| Hotline: 0983.970.780

Sắp xếp hệ thống ngành dọc nông nghiệp: Thích ứng nhanh nhờ công nghệ số

Thứ Hai 21/07/2025 , 21:20 (GMT+7)

SƠN LA Mặc dù Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp tỉnh Sơn La mới thành lập được hơn 2 tuần, nhưng công việc nơi đây đang được vận hành kịp thời nhờ áp dụng công nghệ số.

Tập thể lãnh đạo Sở tặng hoa chúc mừng các đồng chí nhận nhiệm vụ mới. Ảnh: Đức Bình.

Tập thể lãnh đạo Sở tặng hoa chúc mừng các đồng chí nhận nhiệm vụ mới. Ảnh: Đức Bình.

Theo Quyết định số 1653/QĐ-UBND tỉnh Sơn La ngày 30/6/2025 về việc tổ chức lại; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp. Trung tâm sẽ có 3 phòng chuyên môn, 3 trại giống, 12 trạm trung tâm kỹ thuật nông nghiệp khu vực (tổ chức dựa trên Trung tâm Khuyến nông (cũ), tiếp nhận 12 Trung tâm Dịch vụ/Kỹ thuật Nông nghiệp huyện (cũ)).

Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La; thực hiện các hoạt động sự nghiệp về khuyến nông, lâm, ngư nghiệp; chăn nuôi - thú y - thủy sản, trồng trọt và bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; trạm Kỹ thuật Nông nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu và hạch toán phụ thuộc; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các chi cục: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Phát triển nông thôn.

Phản ứng nhanh trước dịch bệnh

Tại Trạm Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực XII, ông Nguyễn Văn Ước - Trưởng trạm, chia sẻ: cơ cấu tổ chức hiện có gồm 1 Trưởng trạm, 2 Phó trạm, 1 tổ hành chính và 3 tổ chuyên môn: Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Trồng trọt - bảo vệ thực vật - khuyến nông, Chăn nuôi - thú y, với tổng cộng 24 cán bộ.

Các chức năng, nhiệm vụ của trạm vẫn được giữ nguyên như khi còn là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, tuy nhiên địa bàn quản lý hiện tại được tái tổ chức theo quy mô của 4 phường (Tô Hiệu, Chiềng An, Chiềng Cơi, Chiềng Sinh) và 2 xã (Muổi Nọi, Chiềng Mung).

Hỗ trợ tiêu hủy, rắc bột khử trùng đối với các hộ có đàn vật nuôi chết vì dịch bệnh. Ảnh: Đức Bình.

Hỗ trợ tiêu hủy, rắc bột khử trùng đối với các hộ có đàn vật nuôi chết vì dịch bệnh. Ảnh: Đức Bình.

Trong 2 tuần đầu vận hành, khi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Sơn La diễn biến phức tạp, các viên chức của Trạm XII đã chủ động triển khai các nhiệm vụ cấp bách. Dịch tả lợn châu Phi tại phường Chiềng Sinh (4 ổ dịch) và viêm da nổi cục trên bò tại phường Chiềng Cơi (1 ổ dịch) đang hoành hành nhiều bản làng tại các khu vực do đơn vị quản lý. Các thành viên trong trạm đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị để xử lý dịch bệnh theo đúng quy trình quy định; bên cạnh đó, chủ động thành lập các đoàn tiến hành tiêm vaccine cho đàn vật nuôi trong gần 2 tuần vừa qua, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai mở rộng, tập trung trước mắt cho các khu vực có nguy cơ cao.

Công tác thông tin liên lạc được sử dụng thông qua Zalo trong những tình huống cấp bách; từng nhóm được thành lập, từ trưởng bản đến các đơn vị hành chính cấp xã, cùng các lãnh đạo trạm kỹ thuật trực thuộc. Sau khi nhận tin báo từ người dân, thông tin sẽ được chuyển rất nhanh tới các đơn vị thuộc từng trạm để có phương án xử lý kịp thời đối với các hộ dân.

Đối với lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, hiện nay các trạm vẫn đang tiếp tục triển khai các mô hình cũ vốn được thực hiện tại các xã, phường dưới sự quản lý của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố (cũ). Tuy nhiên, do sự thay đổi trong phạm vi quản lý hành chính, một số mô hình đã được chuyển giao cho các trạm mới phụ trách theo từng địa bàn.

Cán bộ tại trung tâm kỹ thuật nông nghiệp (trái) hỗ trợ người dân phát triển mô hình chanh leo. Ảnh: Đức Bình.

Cán bộ tại trung tâm kỹ thuật nông nghiệp (trái) hỗ trợ người dân phát triển mô hình chanh leo. Ảnh: Đức Bình.

