng quan điểm đó” (Lê Quân). Không biết những giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu địa phương “đồng quan điểm đó” là ai, song đến nay chưa thấy có bài nghiên cứu nào về chuyện này.

Cũng như các diễn viên Việt khi đóng vai người Pháp hay Mỹ nói tiếng Việt, thường nói bằng một giọng lơ lớ không phân biệt thanh điệu rõ rệt, một lý do để nghi ngờ giọng Vĩnh Thịnh không phải là “tiếng Việt” là có thể giọng nói này ảnh hưởng từ cộng đồng cư dân nào đó nói một thứ tiếng không có thanh điệu. “Thanh Hóa là vùng đất có 7 tộc người sinh sống gồm người Kinh (Việt), Mường, Thái, Dao, H’Mông, Khơ Mú, Thổ” (Phạm Văn Tuấn, 28/3/2018).

Trong giọng Vĩnh Thịnh, thanh sắc thường “mất dấu” nghe như thanh ngang hoặc huyền: số tám nghe như sô tam, khế như khê, như , máy như mày. Thanh nặng nghe như thanh ngang, ví dụ mạ thành ma, chợ thành cho, mặt nạ nghe như mặt na. Thanh ngã nhập với thanh hỏi thành thanh hỏi, giống như trong giọng Thanh Hóa nói chung. Tuy nhiên, nhiều thổ ngữ Nghệ An và Hà Tĩnh cũng nhập vài thanh điệu vào một, cho nên cũng có thể đó là một hệ thanh điệu nào đó từ Nghệ Tĩnh đã “đi ra” Thanh Hóa, cùng với các cách phát âm cổ và từ cổ địa phương đã nói ở trên.

Còn lại thì tất cả những cái cho là “lạ lùng” trong giọng Vĩnh Thịnh đều thấy trong các thổ ngữ khác của giọng Thanh Hóa và Nghệ An. Thậm chí trang Wikipedia ghi vắn tắt về Vĩnh Thịnh cũng nói rằng “đặc biệt có giọng nói lại giống vùng xứ Nghệ” (không ghi tài liệu tham khảo).

Andrea Hoa Pham
Tin khác
Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình
Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình

Nhà thơ Nguyễn Duy thực hiện chuyến đọc thơ xuyên Việt chủ đề ‘Tìm thân nhân’ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với chương trình đầu tiên tại TP.HCM sáng 20/4.

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Sự kiện