Thủ tục đất đai lần đầu "xuống phường"
Từ sáng sớm, tại “siêu” phường Tân Ninh, phường được thành lập trên cơ sở hợp nhất 5 phường của thành phố Tây Ninh cũ, cán bộ, công chức đã có mặt đầy đủ, sẵn sàng tiếp đón người dân đến giải quyết công việc. Không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc nhưng cũng đầy thân thiện, gần gũi.

Ngày thứ hai vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, người dân đến Trung tâm Phục vụ Hành chính công phường Tân Ninh vẫn rất đông. Ảnh: Trần Trung.
Tranh thủ đến sớm để giải quyết thủ tục đất đai, ông Nguyễn Văn Tuấn phấn khởi cho biết, dù lượng người đến phường giải quyết hồ sơ rất đông nhưng các cán bộ ở bộ phận một cửa tiếp đón chu đáo, hướng dẫn tận tình để ông kịp thời bổ sung các thủ tục còn thiếu. Dù được hẹn hôm sau tiếp tục đến giải quyết, ông vẫn không cảm thấy phiền lòng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tài, có mặt từ rất sớm để làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu cho mảnh đất gia đình, chia sẻ: “Trước đây, làm thủ tục biến động đất đai phải đi lại nhiều lần từ phường lên thành phố, mất hàng tháng trời. Nhưng hôm nay, thay vì phải chạy vạy nhiều lần, tôi được cán bộ trung tâm hướng dẫn tận tình, thủ tục rõ ràng và được hứa trả kết quả sớm theo quy định. Việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp đã giúp mọi thứ đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều.”
Chị Trần Thị Phương Thảo, cán bộ phụ trách tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực đất đai – môi trường phường Tân Ninh cho biết, trong ngày đầu thực hiện chính quyền hai cấp, chị đã tiếp nhận gần 20 hồ sơ liên quan, tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước khi sáp nhập phường. Dù khối lượng công việc lớn và áp lực nhiều, điểm thuận lợi khi vận hành chính quyền hai cấp là các cán bộ chuyên môn của phường đều đã từng đảm nhận nhiệm vụ tương tự trước đây, nên hiểu rõ địa bàn và nắm chắc nghiệp vụ.
“Nhờ vậy, việc phối hợp xử lý hồ sơ nhanh gọn, đúng quy định. Các thủ tục trước đây phải qua thành phố như xác minh ranh giới hay quá trình sử dụng đất, nay được xử lý tại chỗ, giúp rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết”, chị Thảo nhấn mạnh.

Chị Trần Thị Phương Thảo tận tình hỗ trợ người dân. Ảnh: Trần Trung.
Bà Nguyễn Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Ninh cho biết, đối với những thủ tục người dân quan tâm như cấp sổ đỏ lần đầu, phường đã tiếp nhận các hồ sơ chuyển từ cấp huyện xuống, rà soát cụ thể từng trường hợp.
“Hồ sơ đủ điều kiện sẽ được giải quyết ngay. Những hồ sơ còn vướng mắc, cán bộ chuyên môn sẽ hướng dẫn người dân bổ sung để hoàn thiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời tuân thủ quy định pháp luật, dù khối lượng công việc tăng, tinh thần phục vụ của cán bộ lại được nâng cao rõ rệt. “Làm hết việc chứ không hết giờ” – là phương châm của cán bộ Trung tâm Hành chính công phường Tân Ninh”, bà Hương cho hay.
Có thể nói, triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Tây Ninh không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ công, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, những lĩnh vực vốn nhiều thủ tục, quy trình phức tạp.
Giảm áp lực tuyến đầu cấp tỉnh
Tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Tây Ninh (cấp tỉnh) trong những ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, không khí tại tại đây trở nên nhẹ nhàng hơn. Lượng người dân đến nộp hồ sơ, nhất là tại các quầy từng "nóng" như đất đai, tài nguyên, nông nghiệp… đã giảm rõ rệt. Nhưng đó không phải là vì nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ít đi – mà là nhờ vào sự "chia lửa" của các Trung tâm Hành chính công cấp xã, phường mới được kiện toàn trên toàn tỉnh.

Người dân đến Trung tâm Hành chính công tỉnh Tây Ninh giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Trần Trung.
Anh Trần Quốc Huy, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Tây Ninh cho biết, kể từ ngày 1/7/2025, người dân có thể nộp hồ sơ TTHC tại bất kỳ Trung tâm hành chính công nào ở các xã, phường mới – không bắt buộc phải về tỉnh như trước. Ngay cả những thủ tục thuộc thẩm quyền cấp tỉnh – như hồ sơ đất đai, cấp phép nuôi trồng thủy sản, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cấp lại giấy chứng nhận chăn nuôi,... cũng có thể nộp và nhận kết quả ngay tại cấp xã, phường.
Chính sách mới từ ngày 1/7/2025 giúp người dân Tây Ninh dễ dàng tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, không còn bị ràng buộc bởi địa điểm nộp hồ sơ. Đây là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm.

Lượng người dân đến nộp hồ sơ, nhất là các quầy từng "nóng" như đất đai, tài nguyên, nông nghiệp… tại cấp tỉnh đã giảm rõ rệt. Ảnh: Trần Trung.
“Trước đây, mỗi ngày riêng lĩnh vực tài nguyên cũng đã khoảng 60 hồ sơ, chưa kể nông nghiệp, môi trường, thú y, thủy sản, thủy lợi... Nhưng nhờ triển khai thực hiện mô hình tiếp nhận hồ sơ tại cấp xã, phường, lượng hồ sơ đổ về cấp tỉnh giờ đã giảm rất nhiều. Có thể nói việc phân luồng này giúp giảm đáng kể áp lực hành chính ở cấp tỉnh, đồng thời mang lại tiện lợi rõ rệt cho người dân ở vùng xa”, anh Trần Quốc Huy chia sẻ.
Việc rút gọn thủ tục và phân cấp rõ ràng giúp người dân, nhất là tại vùng nông thôn và miền núi, tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đồng thời, cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm giúp giảm gánh nặng giấy tờ, nâng cao trách nhiệm thẩm định thực tế của cơ quan chuyên môn và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai.