Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Lĩnh An Nguyên - Thứ Năm, 30/01/2025 , 10:30 (GMT+7)

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Trong đánh đáo có nhiều kiểu chơi khác nhau như đánh bập pin, đánh đập tường, đánh díu...

Ngày dưng lấy đâu ra tiền, chúng nó đánh đáo bằng “tiền giấy”. Cái sự tích “tiền giấy” cũng khá ngộ nghĩnh. Nhà trường phát động “Kế hoạch nhỏ”, mỗi học trò phải kiếm và nộp cho đủ 2 cân giấy để nộp cho “Quỹ khăn quàng đỏ”. Cả năm đi học, đứa nào nhà khá giả mới có dăm ba quyển vở ghi. Cả bài nghe giảng cả bài tập, có khi chung 2 môn. Học sinh “cấp hai” chỉ có vậy thôi. Vở ghi chả đủ, sách báo chả có, lấy đâu ra giấy để nộp. Giấy bỗng thành thứ khan hiếm ở nhà quê. 

Bọn trẻ con nghĩ ngay ra chuyện “tiền giấy”. Một tờ giấy từ vở cũ, gấp lại 8 lần và có dạng như hình tam giác và được gọi là “tiền” để đánh đáo. Cũng có mệnh giá như tiền ngân hàng. Đồng này 2 tờ, đồng này 5 tờ… Chúng nó đánh đáo bằng thứ “tiền” ấy để lấy giấy nộp quỹ.

Nhưng đến Tết, đứa nào cũng rủng rẻng ít tiền mừng tuổi, vài hào hoặc hơn chút thì vài đồng thôi. Ôi tiền thật hiếm, và tiền thật quý lại có khả năng thanh toán cao. Bạn có thấy những cái ảnh cổ, chụp cảnh phố phường hồi ấy không? Có bảng giá: “Trà 5 xu một chén…”

Hồi ấy tiền có hai loại, tiền giấy và tiền xu. Tiền xu bằng nhôm có 3 mệnh giá: 5 xu, 2 xu và 1 xu. Đồng 5 xu có kích thước lớn nhất, đường kính chừng gần 2cm. Những đồng tiền xu mới được mừng tuổi, sáng bạc, lóng lánh, cạnh còn anh ánh sắc kim loại, nhìn nghiêng như thấy màu cầu vồng… Tiền giấy có đồng 1 hào đỏ chói, 2 hào màu xanh, 5 hào màu tím…

Tiền mừng tuổi thảy đều mới tinh. Tiền xu ánh sắc kim loại, tiền hào thơm mùi mực in. Chúng kêu lích kích, sột soạt trên tay, trong túi. Nho nhỏ thôi, nhưng cũng là một tài sản riêng, và thú vị nhất là được tự quyết định!

Lũ con trai đánh đáo bằng tiền mừng tuổi. Tiền thật chứ không phải “tiền giấy”. Bây giờ không thấy trò chơi đáo nữa, nên phải tả lại kỹ một chút.

Đó là trò chơi trên mặt đất, và tất nhiên đòi hỏi sự khéo léo. Công cụ của trò chơi bao giờ cũng có những đồng tiền xu và đồng cái (có nơi gọi là hòn chì, hòn cái). Người chơi ở một khoảng cách như nhau, dùng hòn chì tác động một lực vừa đủ vào đồng xu ở một quãng cách nhất định, khiến nó dịch chuyển theo cách nào đó, đứng tại chỗ, bay đi hoặc lật lại mặt… Nếu làm được như vậy, là thắng và hiển nhiên là được cuộc.

Đánh đáo có nhiều cách cách chơi: Đánh bốc, sấp ngửa, đập tường... 

Đáo bốc cần đến sức mạnh và sự khéo léo. Từ vạch đứng đến vạch đánh cỡ chừng 3 - 4 m. Bạn vào cuộc chơi, đứng ở vạch đứng giải dăm bảy đồng xu trên  đến gần vạch đánh. Thuật gieo xu cũng cầu kỳ lắm. Gieo xu sát nhau, đôi khi có những đồng dính nhau, chồng lên nhau. Hai đồng gắn nhau gọi là “đôi”,  hơn nữa gọi là “ba”. Dùng hòn cái từ xa đánh tan cái cặp xu dính đôi, dính ba kia là được cuộc. Nếu có đồng xu nào dính vào vạch gọi là “điều”. Điều là dễ đánh nhất, chỉ cần dùng hòn cái tác động vào nó, vượt qua cái vạch thách thức kia là được.