Công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật nhìn chung thuận lợi hơn nhờ địa bàn được thu hẹp, tạo điều kiện duy trì các mô hình phối hợp sẵn có.

Chị Trần Thị Nga, viên chức Trạm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực XII, từng công tác tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố (cũ), chia sẻ: "Tôi đã và đang thực hiện một số mô hình cùng bà con. Nay chuyển về trung tâm kỹ thuật mới, tôi vẫn tiếp tục triển khai các mô hình này. Công việc không gặp nhiều khó khăn vì chức năng, nhiệm vụ cơ bản vẫn được giữ nguyên”.

Nhờ sự liền mạch trong công tác chuyên môn, các thành viên của trạm đã nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới và tiếp tục phát huy hiệu quả trong nhiệm vụ được giao.

Nỗ lực kiêm nghiệm thêm đầu việc

Các cán bộ trung tâm kỹ thuật nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn người dân tiêm vaccine cho bò. Ảnh: Nguyễn Nga.

Các cán bộ trung tâm kỹ thuật nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn người dân tiêm vaccine cho bò. Ảnh: Nguyễn Nga.

Lĩnh vực thú y vẫn luôn cần lực lượng lớn nhân lực từ cấp cơ sở, nhưng nay khi các xã mở rộng, cơ chế chính sách dành riêng cho các đối tượng này vẫn chưa có, khiến toàn bộ công việc hiện do các trạm chủ yếu phụ trách. Như câu chuyện tại trạm số VI, được tổ chức lại trên cơ sở quy mô, diện tích của 7 xã: Chiềng Mai, Mai Sơn, Phiêng Pằn, Phiêng Cằm, Mường Chanh, Tà Hộc, Chiềng Sung.

Bà Lê Thị Thùy Linh, Phó trưởng trạm phụ trách, chia sẻ trạm hiện có 21 viên chức, được tập hợp từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn (cũ).

Bà Linh cho rằng công tác thú y cần bổ sung thêm nhân lực và kỹ thuật: trước đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ trì xây dựng kế hoạch và hướng dẫn nhóm thú y cấp xã, bản để họ chủ động tiêm phòng. Tuy nhiên, sau khi thành lập xã mới, tổ cơ sở này không còn tồn tại, dẫn đến khó khăn trong triển khai tiêm chủng.

Trên tinh thần đó, chính những cán bộ trực thuộc trạm Kỹ thuật nông nghiệp ra quân, vừa với vai trò hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời tiến hành tiêm cùng các hộ dân. Trước mắt ưu tiên các khu vực là “điểm nóng” của dịch bệnh để ngăn chặn nguy cơ lây lan rộng ra địa bàn. Khoanh vùng từng bản, từng xã để nắm lại thông tin số lượng sau khi địa giới của các xã thay đổi.

“Các cán bộ sau khi hoàn tất tiêm vaccine cho vật nuôi sẽ tổng hợp ngay số liệu từng ngày, báo cáo điện tử qua Zalo, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản rà soát lại các khu vực để xây dựng tiếp các kế hoạch tiêm”, bà Linh nói thêm.

Xây dựng kế hoạch lâu dài

Bà Ngần Thị Minh Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Sơn La, cho biết: "Đơn vị vẫn đang trong quá trình kiện toàn bộ máy cán bộ. Là đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chi cục của Sở trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản, trồng trọt và bảo vệ thực vật”.

Trong bối cảnh địa bàn các xã mở rộng, đơn vị vẫn đang triển khai kế hoạch phối hợp, nhưng đây mới là giai đoạn đầu nên còn đôi chút khó khăn giữa các bên trong vận hành, khi phòng Kinh tế Hạ tầng và Đô thị của các xã chỉ có 1 chuyên viên phụ trách lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian tới, hai bên sẽ làm rõ các nhiệm vụ cụ thể để phối hợp chặt chẽ hơn, từ đó hỗ trợ người dân nhanh chóng và hiệu quả.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho biết: “Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh sẽ sớm kiện toàn tổ chức, sắp xếp nơi làm việc ổn định cho cán bộ, đồng thời hoàn tất các yêu cầu về pháp lý, tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc triển khai nhiệm vụ năm nay và xây dựng chiến lược dài hạn”.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, nhất là những người mới nhận nhiệm vụ, cần được đẩy mạnh nhằm đảm bảo đội ngũ nắm vững chức năng, nhiệm vụ và phương pháp làm việc theo mô hình tổ chức mới.

Xem thêm
Yên Bình đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch

LÀO CAI Yên Bình đủ điều kiện để trở thành một trong những xã là trung tâm sinh thái du lịch nông nghiệp, công nghiệp sạch của tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất