Chính sách này nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, cắt giảm rào cản kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục. Đồng thời, tập trung tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tổ chức, nhân sự, tài chính và hoạt động chuyên môn, nâng cao trách nhiệm giải trình trước Nhà nước và xã hội.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về giáo dục nghề nghiệp là chính sách nhằm tập trung tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: baochinhphu.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là đẩy mạnh phân quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu, kết hợp cơ chế "tiền kiểm" và "hậu kiểm", đặc biệt với các ngành nghề đặc thù như y, dược. Bên cạnh đó, chính sách cũng chú trọng đơn giản hóa điều kiện đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi cho giáo dục nghề nghiệp phát triển.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, với 2 nội dung chính là phân cấp mạnh mẽ hơn cho các cơ sở đào tạo và tinh gọn quy định pháp lý, chính sách này hứa hẹn mang lại hiệu quả quản lý cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.
Ngoài chính sách trên, dự kiến có 4 chính sách khác sẽ được xây dựng và thể chế hóa vào Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Cụ thể, đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; thu hút hiệu quả doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư dựa trên chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chính sách mới trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện, tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Với các trọng tâm đổi mới hệ thống, chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết với doanh nghiệp cũng như phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tự chủ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.