Chiến tranh đã lùi xa để tạ lỗi với mây xanh

Lê Thành Nghị - Thứ Hai, 02/09/2024 , 06:47 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với nhà thơ Mai Thìn, quá khứ chưa bao giờ ngủ yên khiến anh thổ lộ những tâm tư day dứt qua tập thơ ‘Tạ lỗi với mây xanh’.

Nhà thơ Mai Thìn qua nét vẽ của Tân Quảng.

Chiến tranh đã lùi xa. Chiến tranh đã lùi rất xa. Cuộc đời đã sang một trang khác. Con người cũng đã chuyển sang một trạng thái tinh thần khác. Nhưng dư ba của chiến tranh thì chưa hề ngưng trong mỗi tâm hồn. Cuộc sống mới với sự ồn ào, náo nhiệt cần có của dựng xây, kiến thiết, nhưng cũng cần có những giây phút bình yên như mặt biển “vùi sâu dưới đáy những gì đau thương”.

Thơ Mai Thìn, trong tập “Tạ lỗi với mây xanh”, là những nốt nhạc thầm lặng mà da diết, như tiếng vọng về của ký ức “tôi nợ cuộc đời này/ cả/ những thương đau” (Tiếng vọng đầu).

Tập thơ thể hiện tâm trạng của một người luôn mang trong mình ký ức sâu nặng trước những hy sinh to lớn của bao người trong chiến tranh và bày tỏ lòng trắc ẩn sâu xa với những nỗi đau mà chiến tranh để lại. Cuộc sống cần đi về phía trước, nhưng phía trước sẽ trở nên bất định, vì nếu không biết bắt đầu từ đâu thì cũng không biết sẽ đi đến đâu. Cho nên, với Mai Thìn, quá khứ chưa bao giờ “ngủ yên”.

Đó là khi anh bắt gặp những hàng phượng vỹ trên nghĩa trang Trường Sơn, ám tượng về sắc đỏ trước mặt đã đưa anh về “những bóng mắt người thân/ đỏ/ nhòe/ cành lá” (Hoa phượng ở nghĩa trang Trường Sơn). Đặt chân lên Côn Đảo, nơi xương thịt con người/ tươi màu máu, cảm giác “tôi nợ cuộc đời này” như thức dậy tận sâu trong anh: “từng hạt cát/ vun đầy tội ác/ chạm nơi nào cũng thấy/ dường/ có lỗi” (Ở Côn Đảo).

Ngược đường lên sông Lô nhìn thấy hàng hàng hoa gạo đỏ, anh liên tưởng đến những người “vớt từng xác gạo/ như vớt những hồn người/ đỏ thắm” (Ngược sông Lô). Lên muộn với Vị Xuyên, trong tâm hồn nhà thơ cảm giác xót xa, ân hận trước biên cương Tổ quốc “nơi biết bao chiến sỹ mấy vạn đốt xương/ hóa đá dọc chiến hào” (Tạ lỗi với mây xanh). Rồi trên quê hương anh, sự chết chóc, hy sinh như vẫn còn kia “đồng làng đầy máu/ bên gốc trâm xưa/ nấm đất em nằm/ ướt đỏ/ máu của em tôi” (Tìm em).

Chẳng ở đâu xa, trong ngôi nhà của mình, chiến tranh chất vấn anh hàng ngày với bao thương đau, ly tán: “Tôi có người ba chết trận/ bao nhiêu năm/ không mồ/ giỗ ông lần nào má tôi cũng khóc/ vừa thương ba/ vừa trách/ sao không để lại một nấm mồ/ làm chỗ/ cho cỏ lên” (Không mồ) và “bao nhiêu người/ mấy mươi năm/ không tìm được đường về/ chú tôi bên này/ còn ba tôi/ ở mãi phía bên kia” (Giỗ chung).

Có lần trong viện bảo tàng, trước những ngôi “mộ thủy tinh” cất giữ quái thai chất độc chiến tranh, anh thốt lên “triệu triệu người đến viếng/ tự thắp cho mình/ niềm kinh hãi xót xa” (Những ngôi mộ thủy tinh trong suốt). Trong bảo tàng chiến tranh, anh còn chứng kiến “những bà mẹ già/ người Ucraina/ người Nga/ người Mỹ/ đến đây/ ôm đứa con mình/ mà khóc/ trong bảo tàng chiến tranh/ những quả bom/ chứa đầy nước mắt” (Những quả bom chứa đầy nước mắt)

Cũng chẳng phải ngày trước, cái chết tức tưởi hôm nay trong thùng xe đông lạnh trên đường đi tìm “miền đất hứa” của cô gái trẻ Trà My; sự hy sinh của những con người lao động vì núi lở, đất sạt tại Rào Trăng cũng làm anh buốt đau “cơn mưa đêm qua không có nước/ ròng ròng máu/ và nước mắt/ đổ xuống Rào Trăng” (Cơn mưa không có nước). Anh còn bắt gặp người mài dao trên phố với dáng ngồi “một nửa chân phiêu bạt/ còn nửa kia/ mòn cụt đi rồi”.

Tập thơ "Tạ lỗi với mây xanh".

Hình như ở đâu, đi đâu, tại mọi không gian và thời gian, Mai Thìn cũng không quên cảnh “đất nước bao phen điêu linh/ đạn bom rồi giông bão nổi”; cũng ám thị một màu đỏ máu trong liên tưởng; cũng thảng thốt day dứt trong tâm thức về “bóng mắt” nơi bao người đã nằm xuống. Điều này tạo nên “sắc độ”, “mật độ” trong câu chữ của thơ anh “rưng rưng đỏ”, “đỏ nhòe cành lá”, “nhuộm đỏ trời biên giới”, “ròng ròng hoa đỏ”…

Nhưng không phải chỉ có một màu đỏ day dứt như thế, Mai Thìn còn có những câu thơ trẻ trung về một “ngày xưa” cứ tưởng thoáng qua mà giăng mắc cho đến tận mai sau: “Ngày ấy ta đi/ em còn tát nước bờ soi/ tóc chớm hồng hai má/ bao mùa cày chân rạ/ đợi ta về/ em thẩn thơ vành nón trắng” (Cánh chuồn tuổi thơ).

Những câu thơ đầy cảm kích về khoảnh khắc không quên trong cuộc đời “hòa bình về/ cờ hoa tở mở/ nhà tôi vọng tiếng chuông/ nghi ngút” (Má tôi và những tiếng chuông). Và một sắc vàng lo âu mòn mỏi của bao bà mẹ trong buổi chiều tưởng tượng trên bến tàu: “chiều vàng/ nắng tàn trên tóc mẹ/ sóng bạc màu/ nhẫn nại chờ mong” (Chuyến tàu không bao giờ có).

Nhà thơ Mai Thìn còn sở hữu niềm vui được tận hiến nơi quê nhà với bao giản dị mà bền chặt, yêu thương: “đời rơm rạ còn cho hơi ấm/ một sợi khói thôi/ tuyệt tác bức tranh làng/ tận hiến/ xác thân tàn rữa/ dồn yêu thương/ rực rỡ mùa màng” (Bạn với nhà nông)

Những bài thơ trong tập “Tạ lỗi với mây xanh” hầu hết được viết từ khoảng dăm năm gần đây, tập trung nhiều vào chủ đề chiến tranh và sự hy sinh to lớn, cho thấy dù chiến tranh đã lùi xa vẫn còn nhức buốt trong trái tim người đang sống. Cảm hứng chủ đạo của tập thơ là nỗi xót xa với mất mát, nỗi ân hận của hậu thế, sự biết ơn với người ngã xuống, và những bài học về chiến tranh luôn phải ghi nhớ. Tất cả hình như đang đè nặng trên sứ mệnh của những câu thơ, nhắc nhở chúng ta rằng trên trái đất bé nhỏ này chưa bao giờ ngừng bom đạn, chết chóc.

Nhà thơ Mai Thìn có một tuổi thơ trải qua đạn bom tàn khốc, cho nên  ký ức về chiến tranh đã lùi xa là những vết thương sâu trong tâm hồn, thôi thúc anh cầm bút. Dù biết đề tài chiến tranh và hậu chiến đã được nhiều tác giả khai thác thành công, nhưng với trách nhiệm của một cây bút đang cống hiến trên văn đàn với tư cách Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bình Định, Mai Thìn vẫn trăn trở không ngừng để có thêm những đóng góp mới.

Lê Thành Nghị
Tin khác
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Viết về Bác như cuộc đời đã chọn
Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Nguyễn Hưng Hải là trường hợp đặc biệt trong số các nhà văn, nhà thơ dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài về Bác Hồ.

100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi
100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến 'Đất rừng phương Nam'. Thế nhưng, nhà văn của Nam Bộ ấy còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều những tác phẩm bất hủ khác.

Sự kiện

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Tri thức nông dân
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Khát vọng Điện Biên

Khát vọng Điện Biên

Tri thức nông dân