
Lễ trao giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2024 diễn ra vào sáng 28/9.
Giải thưởng Trần Văn Giàu do giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010) sáng lập năm 2002, với mục đích cổ vũ các công trình nghiên cứu về lịch sử Nam Bộ. Lần thứ 12 trao tặng, giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2024 thuộc về tác phẩm “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ”.
Cuốn sách “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” dày 550 trang, bao gồm hai phần “Vùng Sài Gòn – Gia Định từ sơ khởi đến năm 1859” và “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn thời Pháp thuộc”, trong đó khảo sát mô hình tổ chức hành chính lẫn phương pháp quy hoạch đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đến trước thế kỷ thứ 16, Sài Gòn - Gia Định còn là vùng hoang vu, cư dân thưa thớt. Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, cùng với công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt, từng lớp lưu dân đến khai hoang vỡ đất trên dải đất biên viễn xa xôi, hoang dã, lập nên những xóm làng đầu tiên. Và trong những cuộc di dân đó, phải kể đến hai nhóm người Hoa là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên vào Nam Bộ ở quãng thập niên 80 của thế kỷ 17.
Năm 1698, Minh vương Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lập phủ Gia Định, đặt dinh Phiên Trấn và dinh Trấn Biên, chính thức xác lập đơn vị hành chính của Đàng Trong tại vùng đất phương Nam.
Trong quá trình khai hoang mở đất, thiết lập tổ chức hành chính đầu tiên, nhà Nguyễn cũng cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu xã hội như thành trì, đồn lũy phòng thủ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định, mở đường sá lưu thông với các vùng.
Từ những năm đầu Pháp xâm lược đến nửa đầu thế kỷ 20, vùng đất Sài Gòn - Gia Định, dưới sự khai thác của người Pháp, đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển thành một thành phố theo kiểu phương Tây. Chính quyền Pháp đã tiến hành xây dựng các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng, quy hoạch khu trung tâm hành chính...; đồng thời, phát triển đường sá, xe điện, nhà ga, sân bay, chợ búa, các khu dân cư, phố xá dần hình thành. Những con đường rải đá, vuông góc với khoảng cách đều nhau, hai ven đường là hàng cây thẳng tắp, được chiếu sáng bằng ánh đèn dầu, trở thành nơi tản bộ của cư dân.
Đến đầu thế kỷ 20, không ai còn có thể nhận ra thị tứ Á Đông của nhiều năm về trước, mà thay vào đó là hình hài một đô thị phương Tây đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông.
Lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ khởi đầu đến năm 1945 đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều công trình đã được công bố, xuất bản dưới dạng các bài viết, các nghiên cứu khoa học đăng trên các báo, tạp chí hoặc xuất bản thành sách. Trong khuôn khổ công trình “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ”, bên cạnh việc thừa hưởng một khối tài liệu tham khảo khá phong phú, nhóm tác giả đã sử dụng khá nhiều tài liệu lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ trong và ngoài nước.
Đặc biệt, tác phẩm được trao tặng giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2024 có nhiều tài liệu lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng về lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thiết lập chủ quyền của Đàng Trong tại vùng đất phía Nam (năm 1698) cho đến năm 1945; và các chương trình quy hoạch phát triển thành phố, cùng với các công trình kiến trúc tiêu biểu do người Pháp xây dựng tại đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn từ cách nay hơn một thế kỷ.
Kể từ khi thống suất Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược đất phương Nam năm 1698, “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn...”, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn, một trong những nơi được khai phá đầu tiên, đã trở thành nơi rất quan trọng và phát triển nhanh hàng đầu.
Có thể thấy từ khi Pháp chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn cho đến sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, bộ mặt thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đã có nhiều biến đổi. Sài Gòn - Chợ Lớn liên tục được thay đổi theo thời gian nhờ chính sách hành chính và thực hiện các quy hoạch xây dựng theo kiểu một thành phố phương Tây.
Từ khi có thống đốc dân sự đầu tiên năm 1879, Charles Le Myre de Vilers, với kế hoạch đô thị hóa Sài Gòn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Sài Gòn đã được đẩy mạnh. Nhà cửa, khách sạn, dinh thự, hãng buôn... mọc lên dần dần. Kế hoạch đô thị ở trung tâm thành phố hình thành. Charles Le Myre de Viler lập ra Ủy ban nghiên cứu về giao thông đường biển, đường bộ giúp Sài Gòn - Chợ Lớn đã có một bộ mặt mới hoàn toàn.

