Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Đặng Huy Giang - Chủ Nhật, 27/07/2025 , 07:38 (GMT+7)

Dáng đứng Việt Nam được bồi đắp từ sự hy sinh của những thương binh liệt sĩ, còn mãi vang vọng trong những áng thơ kiêu hãnh và tự hào.

"Ra trận". Tranh của Phạm Lực.

“Dáng đứng Việt Nam” là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Lê Anh Xuân trước khi nằm xuống đất mẹ ở tuổi 28. Từ năm 1968 đến nay, “Dáng đứng Việt Nam” trở thành hình tượng độc đáo cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi nhắc đến đề tài thương binh liệt sĩ, không thể không nghe vang vọng “Dáng đứng Việt Nam” với những câu thơ ấn tượng: “Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ…/ Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Dáng đứng Việt Nam là dáng đứng của những con người bất tử. Ngoài bài thơ “Dáng đứng Việt Nam", hình tượng thương binh liệt sĩ còn được phản ánh trong nhiều áng thơ nổi tiếng.

“Núi đôi” là bài thơ làm nên tên tuổi Vũ Cao. Tiếp tục ý thơ “Không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương” mà Hữu Loan là người mở đường trong “Màu tím hoa sim”, nhà thơ Vũ Cao đã viết những vần thơ trong nỗi đau mất mát và niềm tự hào về một nữ du kích đã hy sinh oanh liệt: “Ai viết tên em là liệt sĩ/ Bên những hàng bia trắng giữa đồng”. Và chỉ “nhân vật em” khi mất đi rồi, “nhân vật anh” mới nhận ra: “Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.

“Quê hương” của Giang Nam cũng vậy. Khi hay tin: “Giặc giết em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi” thì Giang Nam mới khẳng định một cách xác tín và thấm thía: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”.

Trong những vần thơ viết về những con người bất tử trong kháng chiến chống Mỹ, không thể không nhắc đến “Phan Thiết có anh tôi” và “Đò xuôi Thạch Hãn”, hai tứ thơ độc đáo của Hữu Thỉnh và Lê Bá Dương.

“Phan Thiết có anh tôi” là bài thơ Hữu Thỉnh viết về người anh ruột đã nằm lại chiến trường Phan Thiết trước ngày non sông thống nhất. Anh trai của nhà thơ đã thực sự hóa thân trong lòng đất ở cả nghĩa đen, bởi những mảnh xương cốt nhỏ nhất cũng không vết tích. Chính vì thế mà ngay ở khổ thơ đầu của “Phan Thiết có anh tôi”, với xúc cảm lớn, Hữu Thỉnh đã viết những câu thơ thảng thốt, đớn đau, gắn ý nghĩa của cái chết của con người với trời và đất: “Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ/ Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ/ Đất và trời Phan Thiết có anh tôi”. Một lần nữa, cỏ trở thành biểu tượng của sự bất diệt trong thơ Hữu Thỉnh: “Không nằm trong nghĩa trang/ Anh ở với đồi anh xanh vào cỏ/ Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình”.

“Đò lên Thạch Hãn” (còn được biết đến với tên "Lời người bên sông") là bài thơ về sự hy sinh của đồng đội mùa hè đỏ lửa 1972 trên chiến trường Quảng Trị. Sông Thạch Hãn một thuở là nơi nằm lại của bao anh hùng liệt sĩ. Tác giả bài thơ khi trở về thăm chiến trường xưa đã đau xót thốt lên: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Bài thơ như xuất thất ở hai câu cuối và “ý tại ngôn ngoại” cũng nằm trong trong hai câu thơ này: “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

"Người lính với phút thảnh thơi". Tranh của Phạm Lực.

Vệt thơ viết về đồng đội đã hy sinh ở chiến trường, có thể kể thêm “Quảng Trị” của Trần Trọng Giá. Nhiều năm sau, Trần Trọng Giá vẫn như hòa vào Quảng Trị, nhớ về Quảng Trị với tinh thần của một người lính trận, đầy trải nghiệm trận mạc: “Ai qua miền đất ấy/ Xin cúi đầu, lặng nghe/ Trong cát là xương trắng/ Trong gió còn lời thề”. Cũng với tinh thần ấy, Trần Trọng Giá viết bài “Trở lại Vị Xuyên” chia sẻ đau đớn của người lính - người bạn chiến đấu cùng một chiến hào, cùng một cảnh ngộ, cùng một tâm trạng, tâm thế: “Đêm đêm thức với trăng sao/ Dòng Lô dội sóng nghẹn ngào xót xa/ Hòa cùng xương máu ông cha/ Trường tồn biên ải như là ngàn xưa/ Gọi đồng đội chẳng lời thưa/ Giữa đồng Nà Cáy gió mưa chất chồng/ Chung tay vun ngọn lửa hồng/ Cho bao đồng đội ấm lòng đêm đêm.

Cũng không thể không nhắc đến “Bài thơ về hạnh phúc” của Dương Hương Ly viết trực tiếp về người vợ liệt sĩ - bạn viết - bạn chiến đấu của mình: Nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Một cảm xúc thương tiếc mãnh liệt trào dâng hòa lẫn với niềm tin tất thắng gửi vào tương lai: “Em ra đi chẳng để lại gì/ Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi/ Và anh biết khi bất thần trúng đạn/ Em đã ra đi với mắt cười thanh thản/ Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai/ Bởi biết mình có mặt ở tương lai”. Kèm theo là một lời hứa sắt son như dao chém đá: “Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống/ Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu/ Em trong anh là mùa xuân náo động/ Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu”.

"Giấc ngủ yên lành". Tranh của Phạm Lực.

Thơ viết về thương binh liệt sĩ còn rất nhiều. Những bài thơ trên chỉ là những lát cắt, những điểm nhấn tiêu biểu về sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, sự hy sinh ấy đã góp phần bồi đắp nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. 

Đặng Huy Giang
Tin khác
Quả sấu tròn
Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'
Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.