
Sáng sớm 19/2 (mùng 10 tết), tuyến đường “vàng” Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh nườm nượp kẻ mua, người bán trang sức và vật phẩm cúng Thần Tài.

Chị Bùi Diệu Huyền, chủ tiệm vàng Mai Xuân chia sẻ, lượng khách mua vàng vía Thần Tài năm nay có giảm hơn so với các năm trước và khách rải đều từ ra tết đến nay, không tập trung vào ngày mùng 10 nên tránh được tình trạng ùn ứ, chen lấn.

Nhiều người dân cho biết, năm nay kinh tế khó khăn, giá vàng tăng cao nên họ chuyển từ mua vàng sang mua lễ vật dâng lên Thần Tài.

Đắt hàng nhất là các món xôi gấc, “tam sên” gồm thịt quay, trứng và tôm.

Bà Ngô Thị Út, 65 tuổi, trú phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh cho hay, lượng khách năm nay nhiều hơn năm ngoái và mua sớm hơn vì trùng vào thứ 2, ngày làm việc.

“Từ hôm qua chúng tôi đã chuẩn bị 40kg thịt; 10kg tôm; 150 quả trứng và 30kg xôi để sáng nay đem ra bán. Tôi bán từ 5h đến nay (9h) mà chỉ còn lại tầm 20 suất nữa là hết hàng”, một tiểu thương cùng bán cỗ cúng trên đường Nguyễn Công Trứ nói.

Bình quân một lễ cúng Thần Tài dao động từ 150.000 - 250.000đ, tùy vào trọng lượng thịt và số lượng tôm, trứng theo yêu cầu của khách hàng.

Chị Phan Thị Tuyết, 43 tuổi cho hay, nghề chính của chị là bán hoa quả. Ngày vía Thần Tài những năm gần đây chị bán thêm xôi, “tam sên” để lấy “lộc” đầu năm.

“Ngày này, nhiều người đi làm bận rộn, không có thời gian làm mâm cỗ cúng. Nắm bắt điều đó, chúng tôi làm xôi lễ bán phục vụ khách”, tiểu thương bán cỗ cúng chia sẻ thêm.

Mâm cỗ ngày vía Thần Tài được hiểu cần có 3 loài vật sinh sống ở 3 môi trường khác nhau bao gồm: Mặt đất (tượng trưng cho Thổ), dưới nước (Thủy) và loài vật sống trên trời (Thiên).