Nhưng gieo xu ở khoảng cách như vậy để có “tan đôi” hay “điều” thật khó, và sau khi gieo nếu không  được hai điều may mắn kia còn phải đánh theo bài ra của đối thủ nữa chứ. Đối thủ của bạn sẽ có quyền chọn vị trí khó nhất của đồng xu và ra “bài tập” cho bạn giải. Gần vạch đánh, thì được lệnh ra là “hơi”. Có nghĩa là bạn phải dùng hòn cái từ cách xa chừng 4m, ném vào đồng xu ấy, cọ khẽ thôi, không được để cho đồng xu bay qua vạch ngay sát đó. Xu ở xa vạch thì đối thủ ra lệnh “bốc”; có nghĩa là phải bằng hòn cái tác động sao cho đồng xu ấy bay qua vạch đánh… Đòn đánh ấy gọi là “bả”. Cần nhiều sức lực đấy.

Chơi đáo sấp ngửa thì còn phải khéo léo hơn nữa. Trong một khoảng cách từ vạch đứng đến vạch đánh chừng 2 m thôi. Gần vạch, ở phía trên chừng 5 cm đánh có một lỗ được khoét trên đất bằng đồng 5 xu. Đứng ở vạch và gieo tiền sao cho không có đồng nào rơi xuống dưới vạch và càng nhiều đồng lọt vào lỗ càng tốt, lọt đồng nào “ăn” đồng ấy. Nếu có đồng nào rơi dưới vạch thì mất lượt. Cũng có “tan đôi”, “tan ba”, nhưng nếu không gieo được vậy, thì “sấp - ngửa”.

Bạn sẽ được đối phương chỉ vào một đồng tiền, vị trí rất khó, nó đang ngửa thì phải tác động sao cho thành sấp và ngược lại. Mặt có in mệnh giá đồng xu thì gọi là ngửa. Mặt kia thì được quy định là mặt sấp. Dùng hòn cái đánh vào đồng xu ấy để nó chuyển ngược mặt mà không chạm vào đồng xu bên cạnh, và hòn cái cũng vậy, không được “nhầm địa chỉ”… thật khó lắm thay. Hòn chì thì to, các đồng xu lại sát nhau, đánh nhầm thì “tịt” (phải bồi thường thêm bằng tiền chầu). Bởi vậy, đòn thường dụng là “mổ” - dựng đứng hòn chì trên tay, ngắm vào mục tiêu và phóng xuống.  Đồng xu bị một lực tác động vừa phải nhảy dựng lên quay nửa vòng rồi rơi đúng vị trí với mặt xu ngược lại!  Bởi vậy, đáo sấp ngửa là môn thể thao khéo léo.

Còn “đập tường” cũng là một môn của đáo. Phải chọn một bờ tường, dưới chân tường phải có mảnh đất phải khá nhẵn nhụi và sạch sẽ. Bọn trẻ sẽ vạch một vòng cung với bán kính chừng một mét dưới bờ tường để giới hạn sân chơi. Lại có một cái vạch cách đó chừng một bước. Đứng ở đó cầm đồng xu đập một lực vừa phải vào tường sao cho nó vừa nằm trong vòng cung, lại vừa ở vị trí cao nhất trong đó. Lại không được va chạm với các đồng xu đã có trên mặt đất. Nếu đập vào tường mạnh quá, xu bật hoặc lăn ra ngoài thì người gieo mất lượt chơi. May mắn là đập đồng xu rơi xuống sau khi nó lăn tới và chạm vạch ở điểm cao nhất;  “điều” - được cả ván...

Chúng vui, người lớn cũng vui, cũng chầu rìa. Anh Vàng, một thương binh về làng, cũng xem và mách nước như dạy xạ kích máy bay Mỹ: “Chúng mày phải “dắng” (ngắm) cách đồng xu chừng “hai thân” (tức là cách đích khoảng 2 đồng xu) là vừa…”.

