| Hotline: 0983.970.780

Sở Y tế Vĩnh Phúc thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước nỗi đau của bệnh nhân

Thứ Ba 04/03/2025 , 17:57 (GMT+7)

Y đức không đến từ lễ kỷ niệm rình rang. Y đức đòi hỏi người bác sĩ thực sự quan tâm đến bệnh nhân, thay vì chỉ nghĩ kiếm tiền từ thân nhân người bệnh.

Bệnh nhân 5 tuổi nhập viện, bác sĩ yêu cầu đóng tiền mặt, không dùng Bảo hiểm Y tế vì 'hết giờ hành chính'. Bìa phải là anh Nguyễn Văn Vương, cha đẻ của bệnh nhân, kể lại sự việc với Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thiên Trường.

Bệnh nhân 5 tuổi nhập viện, bác sĩ yêu cầu đóng tiền mặt, không dùng Bảo hiểm Y tế vì "hết giờ hành chính". Bìa phải là anh Nguyễn Văn Vương, cha đẻ của bệnh nhân, kể lại sự việc với Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thiên Trường.

Đêm 11/2, anh Nguyễn Văn Vương, bố của một bệnh nhi cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm, chạy ngược xuôi trong bệnh viện đóng các khoản tiền. Sau đó, con anh mới được các bác sĩ điều trị. Anh Vương nói lúc đó đứa trẻ “oặt ra như tàu lá chuối”, miệng thều thào kêu đau bụng, nhưng vẫn phải chờ bố mẹ đóng tiền rồi con mới được điều trị.

Bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, tại TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc với y đức lạnh lùng, khi nói với phụ huynh của bệnh nhi 5 tuổi vào cấp cứu: “Bảo hiểm y tế chỉ được dùng trong giờ hành chính. Bây giờ là hơn 10 giờ đêm, anh chị phải đóng tiền”.

Điều này là vi phạm quy định của ngành Y tế. Khoản 2, Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế quy định: Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh.

Mặt khác, Khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, quy định trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí.

Điều thứ 3 trong Quy định về 12 điều y đức được Bộ Y tế ban hành, ghi rõ: “Tôn trọng quyền được khám bệnh chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thăm khám, chăm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh”.

Ngày 21/2, đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc khi nhận được thông tin, đã thừa nhận đây là “việc làm sai trái” của Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt.

Bao nhiêu bệnh nhân đã bị bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt lừa dối, ép đóng tiền như trường hợp bệnh nhi 5 tuổi, con của anh Vương?  Bao nhiêu người nhà bệnh nhân bị buộc vào thế phải đóng tiền, khi họ đang lo lắng trước sức khỏe của người thân đang càng lúc càng xấu đi? 

Anh Nguyễn Văn Vương, cha đẻ của bệnh nhân 5 tuổi, kể lại việc không được dùng bảo hiểm y tế vì "quá giờ hành chính". Video: Tú Thành.

Thừa nhận đó là việc vi phạm quy định của ngành y, vi phạm Luật Bảo hiểm Y tế, song nhiều ngày sau đó, Sở Y tế Vĩnh Phúc từ chối cho biết hướng xử lý, với lý do: “Bận nhiều việc cho lễ kỷ niệm 70 năm ngành Y”.

Đây không phải lần đầu tiên Sở Y tế Vĩnh Phúc thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước nỗi đau của bệnh nhân. Năm 2024, vụ ngộ độc tập thể hơn 400 công nhân tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam làm rúng động cả nước.

Hàng trăm công nhân bị ngộ độc sau khi ăn trưa tại bếp ăn của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam. Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt.

Hàng trăm công nhân bị ngộ độc sau khi ăn trưa tại bếp ăn của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam. Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt.

Tháng 5/2024, loạt bài điều tra "Chia chác suất ăn công nghiệp ở Vĩnh Phúc" trên Báo Nông nghiệp Việt Nam chỉ rõ con đường thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc đã từ các chợ tạm đến bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học.

Giấy ra viện trong của các công nhân trong vụ ngộ độc tập thể thứ 2 trong vòng 2 tháng tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Đức Bình.

Giấy ra viện trong của các công nhân trong vụ ngộ độc tập thể thứ 2 trong vòng 2 tháng tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Đức Bình.

Một tháng sau, lại xảy ra vụ ngộ độc tập thể thứ hai tại Vĩnh Phúc. Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt che giấu thông tin. Sở Y tế Vĩnh Phúc tại cuộc họp thường kỳ do UBND tỉnh này tổ chức, dõng dạc tuyên bố về những thành tích, công việc liên quan sức khỏe cộng đồng, tất nhiên kèm theo những ngôn từ sáo rỗng như “tích cực, quyết liệt, minh bạch”. (Cuộc họp diễn ra ngày 02/7/2024, còn vụ ngộ độc tập thể thứ 2 đã xảy ra ngày 27/6/2024).

Đến nay, chưa ai phải chịu trách nhiệm cho các vụ việc ngộ độc thực phẩm. Danh sách các đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể bị giấu nhẹm, Sở Y tế nói “thông tin chỉ báo cáo UBND tỉnh”. Không lẽ chỉ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Y tế có quyền được biết những đơn vị cung cấp thực phẩm không đảm bảo chất lượng, gây ngộ độc, còn hàng vạn công nhân trong các khu công nghiệp tới nay vẫn phải ăn mà chẳng biết đơn vị cung ứng thực phẩm cho mình có đủ uy tín hay không?

Sở Y tế Vĩnh Phúc với vai trò “trụ cột trong phòng chống ngộ độc thực phẩm”, song lại tỏ ra thiếu trách nhiệm trong quản lý các đơn vị cung ứng thực phẩm dẫn đến hàng loạt vụ ngộ độc tập thể xảy ra trên địa bàn.

Công nhân không biết họ ăn thực phẩm từ nguồn nào. Phụ huynh học sinh có con học bán trú không biết đồ ăn của con ở trường có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?  Sở Y tế Vĩnh Phúc thì luôn giữ thái độ "im lặng" ổn định trước mọi sự cố ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, tính mạng, sức khỏe của người dân Vĩnh Phúc buộc phải phó mặc cho may rủi? 

Trong những ngày qua, Vĩnh Phúc đang tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Cũng lại vừa xảy ra ngộ độc tập thể mà con gái anh Vương là 1 trong những nạn nhân. 

Liệu có Sở Y tế Vĩnh Phúc có nên tổ chức lễ hội "tưng bừng"  khi ngộ độc tập thể còn đang rình rập? Tặng hoa, chúc tụng, ngợi ca làm gì khi bệnh nhân 5 tuổi bị ngộ độc thực phẩm đi cấp cứu nhưng phải đóng viện phí vì "quá giờ hành chính"?.

Nếu dũng cảm, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc có nên nhận trách nhiệm vì không hoàn thành nhiệm vụ và hủy ngay lễ hội kỉ niệm "rình rang"?.  Mong rằng ông Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc bớt chút thời gian lễ hội, tiệc tùng, đến thăm gia đình những công nhân bị ngộ độc tập thể, thăm phụ huynh của nhiều trẻ đi cấp cứu vẫn phải đóng tiền vì "chỉ dùng bảo hiểm y tế ngoài giờ hành chính".

Một lần thôi, đến để cảm nhận!...

Y đức, thành tích của ngành Y không đến từ những lễ kỷ niệm rình rang. Y đức đòi hỏi người bác sĩ thực sự quan tâm đến bệnh nhân, thay vì chỉ nghĩ đến kiếm tiền từ thân nhân người bệnh.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư 8.678 tỷ đồng cho ngành Y tế từ nguồn ngân sách, nguồn thu của đơn vị và các nguồn khác để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và các hoạt động khác.

Hàng nghìn tỷ đồng được chi ra cho ngành Y, nhưng bác sĩ vẫn lừa thân nhân bệnh nhân 5 tuổi đóng tiền. Công luận có quyền được trông chờ vào các đợt thanh tra tài chính ở Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt và các đơn vị khác của ngành Y tế Vĩnh Phúc.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Gần thập kỷ sống trên cung đường ô nhiễm: Đá 'quả bóng trách nhiệm'

HẢI DƯƠNG - Khi người dân bức xúc, phản ánh về ô nhiễm môi trường, chính quyền xã, thị trấn chỉ biết ra văn bản gửi huyện và huyện tiếp tục đề nghị đến ban, ngành cấp tỉnh....

Sắp xét xử cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước nhận hối lộ

Sau khi nhận hối lộ, ông Nguyễn Lộc An, cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã dùng 14 tỷ đồng để mua căn biệt thự.

Bộ Công an: Cụm thi đua số 4 giao ước giải quyết tin tố giác tội phạm đạt 90%

Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an vừa tổ chức Lễ ký giao ước thi đua và phát động phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc' năm 2025.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Quản lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính như thế nào?

Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể, nhằm đảm bảo việc bố trí, sử dụng cơ sở vật chất một cách đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả.