
Tượng Nguyễn Trường Tộ tại trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh, Nghệ An.
Nguyễn Trường Tộ (1830 - 1871) sớm theo đạo Thiên chúa trong một gia đình đạo gốc nhiều đời sau mấy thế kỷ người Tây du nhập đạo này vào nước ta. Nhưng cốt cách ông vẫn là một người con của xứ Nghệ, một con người của nước Nam. Học chữ Hán rồi học chữ Pháp, biết đạo lý thánh hiền thời xưa và nắm được những kiến thức văn minh thời mới, “trạng Tộ” từ rất trẻ đã theo đạo lo đời, tìm cách canh tân đất nước.
Tình thế nước ta thời Nguyễn Trường Tộ là thực dân Pháp đang dần hoàn thành việc thôn tính toàn bộ đất nước và bắt đầu chuyển sang thời kỳ khai thác thuộc địa. Ông theo phe “chủ hòa” khi biết không thể lật ngược được thế cờ với Pháp do nước mình nghèo, vua quan mình nhát, dân mình còn kém đầu óc hiểu biết.
Ông nhận định: “Ngày nay các nước phương Tây đã bao chiếm suốt từ Tây Nam cho đến Đông Bắc… không đâu là không bị chẹn họng bám lưng, không đâu là không chiếm đất và nô dịch dân những nơi đó. Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời, mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng, thì người Âu đều đặt chân đến, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ”.
Đấy là điều ông nhiều lần nói tới trong các bản điều trần gửi cho vua Tự Đức và triều đình Huế. Điều này không phải ông ảo tưởng về ý đồ xâm lăng của thực dân Pháp, nhưng ông muốn nhà vua và triều đình tìm cách mở rộng quan hệ với Pháp và các nước khác để mở mang nước mình.
Điều trần! Nói tới Nguyễn Trường Tộ là nói tới các bản điều trần mà ông kiên trì viết và gửi về triều. Trong các bản điều trần đó, ông đề nghị làm những công việc thiết thực để phát triển đất nước. Như trong ba văn bản ông gửi tới đại thần Trần Tiễn Thành: “Góp ý về việc mua và đóng thuyền máy” (cuối 1864), “Góp ý về việc đào tạo người điều khiển và sửa chữa thuyền máy” (2/1865) và “Khai hoang tử” (2/1866). Hễ thấy có việc gì ích nước lợi dân là ông lại gửi điều trần về triều, dù cho nhiều bản của ông không được phúc đáp.
Không chỉ nói, ông còn trực tiếp làm. Như ông đã vận dụng cái học mới của mình để thiết kế và chỉ đạo xây cất tu viện dòng Thánh Phaolo ở Sài Gòn hay Nhà chung ở Xã Đoài (Nghệ An). Như ông đã thân chinh đi xem đất, mở hướng giúp tổng đốc Nghệ An Hoàng Kế Viêm đào con kênh ở Hưng Nguyên theo lệnh triều đình.

Kinh thành Huế.
Các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ đề cập đến nhiều lĩnh vực. Về chính trị, ông bàn đến chuyện “Thiên hạ phân hợp đại thế luận” (1863), đem kiến văn và tầm nhìn của mình phân tích tình hình thế giới đương thời nhằm giúp người trong nước hiểu rõ thời cuộc để biết định chính sách, đường lối. Về nội chính, ông đề nghị triều đình tinh giản bộ máy chính quyền, tạo điều kiện cho đội ngũ viên chức làm giàu để họ có điều kiện giữ được thanh liêm.
Về tài chính, ông đề nghị sắp xếp lại hệ thống thuế, khuyến khích nhà giàu bỏ tiền ra cho vay, và vay tiền nước ngoài. Về kinh tế, ông đề nghị chấn hưng “nông, công, thương nghiệp”, khai thác tài nguyên, bảo vệ rừng, thành lập các đoàn tàu đem hàng nông sản đi bán, đặc biệt là khuyến khích dân làm giàu mà ông đã viết trong bản điều trần “Lục lợi tử” (6/1864).
Về học thuật ông đề nghị cải cách chế độ thi cử, không theo kiểu cử tử của Trung Hoa như các thời trước, chú trọng đưa các môn khoa học vào chương trình học, dùng chữ quốc văn trong việc soạn sách cũng như các giấy tờ hành chính.
Về ngoại giao, ông đề nghị phải có mối bang giao không chỉ với Pháp mà còn với các nước khác để tìm lợi cho nước mình, phải đào tạo các thông dịch viên giỏi tiếng và giỏi việc. Về quân sự ông đề nghị nâng cao chất lượng quân đội như tổ chức lại đội ngũ, mua sắm vũ khí, học tập binh pháp mới, xây dựng phòng tuyến cả ở thành thị và nông thôn. Về tôn giáo, ông đề nghị không nên hẹp hòi, kỳ thị các tôn giáo, xây dựng mối quan hệ tốt giữa bên giáo và bên lương.
Có thể nói qua các bản điều trần của mình, Nguyễn Trường Tộ đã chứng tỏ một đầu óc quan sát, phân tích và suy ngẫm sâu sắc về tình hình đất nước thời ông sống. Ông biết nhìn ra những kém cỏi, hạn chế trong mọi mặt của đời sống xã hội, của bộ máy chính quyền triều đình. Ông đề xuất những giải pháp, biện pháp thích hợp, có tính thực tế cao để cải thiện tình hình. Tinh thần xuyên suốt toàn bộ tư tưởng và hành động của ông thể hiện qua các bản điều trần là làm cho dân giàu nước mạnh, sánh được với các nước trên hoàn cầu. Ông quả là một người đi trước thời đại với trí tuệ và lòng yêu nước của mình.
Nguyễn Trường Tộ đã “yêu đến đau thương đất nước của mình” (câu thơ của Chế Lan Viên). Ông liên tiếp viết các bản điều trần và tường trình, cứ có ý tưởng mới là ông viết và gửi về triều. Ông theo đạo Chúa, mà Chúa là con của Người và của loài người, nên ông luôn nghĩ cho dân, vì dân. Đạo đây như thế còn là đạo của con người, của người công dân đối với đất nước mình, cộng đồng mình.

Thày đồ và học sinh.
Nhưng cái Đạo giúp Đời của Nguyễn Trường Tộ đã không được thi hành. Triều đình Huế nhu nhược và bảo thủ đương thời ông đã không đủ tầm hiểu được các tư tưởng canh tân mới mẻ, táo bạo của ông.
Phần lớn các bản điều trần ông gửi về, triều đình đã làm ngơ. Mà có phúc đáp thì cũng kiểu tâu lên nhà vua như thế này của Viện Cơ mật đối với đề nghị đưa người sang Pháp học tập của Nguyễn Trường Tộ: “Vậy xin Bộ Lễ lấy lý do phái đem người sang Tây học tập, khẩn tư cho tỉnh thần Nghệ An lập tức cấp ngựa, sức y lên kinh ngay để bọn thần ở Viện Cơ mật và Tòa Thương Bạc đối diện hỏi y xem suy tính cơ nghi như thế nào cho được chu thỏa” (1870). Cho đến khi ông mất (1871) kế hoạch cử sứ bộ đi các nước như ông đề xuất vẫn không được thực hiện.
Nguyễn Trường Tộ mất ở tuổi 41. Ông đã sống một tuổi trẻ nhiệt huyết cho lý tưởng của mình. Nhưng ông đã không thấy được một đất nước đổi khác và đổi mới như ý mình mong muốn. Có phải ông “sinh bất phùng thời”? Theo con trai ông là Nguyễn Trường Cửu trong sách viết về sự tích cha mình, cho biết, trước khi mất ông có hai câu thơ để lại. Thơ rằng: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận / Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một kiếp sa chân muôn kiếp hận / Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm).
Đạo và Đời, Đạo cho Đời, Nguyễn Trường Tộ để lại cho các đời sau nỗi hận muôn kiếp vì cơ nghiệp chưa thành. Mối hận ấy của ông đến giờ vẫn chưa hẳn đã giải hết.