Hỏi, hồi bé anh có chơi không? Đáp: “Tao hồi bé đánh đáo “kiếm gạo” đấy. Nhưng lớn rồi thì thôi. Đi bộ đội hãi nhất là từ “bị đánh đáo” hay “cả cái”. Lũ trẻ băn khoăn: Thế là thế nào? Đáp: Bom hay pháo rơi trúng hầm, hụp cái, xong, có khi cả tiểu đội không còn dấu vết gì. Ngẫu nhiên thôi, chúng nó chả tài giỏi gì, nhưng oan khuất lắm, đau xót lắm…

Cả anh và lũ trẻ không đoán được rằng, trong lũ trẻ đánh đáo ấy, có một thằng bé, sau này thành người lính trong trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đã dùng tài chọi đáo vào việc ném lựu đạn. Tụi lính Tàu sợ chết, núp dưới suối cạn hay hang hốc, lích ríc chỗ nào, khuất khắn đến đâu nó cũng căn được và “cả cái”. Nó bảo ném lựu đạn “mỏ vịt” là lợi hại nhất, gọn tho lo, không vướng cành cây, vật cản. Có lúc chúng nó tràn lên chốt xanh lè, phải dùng lựu đạn mỏ vịt, đã tháo chốt, gài sẵn chừng dăm quả trong một ống bương, rồi vẩy ra như vãi mạ mới kịp… Tôi còn nhớ mãi nó, thằng Dũng Th (làng này có lệ vậy, đã gọi tên con là phải gắn luôn tên bố). Nó là “chúa ăn gian”, thường vượt vạch khi chơi đáo bốc. Bây giờ nó cũng đã lên chức ông…

Mùa xuân này, mưa bụi bay đúng tiết như mùa xuân ấy. Rặng xoan bên đường làng đã bắt đầu đum đúm trên đầu cành khô khẳng, những cái mầm như chân cún con. Rồi chừng hơn tháng nữa nó sẽ bừng bừng lộc biếc và sau đó là ngào ngạt hoa. Mùi hoa xoan hăng hắc, gợi nhớ và khiến người ta như cầm lòng không đặng.

Dưới rặng xoan ấy, có mấy chú bé đang đánh đáo…     

Lĩnh An Nguyên
Tin khác
'Lệ Chi Viên' tái dựng cuộc đời anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi
'Lệ Chi Viên' tái dựng cuộc đời anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi

‘Lệ Chi Viên’ được tái dựng từ ‘Bí mật vườn Lệ Chi’ nổi tiếng hơn hai thập niên trước, cho thấy sân khấu về đề tài lịch sử vẫn có sức hấp dẫn công chúng.

Thanh kiếm và lưỡi cày
Thanh kiếm và lưỡi cày

Nếu mỗi người sẽ có đủ minh triết để vui vẻ hài lòng với những điều nhỏ nhặt mình làm thì thanh kiếm sẽ không cần tồn tại nữa. Khi điều đó chưa xảy ra thì thanh kiếm vẫn còn hiện diện bên lưỡi cày.

30/4 năm nay, các bạn đi đâu?
30/4 năm nay, các bạn đi đâu?

Tôi cảm thấy biết ơn với những người đã ngã xuống. Biết ơn với những người còn sống – tiếp tục sống một cuộc đời bình dị mà đẹp đẽ như ông tôi. Và đó là lý do 30/4 năm nay, tôi không đi đâu cả. Tôi chỉ muốn về với ông mệ.

Ba tôi nhận lệnh mở đường Trường Sơn
Ba tôi nhận lệnh mở đường Trường Sơn

Ba tôi, Thiếu tướng Võ Bẩm, là tư lệnh đầu tiên của lực lượng mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.  

Nhớ ơn thế hệ chân trần chí thép đánh bại công nghệ của siêu cường
Nhớ ơn thế hệ chân trần chí thép đánh bại công nghệ của siêu cường

Chúng tôi biết ơn thế hệ đi trước - những người đã bám trụ trong lòng đất chật hẹp để chiến đấu giành độc lập dân tộc cho thế hệ hôm nay được sống và học tập trong bầu trời hòa bình.

Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình
Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình

Nhà thơ Nguyễn Duy thực hiện chuyến đọc thơ xuyên Việt chủ đề ‘Tìm thân nhân’ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với chương trình đầu tiên tại TP.HCM sáng 20/4.

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.