Công trình được trao giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2024.
Đến cuối thế kỷ 19, dân cư Sài Gòn - Chợ Lớn không còn thuần nhất như trước nữa. Sài Gòn trở thành nơi quần cư của đủ mọi sắc tộc Âu, Á sống không khác các thành phố cùng thời lúc đó như Singapore hay Hồng Kông. Chính quyền thành phố Sài Gòn mở cửa đón nhận đủ mọi tầng lớp dân cư và mọi trào lưu văn hóa phương Tây tràn vào.
Dưới tác động của công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 - 1929), bộ máy và bộ mặt Sài Gòn - Chợ Lớn có nhiều biến chuyển. Thiết chế bộ máy Sài Gòn và Chợ Lớn ngày càng được hoàn thiện. Các công trình xây dựng được tiến hành trong đợt khai thác thuộc địa lần thứ nhất đến nay tiếp tục hoàn thành và các công trình nhỏ, cải tạo đường sá cũng được tiến hành.
Trong khoảng những năm nửa đầu thế kỷ 20, dưới chính sách xâm chiếm và khai thác thuộc địa, Nam Kỳ nói chung và Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng từng bước trở thành thuộc địa quan trọng bậc nhất của Pháp. Trong quá trình ấy, thành phố Sài Gòn từ thị tứ phong kiến dần chuyển mình, mang dáng dấp một thành phố phương Tây ở phương Đông với những di sản kiến trúc độc đáo. Đó là những con đường được kiến thiết vuông góc với hàng cây cổ thụ rợp bóng, những công trình kiến trúc đặc sắc, hệ thống giao thông đô thị và liên tỉnh... mà nay vẫn trường tồn như là chứng tích của lịch sử hình thành, phát triển của đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn thời thuộc Pháp.
Các kết quả nghiên cứu ở giai đoạn phong kiến trong cuốn sách “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” chỉ là những kết quả bước đầu và sơ lược, cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để làm sáng tỏ các dấu ấn lịch sử mà vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn đang mang trong mình, rộng hơn là cả Gia Định xưa. Ngoài ra trong quá trình khảo sát và nghiên cứu vùng đô thị Chợ Lớn, các tác giả nhận ra rất có thể đã từng tồn tại một đô thị cổ, phát triển trước khi đô thị Sài Gòn cổ (tức Chợ Lớn) ra đời và là tiền đề cho Sài Gòn cổ khởi tạo và phát triển, mà theo giới nghiên cứu đó là đô thành Prei Nokor, với những dấu vết về thành đồn, hào lũy, chùa chiền... tập trung chủ yếu ở khu vực phía tây phố Sài Gòn cổ.
Tuy nhiên các dấu vết chủ yếu tập trung trong các tư liệu và cho đến ngày nay đã trở nên hết sức mờ nhạt, chưa đủ điều kiện nghiên cứu để trở thành những luận cứ ban đầu về một đô thị cổ có trước phố Sài Gòn cổ (tức Chợ Lớn). Với phần nghiên cứu về Sài Gòn - Chợ Lớn thời Pháp thuộc, chỉ là những phác thảo hết sức thô sơ về tình hình phát triển đô thị và các mốc quan trọng của hai thành phố này cho đến khi sáp nhập vào thành một đô thị hiện đại hàng đầu ở Viễn Đông đến giữa thế kỷ 20.
Khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn đã trở thành một phần đô thị của TP.HCM, một đô thị lớn đầy năng động và phát triển nhanh với các tòa cao ốc chọc trời bên dòng sông Sài Gòn hiền hòa. Nhưng ẩn sâu bên trong lòng đô thị này còn chứa đựng nhiều dấu vết lịch sử về một vùng đất quan trọng hàng đầu ở Nam Bộ, và các di sản kiến trúc cùng hạ tầng kỹ thuật thời Pháp thuộc được lưu giữ đến ngày nay chính là những dấu ấn rõ nét nhất ở đây, minh chứng cho một giai đoạn phát triển đô thị mạnh mẽ nhưng đầy khoa học và cả tham vọng của người Pháp về một “tiểu Paris” ở Viễn Đông.